12:14 EDT Thứ năm, 16/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Giáo sư hiến kế thoát nghèo cho nông dân: 'Đổi lúa lấy cổ phiếu'

Thứ sáu - 11/05/2012 07:54
GS.TS Võ Tòng Xuân hiến kế giúp người trồng lúa thoát nghèo.


 
Bị thương lái ép giá, các bên trung gian hưởng lợi nên dù cả đời "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cuộc sống của nông dân cũng không khá hơn. GS.TS Võ Tòng Xuân hiến kế giúp người trồng lúa thoát nghèo.

GS. TS Võ Tòng Xuân dành cả đời nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp, gắn chặt với cây lúa, cuộc sống nông dân đồng bằng sông Cửu Long hàng chục năm nay. "Làm sao cho nông dân tăng lợi tức, bán được lúa giá cao" là nỗi trăn trở lớn nhất của nhà giáo trên 80 tuổi. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông cho rằng giải pháp tốt nhất giúp nông dân phất lên là làm chủ doanh nghiệp.

Ý tưởng của ông là lập ra công ty cổ phần về nông nghiệp. Nông dân góp cổ phần bằng chính số lúa trích ra sau mỗi vụ thu hoạch. Ví dụ: thu hoạch 7 tấn, người trồng lúa trích 300 kg để chuyển thành cổ phần, 6.700 kg còn lại sẽ mang tiêu thụ. Tới cuối năm, công ty tổng kết lãi lỗ và chia thêm cổ tức, căn cứ trên số cổ phiếu nắm giữ của từng người. Như vậy, không có chuyện công ty thu mua ăn gian hay cố tình chèn ép giá lúa như đã xảy ra thời gian qua.

Thế nhưng cái khó nhất là giải thích, thuyết phục nông dân hiểu được cái lợi khi trở thành cổ đông, thông qua việc mua cổ phần. Ngoài ra, chính các nhà đầu tư cũng không tin tưởng vào sự hợp tác này nên hiện không mấy ai tự nguyện rót vốn thành lập công ty mà người bạn đồng hành với họ là những nông dân chân lấm tay bùn. Sự lệch pha về nhận thức, cách tiếp cận, giải quyết vấn đề giữa nông dân và những người có chuyên môn, được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này cũng là nút thắt khó gỡ.
"Lập công ty cổ phần nông nghiệp mới dừng lại ở thăm dò phản ứng các bên, ít nhất cũng 4-5 năm nữa mới có những bước tiến thực sự", nhà khoa học chia sẻ.
Hơn 20 năm gắn bó với đồng ruộng, ông Võ Văn Hiệp, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Long An cho biết, thu nhập nghề nông rất bấp bênh, lại thêm tin đồn gạo giả đã ảnh hưởng đến người trồng lúa. Do vậy, nếu có đơn vị đứng ra hướng dẫn nông dân sản xuất gạo theo quy chuẩn sạch, chất lượng, bảo đảm đầu ra, nhà nông sẽ bớt khó khăn.
Vụ đông xuân vừa qua, ông Hiệp chuyển sang sản xuất theo quy trình GAP nên thu hoạch tới 8 tấn trên một ha, trong khi trước đó chỉ khoảng 6 tấn. Theo ông, mô hình GAP cho chất lượng hạt lúa no tròn, khỏe, chắc mẩy, tăng sản lượng. Tuy nhiên, vì phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ và có quá nhiều quy định phải tuân thủ, chứ không được thoải mái canh tác như trước nên một số nông dân vẫn còn dè dặt.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM, mô hình này có nhiều điểm cần xem xét. Với vốn góp ít ỏi, nông dân khó có tiếng nói trong doanh nghiệp hay can thiệp vào công việc kinh doanh. Thậm chí cổ đông lớn làm lợi cho riêng một nhóm cổ đông nào đó, bản thân nông dân cũng khó nắm tình hình. Ngoài ra, cổ tức chi trả nhiều khi còn thấp hơn cả gửi ngân hàng. Nhận thấy không có lợi, họ có thể bán hết cổ phần. Như vậy, ý nghĩa thực sự khi trở thành cổ đông, làm chủ công ty, giúp nông dân làm giàu khó trọn vẹn. Chưa kể, một doanh nghiệp có hàng trăm nông dân là cổ đông sẽ khó khăn trong quản lý, điều hành.

Theo ông Xuân, việc lập công ty cổ phần, nông dân tùy khả năng mà góp vốn là giai đoạn đỉnh cao, người trồng lúa đã cận kề cơ hội đổi đời. Nhưng trước mắt việc nâng cao chất lượng gạo phải đặt lên hàng đầu. Tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, nông dân là chủ doanh nghiệp... chỉ là điều kiện cần. Gạo ngon, có thương hiệu trên thế giới mới khiến công cuộc đổi đời của nông dân trở nên hoàn chỉnh.

Chính vì vậy, GS Xuân quyết định đưa Global Gap - GAP (sản xuất an toàn, sạch, chất lượng theo tiêu chuẩn chung của quốc tế) vào quy trình sản xuất lúa để nâng cao chất lượng hạt gạo. Ông so sánh, các loại gạo Việt cùng chất lượng với Thái Lan nhưng giá luôn thấp hơn từ 7-20 USD một tấn và thấp hơn gạo của Mỹ đến 220 USD. Việc tăng chất lượng và giá trị gạo là đòi hỏi bức bách trong giai đoạn hiện nay.

Thế nhưng, trái với dự kiến, ông định triển khai thí điểm trên 100 ha ở Long An nhưng vụ đông xuân vừa qua chỉ thực hiện trên 60 ha ở huyện Đức Huệ. Lý do là GAP có quá nhiều tiêu chí bắt nông dân phải thực hiện khi sản xuất lúa, chứ không được tự do như trước. Trong đó, việc phải có nhà vệ sinh tự hủy, phân loại rác thải, không phóng uế bừa bãi, không cho gà vịt xuống ruộng... là khó thuyết phục nông dân nhất.

Do đó, dù không cần phải vay hay mua thiếu phân bón, thuốc trừ sâu... mà sẽ có công ty đứng ra bao tiêu mọi chi phí, tới khi bán lúa cho công ty sẽ cấn trừ, thậm chí được bán với giá cao hơn thị trường 10-15% nhưng ít có hộ tham gia sản xuất theo quy trình GAP. Như vậy, họ lại tiếp tục bị thương lái chèn ép giá, bán vội để có tiền trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công... nên sẽ không được giá cao.

Theo ông, nông dân chỉ tin những điều họ thấy, nên nếu nhiều hộ làm thành công theo mô hình GAP, lời lớn, ắt sẽ có nhiều nông dân khác bắt chước làm theo. Do vậy, triển khai GAP nhưng không có nhiều người tham gia cũng là điều dễ hiểu.

"Giúp nông dân tăng lợi tức là mong mỏi lớn nhất hiện nay của tôi nên tôi sẽ kiên trì theo đuổi việc lập công ty cổ phần nông nghiệp và tạo lập thương hiệu riêng cho gạo Việt bằng cách đưa quy chuẩn sạch vào sản xuất gạo", vị giáo sư gốc An Giang chia sẻ.

Theo Bạch Hường

Nguồn tin: VnExpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 91

Máy chủ tìm kiếm : 6

Khách viếng thăm : 85


Hôm nayHôm nay : 41445

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 980897

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44348582



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach