10:08 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Nhịp chuyển đổi

Thứ năm - 29/09/2016 00:56
Gần 6 giờ tối (27/9/2016) câu chuyện vì sao phải sản xuất theo hướng sạch vẫn chưa dứt. Bước ra khỏi phòng họp, trời tối mịt, mưa tầm tã. Có lẻ chưa bao giờ, các nhà vườn ở Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, có một cuộc họp dây dưa đến như vậy.
 
“Vấn đề” - Vừa lạ, vừa quen
 
Những câu hỏi về cách làm sản phẩm sạch - có người đã nói ra, nhưng có người chưa biết phải hỏi từ chuyện gì!? Mọi thứ vừa lạ, vừa quen. Lạ vì lần đầu, các nhà vườn nghe chị Ino Mayu, người Nhật, chỉ cách trồng rau trái hữu cơ và tiêu chuẩn PGS gần gũi, nói đến những nguyên tắc nghe rất “nghiêm” nhưng rất thân thiện, có cái tình; Quen vì câu chuyện dài tìm đầu ra cho nông sản, nay đã có chị Đỗ Thị Lan Nhi, đại diện VinEco, nói rõ cách làm để các nông hộ, tổ hợp tác, HTX trở thành nhà cung cấp sản phẩm an toàn vào siêu thị, nhưng “Vấn đề“ tiêu chuẩn và cách đạt chuẩn an toàn, dù nghe nói sẽ được hỗ trợ, nhưng hỗ trợ kiểu nào và làm sao giữ được những cam kết với những phụ lục nghe chừng rất lê thê khiến nhiều nhà vườn thấy lối mở, nhưng lại thấy ái ngại khi nghĩ tới thưởng phạt.




Các chuyên gia trao đổi với các nhà vườn đạt chuẩn VietGAP- Ảnh HL

Chị Ino Mayu rành tâm lý nông dân, nói: Tiêu chuẩn Participatory Guarantee System- PGS (Hệ thống giám sát có sự tham gia) khó nhớ quá thì bà con cứ gọi cho dễ nhớ: “phó giáo sư”. Tiêu chuẩn này kêu gọi bà con liên kết lại, cùng hợp tác thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ (không dùng thuốc, phân hóa học nữa), xây dựng cách quản lý; Sơ chế tại nông hộ (không sơ chế đóng gói tại nơi bán), giám sát và đặt lòng tin vào nhau.
 
Câu chuyện thực hành sản xuất rau hữu cơ ở Bến Tre, có người đã đi suốt hành trình trơn tru, nhưng cũng có người quay lại cách cũ, bị đưa ra khỏi danh sách và phải trở lại điểm xuất phát đến khi nào làm đúng quy trình mới được trở lại cuộc chơi của người trồng rau hữu cơ (Dự án “Seed to Table). “Hầu hết lượng rau hữu cơ được tiêu thụ cái vèo là hết ở Phiên chợ Xanh tử tế, lúc đầu vài chục ký – bán trong vài giờ- về sau vài trăm ký, chỉ một ngày là hết. Cái chính là nhận thức và quyết tâm của người trồng”, chị Ino Mayu nói.



Chị Ino Mayu nói về nông nghiệp theo mô hình PGS

Nhiều nhà vườn ở Kế Sách nói rằng trước đây có nghe qua sản xuất – tiêu thụ rau trái  sạch, hữu cơ và biết đó là xu hướng sản xuất, tiêu dùng. Nhưng lâu nay thương lái mua thứ nào thì cứ làm đúng điều họ muốn.  
 
Làm cho thương lái, dùng thuốc “làm đẹp” trái cây bằng hóa chất không chỉ thành kiểu làm mà đã thành nếp nghĩ. Ông Trần Ngọc Trúc, Giám đốc HTX Làm và Chăm sóc vườn ấp Phong Phú, xã Phong Nẫm, thường xuyên đối diện cảnh giá cả bấp bênh khi bán hàng cho thương lái, nhưng làm ăn bài bản: đúng kỹ thuật làm, ghi chép sổ sách, truy xuất nguồn gốc… chắc khó làm. 
 
Ông Nguyễn Hiền Hòa, Giám đốc HTX Thắng Lợi, ấp An Phú, xã An Lạc Tây, Kế Sách, đang chờ chứng nhận VietGap, biết sản phẩm hữu cơ sẽ mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng, người trồng không phải tiếp xúc trực tiếp phân thuốc trừ sâu như trước nữa, muốn tham gia mạng lưới sản xuất sạch nhưng lại sợ khi không xài phân thuốc như cách trồng cũ thì hàng hóa sẽ không đẹp, khó bán, thương lái hoặc người mua sẽ chê. Nếu bán được thì giá cũng không cao.



Chị Đỗ Thị Lan Nhi, đại diện Vineco tại chương trình

Nếu làm hàng sạch mà giá cả bằng hoặc cao hơn so với sản phẩm dùng phân thuốc thì có khi cũng nên thử xem sao. Vấn đề là làm sao tiếp cận để hiểu rõ yêu cầu kỹ thuật, cách xây dựng mô hình, cách ghi chéo sổ sách và cách theo dõi, kiểm tra sản phẩm….”, ông Trực và ông Hòa đều nói như vậy.
 
Nhịp chờ chuyển đổi
 
Kế sách có nhãn tím, mặt hàng độc nhất vô nhị của Kế sách. Ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội phó Tổ hợp tác ấp Phong Phú, xã Phong Nẫm, cho biết tại Phong Nẫm có 4 khu vườn trồng nhãn tím, sản phẩm tham gia hội triển lãm của huyện, cũng đang chờ chứng nhận VietGAP. Chị Vũ Kim Anh, các nhà  vườn gọi vui là “chủ chợ“ (Phiên chợ xanh Tử tế), “chấm” nhãn tím ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chị Đỗ Thị Lan Nhi, đại diện VinEco, nhận ra khả năng xây dựng hình ảnh độc đáo cho nhãn tím. Nhưng hào quang nhãn tím là một hiện tượng “chớp tắt”, ẩn hiện chứ chưa trở thành nguồn cung đủ lớn đề tham gia thị trường. Ông chi hội phó có vẻ e ngại khi nói về những giao kèo cung – cầu, thưởng phạt.



Nhãn tím độc đáo của Kế Sách- Ảnh NV

“Rất khó làm vì mình không rành kỹ thuật trồng, sợ sản phẩm không đạt, không làm đúng cam kết sẽ bị phạt”, ông Lê Văn Phẩm, giám đốc HTX nông nghiệp An Tấu, xã An Lạc Tây, e ngại nói. Nhưng từ câu chuyện sản xuất hữu cơ và những lợi ích chuyển đổi vì sức khỏe cho người sản xuất, người dùng… ông Phẩm sẽ đăng ký thực hiện quy trình VietGap để mở rộng cơ hội tìm đầu ra tốt hơn cho sản phẩm.
 
Đại diện VinEco, chị Lan Nhi khẳng định: VinEco có nội dung hỗ trợ để sản phẩm an toàn theo chuẩn Viet GAP.
 
Ông Ba Sở (Đoàn Minh Sở), thành viên HTX bưởi Năm roi Kế Thành, từng đạt giải 3 Hội trái cây ngon ở Suối Tiên, cho biết giá bưởi chỉ được giá ở một thời điểm nào đó trong năm và thường theo mùa, để trở thành đối tác cung ứng cho kênh phân phối lớn thì ngán những quy định ràng buộc. Theo ông, cách của chị Mayu là chuyển đổi để dần dần có sản phẩm đạt tiêu chuẩn và nâng dần số lượng, chất lượng mới dám tính tới việc đưa hàng vô siêu thị.
 
Chủ vườn bưởi da xanh Hồ Thị Thúy Ngân, ở Cầu Chùa, Kế An, Kế Sách, Sóc Trăng, từng đưa hàng trưng bày tại lễ hội “Món ngon từ làng quê” tại Cần Thơ do CLB Hỗ trợ nông gia tổ chức, nói: “Tôi muốn áp dụng quy trình sản xuất để bưởi có chất lượng sạch, ngon, bổ cho người tiêu dùng”. Nhưng cũng như hầu hết nhà vườn ở Kế Sách, các nhà vườn mong muốn: 1/ Hỗ trợ kỹ thuật trồng theo hướng an toàn. 2/ Cùng kêu gọi áp dụng quy trình sản xuất sạch cho số đông để nhiều người làm theo chứ để có chứng nhận với chi phí hàng chục triệu thậm chí cả trăm triệu, nhưng giá cả vẫn bấp bênh, nhà vườn lo không nổi; 3/ Mọi cam kết phải có “nhịp chờ” khi nhà vườn chuyển đổi; 4/ Có nơi để nhà vườn học cách mua- bán theo tiêu chuẩn như chợ Phiên Tử tế.
 
  •  
  • Giao lưu chuyên gia và nhà vườn về chủ đề “Xu hướng sản xuất sạch” do UBND huyện Kế Sách, BSA, CLB sáng tạo khởi nghiệp, CLB Hỗ trợ nông gia, Mạng lưới sản xuất sạch phối hợp tổ chức tại Kế Sách, Sóc Trăng (ngày 27/9/2016) thu hút nhiều nông hộ, HTX sản xuất an toàn từ Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh đến Kế Sách chia sẻ nhận thức với các nhà vườn về xu hướng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn, hữu cơ; học hỏi cách tổ chức, phát triển cộng đồng; Kêu gọi hành động để hàng hoá an toàn có chỗ đứng, vị thế khi tham gia thị trường; Thắt chặt mối liên kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi giá trị để tìm đầu ra ổn định. Chị Ino Mayu, người sáng lập “Seed to Table”  (Nhật Bản), Chị Vũ Kim Anh, phụ trách Phiên chợ xanh Tử Tế (BSA) và Chị Đỗ Thị Lan Nhi, đại diện VinEco đã trực tiếp trao đổi với nông dân.
  •  
  • Huyện Kế Sách có khoảng 105ha trồng rau màu, 15.660 ha vườn cây ăn trái lâu năm. Trái cây ở Kế Sách nổi tiếng tươi ngon, hương vị đậm đà so các vùng khác ven sông Hậu. Mùa khô vừa qua, Kế Sách chịu 4 đợt xâm nhập mặn, Ông Lý Hốc Khị, chủ tịch UBND huyện cho biết đợt xâm nhập mặn vào con nước 29 Tết (2016) gay gắt và đột biến nhất từ trước đến nay. Độ mặn cao gấp gần hai lần so với năm trước. Theo ông Khị, những diển biến bất lợi do thời tiết, biến đổi khí hậu, cần được tính toán để sản xuất và đời sống không bị động, thậm chí tìm ra cách sản xuất bền vững hơn.
 
 Thúy An - Nam Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 156

Máy chủ tìm kiếm : 18

Khách viếng thăm : 138


Hôm nayHôm nay : 58779

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 891236

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44258921



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach