17:46 EDT Thứ hai, 13/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu "chơi" nhau

Thứ sáu - 22/03/2013 07:46

Giá trị nhiều ngành xuất khẩu giảm, thị trường co hẹp, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt suy yếu, mà nguyên do được chỉ ra là sự mất đoàn kết nội bộ.

 


Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang rớt thê thảm. Nếu so sánh cùng một loại gạo xuất khẩu 5% tấm, giá gạo Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan khoảng 190 USD một tấn và Campuchia là 75 USD một tấn. Nếu so với giá gạo cấp thấp Ấn Độ, Pakistan, giá gạo Việt còn thấp hơn 40-50 USD một tấn, "chạm đáy" thế giới.
 

Ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang, khẳng định tình trạng tranh mua, tranh bán trong nội bộ doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam là thủ phạm.
 

"Nhiều vị cho rằng giá gạo xuất khẩu giảm là do nguồn cung ngày càng nhiều, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Campuchia xuất mạnh mà nhu cầu thế giới không tăng. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều yếu tố thôi, nguyên nhân chính vẫn là "gà cùng mẹ đá nhau". Không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà ngay những công ty lớn, hội viên hiệp hội cũng ngầm "cắn" nhau để giành khách hàng", ông Linh nói.
 

Tình trạng mất đoàn kết cũng xảy ra trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, cho biết: "Thương trường là chiến trường. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhau giờ giống như vậy".
 

Theo ông, tuy cùng xuất khẩu ra nước ngoài, một số doanh nghiệp lại không chịu thống nhất giá bán để cùng hưởng lợi mà cứ phá ngầm lẫn nhau bằng giá rẻ. Khách hàng dù có thân đến mấy, nhưng nhiều khi vì lợi nhuận, họ sẵn sàng bỏ mình quay sang bắt tay với doanh nghiệp rẻ hơn. Chỉ một vài hãng nhỏ bán phá giá cũng đủ giết chết nhiều công ty cùng ngành. Hậu quả là nhà nhập khẩu quay ra ép giá tất cả công ty xuất khẩu Việt Nam.
 

Ông Hùng, một nhà môi giới thương mại xuất nhập khẩu nông sản ở châu Phi, tiết lộ có doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn thành lập công ty ở Singapore, rồi mua lại hàng của chính mình tại Việt Nam. Mục đích là mượn danh nhập khẩu hỏi mua, ép giá doanh nghiệp trong nước, gom hàng nhiều rồi xuất đi nhằm hưởng thuế xuất khẩu thấp của Singapore. Còn mục đích xấu hơn là tạo ra nhà nhập khẩu "ảo" để dò giá bán, thông tin hàng hóa của doanh nghiệp khác trong nước.
 

Cũng theo ông, ngay cả khi nhập khẩu nguyên liệu, doanh nghiệp Việt cũng tự hại nhau. "Đi mua hàng ở cùng một nơi nhưng thay vì chia sẻ thông tin như giá bán ở đó bao nhiêu, hàng tốt không, người bán có uy tín không… thì họ lại 'ai lo thân nấy'. Thậm chí dù từng bị đơn vị cung cấp nào đó gian lận, giao hàng kém chất lượng, nay thấy có công ty Việt khác sắp đi vào vết xe đổ của mình, họ cũng mặc kệ, chẳng thèm cảnh báo", ông Hùng chia sẻ.
 

Việc hạn chế tình trạng thiếu đoàn kết phải trông chờ vào vai trò của các hiệp hội. Tuy vậy, sự điều hành của một số hiệp hội cũng còn yếu kém.
 

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết nhiều hiệp hội cũng đã thực hiện việc lập giá sàn xuất khẩu, kiểm soát giá nhưng vẫn không hiệu quả như mong đợi. Họ chỉ có thể kiểm soát hội viên chứ không thể can thiệp vào các doanh nghiệp thương mại, nước ngoài hay từ lĩnh vực khác.
 

Tuy nhiên, VFA vẫn quy định giá sàn để tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, họ còn thu hẹp đầu mối xuất khẩu xuống còn 100 doanh nghiệp đủ năng lực. Việc này sẽ triệt tiêu những doanh nghiệp nhỏ bán phá giá, tranh mua, tranh bán làm lũng đoạn thị trường xuất khẩu và dễ kiểm soát được giá sàn.
 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng cho biết sẽ quy định giá sàn xuất khẩu, hạn chế đầu mối xuất tôm và cá tra hoặc cấp phép xây dựng nhà máy chế biến thủy sản mới.
 

Với ngành điều, mọi việc có vẻ khó khăn hơn. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết năm ngoái hiệp hội có đề ra giải pháp giá sàn xuất khẩu. Tuy nhiên đầu năm nay đã phải tuyên bố bãi bỏ.
 

Họ chỉ phải công khai thông tin xuất khẩu, giá bán hàng của các doanh nghiệp cho hội viên biết. Phần giá bán cao thấp, lãi nhiều ít thì thị trường tự điều tiết và công ty tự lo.
 

Ông Thanh thừa nhận: "Trong mấy năm qua, hiệp hội có điều hành giá nhưng không hiệu quả, doanh nghiệp tranh mua, tranh bán, phá giá miết". Về việc hạn chế đầu mối xuất khẩu, ông cho rằng sẽ đưa ra lấy ý kiến vào thời điểm khác vì chưa thể áp dụng với ngành điều.

Nguồn tin: ĐTTC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 168

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 165


Hôm nayHôm nay : 44800

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 846423

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44214108



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach