11:02 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Khảo sát

Ma trận thực phẩm hữu cơ

Thứ hai - 16/05/2016 20:19
Với những ưu điểm không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hóa học và không chứa chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng… các sản phẩm thực phẩm hữu cơ đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Song để chọn đúng thực phẩm hữu cơ không phải điều dễ dàng.

Mua bằng niềm tin

Từ khi được người quen giới thiệu một địa chỉ trồng rau không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ (mà người bán tự giới thiệu là rau hữu cơ) chị Nguyễn Thu Hà (quận Phú Nhuận, TPHCM) đã chuyển sang đặt rau hàng tháng ở đó. Đặc điểm đầu tiên của những sản phẩm rau này đó chính là giá rất cao, gấp đến 3-4 lần, thậm chí nhiều hơn so với những sản phẩm ngoài chợ; rau không mướt, thậm chí khá nhiều sâu ăn. Khi được hỏi vì sao lại mua rau ở địa chỉ này, chị Hà cho biết vì tin là chính, thấy người quen xuống tận trại rau của họ rồi nên tin và mua thôi chứ không quan tâm lắm đến các giấy tờ chứng nhận.

Một khu vực trồng rau hữu cơ của hệ thống Tràng An.

Không chỉ riêng chị Hà, rất nhiều người tiêu dùng hiện đang tìm mua thực phẩm sạch nói chung, thực phẩm hữu cơ nói riêng bằng niềm tin là chính. Tuy nhiên, nói đến rau hữu cơ cũng cần phải xem xét lại những yếu tố như không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ đã đủ hay chưa. Theo chia sẻ của một số chuyên gia, để có thể tham gia sản xuất rau hữu cơ, điều kiện tiên quyết là nguồn nước và đất canh tác phải đảm bảo an toàn, không nhiễm các kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép. Với đất, hàm lượng 5 kim loại nặng là đồng, kẽm, chì, cadimi (Cd) và asen (thạch tín) sẽ được xét nghiệm kiểm tra; với nước, các chất được quan tâm xét nghiệm bao gồm chì, cadimi, asen và thủy ngân. Đó là chưa kể để đạt được chứng nhận hữu cơ các DN phải gửi giấy tờ qua nước ngoài và hành trình theo đuổi chứng nhận quốc tế này rất tốn kém. Chính vì thế, hiện trên thị trường chưa có nhiều thương hiệu được chứng nhận quốc tế. Nhưng các cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ lại mọc lên như nấm sau mưa từ ngoài phố đến cửa hàng online.

Nói đến những khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận hữu cơ có thể lấy thí dụ về một DN lớn tham gia con đường này chính là Vinamit. Mặc dù đã có sự chuẩn bị hơn 3 năm cho một trang trại 200 ha trái cây hữu cơ. Song theo chia sẻ của ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, hiện DN đang làm những thủ tục cuối cùng để được cấp chứng nhận hữu cơ, nên những sản phẩm hiện đang dùng chữ Vinamit Natural chứ chưa dùng organics. Song Vinamit cũng đã hình thành cửa hàng Vinamit Organics mà ở đó có nhiều mặt hàng hữu cơ của các DN Việt Nam khác. “Làm nông nghiệp hữu cơ để kinh doanh một cách bài bản không phải là chuyện dễ. Đã một thời gian dài chúng ta sử dụng quá nhiều hóa chất trong trồng trọt. Đất và nguồn nước đều nhiễm hóa chất và kim loại nặng, cần khoảng 3 năm chuyển tiếp để làm sạch. Trong nông nghiệp, có thể nói, với tình hình Việt Nam hiện tại, nguồn nước là yếu tố quan trọng nhất”- ông Viên chia sẻ.

Nhắm hướng xuất khẩu

Nhu cầu sử dụng thực phẩm hữu cơ đang ngày một tăng mạnh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê, thị trường sản phẩm hữu cơ thế giới đang có giá trị 72 tỷ USD (năm 2014) và có mức tăng trưởng hàng năm khoảng 10%. Diện tích canh tác hữu cơ toàn cầu cũng tăng từ 11 triệu ha (năm 1990) lên hơn 37 triệu ha (năm 2014). Rất nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ từ Việt Nam. Ngay tại hội thảo nhận diện sản phẩm hữu cơ Việt Nam diễn ra hồi giữa tuần trước tại TPHCM, nhiều đối tác đến từ EU, Nhật Bản đã đặt hàng các DN Việt. Nhiều DN Việt đã chia sẻ các câu chuyện xuất ngoại của mình. Cụ thể, Công ty TNHH Hưng Thịnh (Tây Ninh) cho hay đã hợp tác với một công ty của Đức để nuôi cá và tôm hữu cơ xuất sang nước này. Công ty cũng đã xây dựng nông trại với diện tích hơn 1.500ha phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm hữu cơ. Hay Công ty Viễn Phú đã bắt tay với một công ty Nhật sản xuất gạo, tôm, cá… hữu cơ để xuất khẩu sang Nhật Bản. Cũng tại đây, đại diện một tập đoàn của Thái Lan cho hay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở nước này tăng mạnh trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng hơn 8%/năm. Thế nhưng nguồn cung sản phẩm không đủ đáp ứng nên DN Thái đang có kế hoạch nhập khẩu sản phẩm hữu cơ từ Việt Nam. Hầu hết các DN Việt Nam đều cho hay các sản phẩm hữu cơ của họ vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của nhà nhập khẩu về số lượng và chủng loại sản phẩm do điều kiện còn hạn chế.

Khá nhiều ý kiến cho rằng tại sao nhu cầu trong nước cũng cao, người tiêu dùng cũng sẵn sàng bỏ ra chi phí cao hơn để mua những sản phẩm này nhưng các DN lại nhắm đến xuất khẩu chứ không phải tiêu thụ nội địa. Thực ra các DN đi theo hướng nông nghiệp hữu cơ phải xây dựng cả chuỗi cung ứng từ sản xuất đến bán lẻ nên gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng có thể tìm mua những sản phẩm hữu cơ ở những cửa hàng như Vinamit Organics, hay những cửa hàng của các thương hiệu đã được chứng nhận như Organik Đà Lạt, Hoasua foods, Organica… Đặc biệt, phía Saigon Co.op cho biết sẽ chủ động liên kết hợp tác, ứng vốn, phối hợp cùng các nhà cung cấp chiến lược tiếp thị sản phẩm hữu cơ chất lượng cao đến khách hàng trên toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Riêng tại mỗi siêu thị, Saigon Co.op sẽ dành một khu vực nhận diện dành riêng cho các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao. Ngoài ra, trong tương lai gần, Saigon Co.op sẽ phát triển mô hình bán lẻ phân khúc cao rất phù hợp với các sản phẩm hữu cơ.

 

Chưa bao giờ nhu cầu được sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ của người tiêu dùng lại cao như hiện nay, chính vì thế rất cần thêm nhiều những DN tham gia vào lĩnh vực này để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa.


Nguồn tin: SGDTTC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 164

Máy chủ tìm kiếm : 13

Khách viếng thăm : 151


Hôm nayHôm nay : 60650

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 893107

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44260792



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach