23:25 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Khảo sát

Nhật ký TPP: Quyết tâm tháng 7

Thứ sáu - 24/07/2015 03:08
Các sức ép đang được tạo ra để các bên có thể kết thúc đàm phán TPP vào cuối tháng này...


Năm nay các dự báo cho thấy ngành lúa gạo của Mỹ lại trúng mùa,
chỉ một nửa tiêu thụ trong nước, một nửa xuất khẩu,
nên càng có cớ để thúc ép Nhật Bản. Ảnh: T.L
 
Gần là vì các bên tỏ rõ quyết tâm ký kết vào cuối tháng này. Xa vì một số thành viên có thể bị bỏ lại đằng sau do còn có những bất đồng.
 
Qua hơn năm năm đàm phán, và đã ba năm qua, cụm từ “TPP sắp được ký kết” được nhắc đi nhắc lại rất nhiều, rồi lần lượt các cột mốc trôi qua. Từ “sắp” lại được xướng lên rất hùng hồn và lần này gần hơn bao giờ hết khi cuối tháng 7, 12 bộ trưởng thương mại của các thành viên cùng gặp nhau tại Hawaii, Mỹ, để giải quyết những khúc mắc cuối và tuyên bố kết thúc.
 
Khi trở ngại lớn nhất từ phía Mỹ là quyền đàm phán nhanh TPA đã được tháo gỡ khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ sau năm lần bảy lượt cân nhắc, đã quyết định trao quyền này cho Tổng thống Barack Obama, thì vướng mắc còn lại sẽ được giải quyết trên bàn đàm phán. Tuần này, vào ngày 24 – 28.7, các nhà đàm phán lại gặp nhau tại Hawaii để cùng nhau giải quyết rốt ráo những vấn đề còn lại sau lần gặp gỡ ở Guam vào cuối tháng 5.
 
Tất cả nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ cấp bộ trưởng diễn ra ngay sau đó, từ 28 – 31.7, cũng tại Hawaii, để cùng nhau nâng ly chúc mừng.
 
Phía Mỹ thì không còn nhiều thời giờ nên tỏ ra nóng ruột, và sốt sắng nhất. Nhưng có vẻ như một lần nữa việc mở cửa thị trường nông sản lại là một trở ngại. Mỹ hết lần này đến thúc ép Nhật Bản mở rộng thị trường gạo, nâng hạn ngạch nhập khẩu miễn thuế mặt hàng này từ phía Mỹ thêm 200.000 tấn mỗi năm. Nhật Bản thì vẫn chỉ sẵn sàng gật đầu ở mức 50.000 tấn. Gạo vẫn là một ngôi đền thiêng không dễ gì đụng đến được và người Nhật cứ kiên quyết bảo hộ. Hàng năm, nước này nhập về khoảng 770.000 tấn với thuế suất lên tới 778%, trong đó khoảng 360.000 tấn từ Mỹ. Năm nay các dự báo cho thấy ngành lúa gạo của Mỹ lại trúng mùa, chỉ một nửa tiêu thụ trong nước, một nửa xuất khẩu, nên càng có cớ để thúc ép Nhật Bản.
 
Nhưng như mọi hiệp định khác, những bất đồng tồn tại đến giây phút cuối cùng luôn là những vấn đề khó khăn nhất, chiến lược nhất, vì thế nếu chỉ giải quyết trong một thời gian ngắn ngủi thì cần đến các quyết tâm chính trị, những sự đánh đổi và thậm chí cả sự hy sinh lợi ích. Vì thế, nếu thúc ép, TPP có thể hoàn tất mà không có đủ 12 thành viên.
 
Quốc gia nào sẽ bị gạt khỏi TPP ở Hawaii?
 
Không phải Mỹ, dĩ nhiên. Nhật Bản cũng không phải. Và cũng không phải Việt Nam. Điều này được khẳng định khi đại diện thương mại Mỹ, trong cuộc nói chuyện với Quốc hội Malaysia mới đây, nói rằng Mỹ đã đạt được thoả thuận với Việt Nam và Singapore rồi, và Mỹ có ý định kết thúc đàm phán TPP vào ở Hawaii cuối tháng này. Ông Froman đã đưa ra tối hậu thư cho các nhà lập pháp Malaysia, rằng nếu nước này vẫn còn chưa nhất trí với các điều khoản của TPP vào cuối tháng này, thì rất có thể sẽ “bị bỏ lại”, vì thế Malaysia có thể lựa chọn hoặc tham gia hoặc không. Quốc gia Đông Nam Á này cũng chịu nhiều chỉ trích về nạn buôn người. Có tin cho hay là Mỹ sẽ “nâng hạng” quốc gia Malaysia từ hạng thấp nhất là hạng Tier 3 lên hạng Tier 2. Sự việc này khiến tuần qua, một nhóm 19 thượng nghị sĩ đã kêu gọi ngoại trưởng Mỹ John Kerry khoan hãy vội đưa Malaysia ra khỏi danh sách các quốc gia buôn người trong báo cáo thường niên dự kiến vào cuối tuần này. Sở dĩ phải làm như thế là vì trong TPA mà quốc hội trao cho tổng thống có điều khoản sẽ phải loại bỏ các thoả thuận thương mại với nước nào bị xếp hạng Tier 3.
 
Nhưng đáng chú ý hơn là trường hợp của Canada. Mỹ cũng lại tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi Canada một mực muốn bảo hộ thị trường nông sản, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa và gia cầm và các quốc gia có thế mạnh như Mỹ, Australia đang thúc ép nước này phải mở cửa hai thị trường đang được trợ cấp này. Giới lập pháp Mỹ có vẻ đã không còn kiên nhẫn với lập trường cứng rắn của Canada và gây sức ép lên chính quyền Mỹ để loại bỏ Canada ra khỏi TPP. Khổ một nỗi là Canada đang chuẩn bị bước vào mùa bầu cử vào tháng 10 năm nay. Thủ tướng nước này là Stephen Harper thì không muốn mất phiếu từ các nông dân của ngành nông nghiệp nước này. New Zealand cũng được yêu cầu cho tự do hoá hơn nữa các sản phẩm sữa, thế mạnh của quốc gia này.
 
Gạt qua những bất đồng, Nhật Bản cũng tỏ rõ quyết tâm đạt được TPP vào cuối tháng này. “Chúng tôi cần phải biến cuộc gặp gỡ tại Hawaii cuối tháng này là cuộc gặp cấp bộ trưởng cuối cùng để kết thúc các cuộc đàm phán. Việc 12 thành viên cùng nhau đạt được một thoả thuận cuối cùng là rất quan trọng. Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để đạt được điều này, nhưng nếu có một quốc gia nào chưa sẵn sàng, thì vẫn còn một lựa chọn cho quốc gia đó là sẽ gia nhập sau này, bộ trưởng Kinh tế và chính sách tài chính Akira Amari, phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 14.7.
 
Chưa rõ là quốc gia nào vì ông Amari không đề cập cụ thể, nhưng ông nói thêm rằng không thể để cho thời hạn TPP trôi qua chỉ vì lợi ích riêng của họ. “Tôi cho rằng một lựa chọn mà chúng tôi có thể đưa ra là nếu một quốc gia chưa sẵn sàng ở Hawaii, chúng tôi cũng sẽ tìm cách để kết thúc đàm phán ở đó, để ban hành hiệp định này, và rồi quốc gia đó có thể quay lại và tham gia hiệp định này”.
 
Trước đây, nhiều tiếng nói từ phía Mỹ cũng đòi loại bỏ Nhật Bản ra khỏi các vòng đàm phán vì những bế tắc trong đàm phán với Mỹ và chuyện khăng khăng bảo hộ thị trường nông sản của nước này. Nay Nhật Bản tỏ rõ quyết tâm như thế, và cùng với sự sốt sắng của Mỹ, TPP rất có thể sẽ về đích đúng hẹn.
 
theo Trần Phi Tuấn (báo Thế Giới Tiếp Thị)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 143

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 140


Hôm nayHôm nay : 42112

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 960652

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44328337



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach