20:59 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Luật quốc tế không “cấm” nhà nước truất hữu tài sản của NĐTNN

Thứ năm - 07/07/2016 07:29
Bài viết này phân tích về trách nhiệm pháp lý của nhà nước khi thực hiện truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài gây ô nhiễm môi trường.

Trong đầu tư quốc tế, truất hữu (expropriation) được hiểu là việc nhà nước tước quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) dưới các hình thức khác nhau như trực tiếp tịch thu tài sản - “truất hữu trực tiếp” hoặc thông qua các quy định pháp luật hoặc các biện pháp hành chính (ví dụ như phạt tiền, tăng thuế, buộc tái đầu tư...) gián tiếp làm NĐTNN bị mất một phần hoặc toàn bộ tài sản và/hoặc lợi ích kinh tế của dự án đầu tư - “truất hữu gián tiếp”.

Về lý thuyết, nguyên tắc chủ quyền quốc gia cho phép nhà nước được toàn quyền quản lý và định đoạt các tài sản, tài nguyên trên lãnh thổ của mình và không bị ai xét xử. Trên thực tế, để thu hút vốn đầu nước ngoài, các nước thường phải ký kết các điều ước quốc tế về bảo hộ đầu tư trong đó cam kết không tiến hành quốc hữu hóa, truất hữu tài sản của NĐTNN và sẽ phải bồi thường nếu biện pháp truất hữu bị coi là bất hợp pháp theo quy định của luật quốc tế, cũng như chấp nhận từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp.

Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng không nằm ngoài xu hướng này. Chúng ta đã ký kết hơn 60 hiệp định đầu tư song phương (BIT). Đây là cơ sở để các NĐTNN có thể trực tiếp kiện Nhà nước ta ra cơ quan tài phán quốc tế (thông thường là trọng tài) để bảo vệ các quyền lợi kinh tế mà họ cho là bị mất mát do các biện pháp của Nhà nước. Nói cách khác, bất kỳ biện pháp hành chính hay pháp lý nào của Nhà nước ta cho dù là phù hợp với quy định của luật quốc gia nhưng không phù hợp với các điều kiện do BIT quy định vẫn sẽ có thể bị NĐTNN thách thức theo thủ tục pháp lý quốc tế.

Đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của NĐTNN, Nhà nước cần mạnh dạn xử lý nhưng phải cân nhắc các yêu cầu của luật quốc tế để hạn chế bị tác động không đáng từ những thủ tục pháp lý do NĐTNN khởi xướng

Được biết đã có nhiều vụ kiện mà cơ quan tài phán quốc tế buộc nước tiếp nhận đầu tư phải bồi thường hàng hàng trăm triệu đô la Mỹ cho NĐTNN vì biện pháp họ áp dụng bị coi là không phù hợp với luật quốc tế.
Vậy nước tiếp nhận đầu tư có thể làm gì khi NĐTNN gây ô nhiễm môi trường? Liệu các quy định bảo hộ đầu tư của BIT có tước đi quyền thực hiện biện pháp truất hữu của nhà nước?

Khi xem xét vấn đề này, cần nhận thức rằng luật quốc tế không hoàn toàn “cấm” nhà nước thực hiện truất hữu tài sản của NĐTNN. Biện pháp truất hữu (cho dù là gián tiếp hay trực tiếp) sẽ được coi là hợp pháp khi đảm bảo được bốn yếu tố sau:

(a) nhằm phục vụ lợi ích công cộng;

(b) được thực hiện một cách không phân biệt đối xử;

(c) được thực hiện theo thủ tục luật định;

(d) có thực hiện bồi thường cho đối tượng bị truất hữu tài sản.

Những yếu tố này sẽ quyết định trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế. Ở đây, ngoài việc chứng minh mục đích của quy định pháp luật hoặc biện pháp hành chính của cơ quan nhà nước là hướng tới lợi ích công cộng, tức là bảo vệ môi trường (có những bằng chứng khoa học chính xác và đầy đủ), vấn đề bảo đảm không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư và quy trình thủ tục áp dụng theo luật định là hai điều kiện mang tính định lượng phải được bảo đảm.

Với yếu tố cuối cùng, mặc dù, về nguyên tắc nhà nước được mong chờ sẽ phải thực hiện bồi thường đối với truất hữu, luật quốc tế cũng chấp nhận nhà nước không phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại kinh tế là hậu quả của “quy định ngay tình” thuộc thẩm quyền giám sát đặc biệt của nhà nước (như bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, các tài nguyên có thể bị cạn kiệt...). Vấn đề này được cổ súy trong luật quốc tế về bảo vệ môi trường. Luật môi trường quốc tế trong hơn hai thập niên trở lại đây đã hình thành nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả hết” - tức là ai gây ra ô nhiễm môi trường có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu toàn bộ các chi phí để bảo vệ và khôi phục môi trường.

Tóm lại, đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của NĐTNN, Nhà nước cần mạnh dạn xử lý nhưng phải cân nhắc các yêu cầu của luật quốc tế để hạn chế bị tác động không đáng từ những thủ tục pháp lý do NĐTNN khởi xướng.

PGS.TS. Trần Việt Dũng 
 Cố vấn pháp lý, Victory LLC

Nguồn tin: TBKTSG Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 150

Máy chủ tìm kiếm : 10

Khách viếng thăm : 140


Hôm nayHôm nay : 42112

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 956416

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44324101



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach