15:05 EDT Thứ hai, 13/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

VCCI: Liên kết doanh nhân Việt - Đoàn kết - Đổi mới và Sáng tạo

Thứ hai - 30/03/2015 08:03

Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VI phiên chính thức diễn ra từ 8h00-11h30 ngày 28/3 tại Hà Nội. 

1
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội
 
Đây là kỳ Đại hội quan trọng đưa ra nhiều phương hướng hoạt động cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong những năm tới, đặc biệt là vấn đề phát triển, liên kết doanh nghiệp hội nhập và phát triển. 
Đúng 8h00 chương trình bắt đầu.

Tham dự Đại hội có ông Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương. Tham dự sự kiện còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương. Về phía đoàn ngoại giao tại Việt Nam có Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Hungary, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế và các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan tại Việt Nam, cũng như sự có mặt của gần 400 đại biểu doanh nghiệp trên toàn quốc. 

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và  đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, đại biểu Quốc hội khoá XI, Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

1
Nghi thức chào cờ


Phát biểu khai mạc Đại hội, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2015 đối với đất nước ta là năm hội tụ của những sự kiện lịch sử trọng đại: kỷ niệm 40  năm ngày giải phóng miền Nam, 70 năm ngày thành lập Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Năm 2015 là năm chúng ta tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Năm 2015 cũng là năm cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành và hy vọng cũng là năm chúng ta ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với các đối tác lớn nhất toàn cầu như TPP, Việt Nam – EU, Việt Nam – Liên minh thuế quan Nga –Cadacxtan-Belarus…
 
1
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc đại hội

 
Đối với riêng cộng đồng doanh nghiệp, năm 2015 là năm chúng ta kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương, năm thứ 15 chúng ta có Luật Doanh nghiệp, năm thứ 11 chúng ta có Ngày Doanh nhân Việt Nam, năm thứ 5 chúng ta có Nghị quyết của Đảng về doanh nhân và năm thứ 2 doanh nhân lần đầu tiên được hiến định trong Hiến pháp.
Tất cả những dấu mốc quan trọng đó của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đều gắn với vai trò của VCCI. VCCI và tổ chức tiền thân là Công thương cứu quốc đoàn đã góp phần quan trọng vào việc tạo ra những sự kiện thật đáng nhớ trong lịch sử dân tộc.

1
Hơn 400 đại biểu tham dự đại hội
 
"Trong hai ngày hôm qua và hôm nay chúng ta tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Phòng. Đây là dịp chúng ta kiểm điểm lại chặng đường hơn 6 năm qua của nhiệm kỳ V và quyết định những phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Nhiệm kỳ được kỳ vọng là sẽ có những bước đột phá trong sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam và của cộng đồng doanh nghiệp – Nhiệm kỳ bứt phá vượt lên không cam chịu cảnh tụt hậu, lệ thuộc và thua thiệt trong cuộc đua tranh kinh tế toàn cầu. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có những quyết sách quan trọng để cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Nghị quyết 19/2014 và 2015 là một minh chứng thuyết phục. VCCI đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình soạn thảo Nghị quyết 19 và trong việc tổ chức thực thi nghị quyết này. VCCI có trách nhiệm hiến kế, thúc đẩy, giám sát và phản biện đối với quá trình cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan Chính phủ để thực sự tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp. Đồng thời VCCI có trách nhiệm phải xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án quốc gia về phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong cả nước. Việc thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là đôi quang  gánh nặng trên vai VCCI trong nhiệm kỳ tới. Muốn làm được việc đó VCCI cần thực hiện tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình để tiếp tục cuộc hành trình không mệt mỏi vì doanh nghiệp. Phiên Nội bộ hôm qua của chúng ta và phiên Chính thức hôm nay sẽ tập trung bàn sâu về các nội dung này và đặc biệt chúng ta sẽ nghe phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và những ý kiến góp ý của các cơ quan và bạn bè quốc tế. Đó chắc chắn sẽ là những ý kiến sâu sắc giúp chúng ta tự hoàn thiện mình để lớn lên.". - Chủ tịch VCCI nói.
 
1
1
Đoàn đại biểu Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước phát biểu chào mừng đại hội
1
Chủ tịch nước tặng hoa Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam
 
Nhiệm kỳ V - Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Tại Đại hội, ông Hoàng Văn Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực VCCI đã báo cáo tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ V và phương hướng nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ VI. Theo đó, trong nhiệm kỳ qua, VCCI đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác chủ yếu do Đảng, Nhà nước giao và Đại hội V đề ra. Tổ chức của VCCI được mở rộng tạo thành mạng lưới liên kết các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam ở trong nước và trên thế giới. Cơ quan VCCI đã hoàn thành khối lượng công việc tăng 40% so với nhiệm kỳ trước. Các mặt công tác được triển khai toàn diện và chất lượng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa. Ngoài các hoạt động truyền thống, đã triển khai nhiều hoạt động mới có tính sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Vị thế, uy tín của VCCI ở trong nước và quốc tế được nâng cao. VCCI được Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đánh giá là một trong những Phòng Thương mại và Công nghiệp năng động nhất trong các nước đang phát triển và là một tổ chức mạnh trong cộng đồng các Phòng Thương mại - Công nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại – đầu tư trên thế giới.

1
Ông Hoàng Văn Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực VCCI đọc báo cáo tại Đại hội

VCCI đã thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, vừa thực hiện công tác vận động chính trị, đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, vừa triển khai sâu rộng các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nhân trong điều kiện Nhà nước không giao biên chế, không cấp ngân sách trả lương thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, tự trang trải quỹ lương và chi phí thường xuyên, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí chủ yếu cho việc thực hiện các chương trình, dự án xúc tiến thương mại - đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Đó là một cố gắng rất lớn thể hiện tinh thần sáng tạo, sự tâm huyết, trách nhiệm đối với đất nước, đối với cộng đồng doanh nghiệp của tập thể cán bộ, nhân viên VCCI.

Một số kết quả hoạt động nổi bật trong nhiệm kỳ là:

Thứ nhất, VCCI đã đề xuất, chủ trì xây dựng và trình Đề án làm cơ sở để và trình Bộ Chính trị và ban hành thành Nghị quyết số 09/NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế- văn kiện đầu tiên của Đảng về doanh nhân trong hơn 80 năm lịch sử Đảng. Đây là bước đột phá về mặt tư duy, khẳng định, vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Xác định nhiệm vụ xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới. Việc xây dựng và trình thành công đề án cũng đánh dấu bước trưởng thành của VCCI trong việc tham mưu cho Đảng và Nhà nước ở tầm đường lối, chủ trương, và chính sách phát triển.


Thứ hai, VCCI đã triển khai hiệu quả hoạt động cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. VCCI đã chủ động tổ chức nghiên cứu, phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân; Tổng kết thực tiễn, tập hợp ‎ý kiến doanh nghiệp doanh nhân góp phần vào việc xây dựng đường lối chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế và doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam. Các diễn đàn kinh tế mùa Xuân/mùa Thu do VCCI phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) do Chủ tịch VCCI là đồng Chủ tịch phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp Quốc tế tại Việt Nam tổ chức hàng năm là những Diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế lớn nhất và có uy tín ở Việt Nam. Nhiều ý kiến, kiến nghị của VCCI qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, báo cáo đã được các cơ quan Đảng, Quốc hội và Chính phủ tiếp thu. Hoạt động nghiên cứu xây dựng pháp luật, chính sách kinh tế và kinh doanh tăng 4 lần so với nhiệm kỳ trước.

Thứ ba, VCCI đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế và thủ tục hành chính, tham gia xây dựng và triển khai thực hiện Đề án 30, Nghị quyết 19 (2014, 2015) về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. VCCI đã tổ chức điều tra, công bố và tư vấn hỗ trợ các địa phương nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo phong trào thi đua nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh góp phần tạo ra động lực cải cách từ địa phương, cơ sở. Với sự hỗ trợ của VCCI, hầu hết các tỉnh thành phố đã có Nghị quyết, Chương trình hành động cải thiện chỉ số PCI. Nhiều tỉnh, thành phố đã tích cực cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực điều hành kinh tế tạo thành những điểm sáng về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Có thể nói đây là một sáng kiến và hành động dũng cảm, quyết liệt và hiệu quả của VCCI đóng góp vào công cuộc cải cách nói chung và cải cách hành chính nói riêng đặc biệt là ở cấp địa phương và cơ sở.

Thứ tư, công tác đào tạo, phát triển doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân đã có chuyển biến mạnh cả về số lượng và chất lượng. VCCI đã triển khai nhiều chương trình, dự án mang tính chất sáng tạo, phục vụ trực tiếp đối tượng các DNNVV, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển chú trọng ở vùng sâu vùng xa, khu vực nông thôn, phát triển bền vững. Các dự án có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đều được các nhà tài trợ đánh giá cao, là điển hình tốt cho một số nước đang phát triển khác tham khảo.
Thứ năm, hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư được triển khai khá toàn diện và được đổi mới theo hướng tập trung vào các hoạt động xúc tiến ở tầm quốc gia, tập trung xúc tiến với các tập đoàn đa quốc gia, gắn kết xúc tiến theo lĩnh vực ngành hàng với xúc tiến theo khu vực thị trường, gắn kết hỗ trợ các DNNVV với hỗ trợ các doanh nghiệp lớn của nền kinh tế, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến. VCCI đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hoạt động tại các diễn đàn quốc tế, các tổ chức kinh tế và kinh doanh quốc tế. Đồng thời VCCI cũng đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin hội nhập, hỗ trợ phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Thứ sáu, VCCI đã hỗ trợ thành lập, liên kết và nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống hiệp hội doanh nghiệp thống nhất trong toàn quốc; đã triển khai thực hiện chức năng đại diện cho người sử dụng lao động và đã đạt được một số kết quả quan trọng. VCCI đã hỗ trợ thành lập Hiệp hội doanh nghiệp tại 46 tỉnh, thành phố; thành lập Hội đồng người sử dụng lao động ở 31 tỉnh, thành phố; tham gia tích cực trong Ủy ban Ba bên về Quan hệ lao động, Hội đồng Tiền lương quốc gia, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.

Thứ bảy, cơ sở vật chất kỹ thuật của VCCI đã được tăng cường, hệ thống các Trung tâm xúc tiến thương mại - đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tại các địa bàn trọng điểm đã được hoàn thành cơ bản. Đời sống và việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, nhân viên được bảo đảm. Tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản  Hồ Chí Minh được kiện toàn và phát triển.
Nhiệm kỳ VI - Nỗ lực bứt phá

Nhiệm vụ hàng đầu mà VCCI đang hướng tới trong nhiệm kỳ VI sẽ là tiếp tục thực hiện tốt vai trò của  tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tham mưu có hiệu quả cho Đảng và Nhà nước về các chính sách kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo đảm phát triển bền vững. Trong đó, hai yêu cầu xuyên suốt và trọng tâm trong việc thực hiện các nhiệm vụ của  VCCI trong nhiệm kỳ tới sẽ phải là tập trung kiến nghị với Đảng và Nhà nước các vấn đề chính sách, thể chế cũng như trực tiếp triển khai các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình để tập trung tháo gỡ khó khăn và giúp cho các doanh nghiệp trụ vững duy trì sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng. Đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập có hiệu quả và phát triển bền vững.

Có thể điểm một số công việc cần được đẩy mạnh như nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, tập hợp ý kiến doanh nghiệp xây dựng chính sách, pháp luật; Tăng cường công tác vận động chính trị, tập hợp và liên kết doanh nghiệp, doanh nhân; Đẩy mạnh thực hiện chức năng đại diện người sử dụng lao động.

Trong công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân hội nhập quốc tế, tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư; Mở rộng và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân; Hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân hội nhập quốc tế.

Đối với công tác đổi mới hoạt động, phát triển tổ chức và nâng cao hiệu quả của VCCI, trong nhiệm kỳ VI, VCCI sẽ hệ thống hóa và đề nghị bổ sung các cơ chế chính sách điều chỉnh hoạt động của VCCI và các cơ chế phối hợp giữa VCCI với các cơ quan của Đảng và Nhà nước; Đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của Ban Chấp hành, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chấp hành  trong các Uỷ ban, Hội đồng do Ban Chấp hành quyết định thành lập; Đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của cơ quan VCCI; Tăng cường ngân sách và cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

1
Ông Hoàng Quang Phòng - Trưởng ban Hội viên và Đào tạo công bố kết quả bầu cử tại phiên nội bộ
và Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành khóa VI

Tại Đại hội, ông Hoàng Quang Phòng - Trưởng ban Hội viên và Đào tạo đã công bố kết quả bầu cửBan chấp hành VCCI và Ban Kiểm soát VCCI khóa VI tại phiên nội bộ và Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành khóa VI được tổ chức vào ngày 27/3. Theo đó, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch VCCI khóa VI. Ông Đoàn Duy Khương tiếp tục được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch VCCI và bà Phạm Thị Thu Hằng cũng tiếp tục được bầu vào vị trí Tổng Thư ký. Ông Hoàng Quang Phòng - Tổng Thư ký Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo được bầu giữ chức Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, ông Võ Tân Thành – Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc chi nhánh VCCI Tp. HCM được bầu giữ chức Phó Chủ tịch VCCI và ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội được bầu giữ chức Phó Chủ tịch kiêm nhiệm VCCI khoá VI.

(Danh sách Ban chấp hành VCCI khóa VI)

Đến dự và phát biểu cùng đại hội, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang cho biết: VCCI đã có quá trình phát triển hơn 50 năm, tuy nhiên đến giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế, VCCI mới thực sự có điều kiện phát triển. Đảng và Nhà nước đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp to lớn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào sự nghiệp phát triển của đất nước, của dân tộc đặc biệt là trong những năm gần đây.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ V, VCCI đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đã thực sự năng động, sáng tạo trong hoạt động, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp vào tổ chức của mình, làm tốt trách nhiệm của tổ chức quốc gia đại diện để bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các hiệp hội doanh nghiệp và người sử dụng lao động ở Việt Nam; thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. VCCI đã tăng cường công tác tham mưu cho Đảng và Nhà nước về những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, doanh nghiệp và môi trường kinh doanh, góp phần vào xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập của nước ta. Những nghiên cứu, đóng góp của Phòng vào quá trình xây dựng và triển khai các Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết 09/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh của các địa phương (PCI) cũng như tham gia xây dựng Hiến pháp, pháp luật như: Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật thương mại … đã góp phần bảo đảm cho các Nghị quyết và văn bản pháp luật phản ánh được ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo tính thực thi, tạo ra những đột phá về chính sách và hành lang pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp.

1


1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành VCCI khóa VI



Thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư lớn có ý nghĩa góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam đến bạn bè thế giới, góp phần mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. VCCI cũng đã triển khai một số chương trình đào tạo, thông tin, tư vấn rộng lớn, hỗ trợ cồng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp. Sự hình thành và phát triển nhanh chóng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam những năm qua có phần đóng góp quan trọng của VCCI.


Bên cạnh những thành tích và nỗ lực của VCCI, Chủ tịch nước cũng nêu ra một số mặt còn hạn chế của VCCI như: Việc nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho Đảng và Nhà nước về những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế đặc biệt là những nghiên cứu để có thể đưa ra những kiến nghị có tính chất cảnh báo, dự báo về những vấn đề kinh tế trong nước và quốc tế còn hạn chế. Một số hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp. Việc tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp triển khai còn chậm và cần phải cố gắng rất nhiều.

1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại đại hội

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh các điểm mà Ban Chấp hành VCCI khóa VI sẽ phải lưu ý trong nhiệm kỳ tới. Theo đó, VCCI cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp, liên kết các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, chủ động phối hợp với các cơ quan chính quyền hướng dẫn và hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp thành lập và hoạt động có hiệu quả, bảo đảm hình thành hệ thống Hiệp hội doanh nghiệp thống nhất trong cả nước; Tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đề xuất tham mưu với Đảng và Nhà nước về quan điểm, cơ chế, chính sách xây dựng và phát triển các doanh nghiệp, trước hết là đóng góp tích cực vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng về những vấn đề liên quan đến kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh. Có chương trình và biện pháp cụ thể, chủ động và tích cực hơn nữa để làm tốt nhiệm vụ đại diện và hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội…”.

Chủ tịch nước cũng đề nghị VCCI cần coi việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 09 là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả nhiệm kỳ tới. “Trong thời gian trước mắt, để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, VCCI cần bám sát vào các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tích cực tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó tập trung vào nhiệm vụ xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược cạnh tranh hiệu quả, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, xây dựng thương hiệu, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội; Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hội nhập quốc tế; Xây dựng và triển khai chương trình nâng cao năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp; Tổ chức thu thập ý kiến của các doanh nghiệp về phản biện chính sách, nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các Bộ, ngành và các địa phương; Đánh giá định kỳ về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ, góp phần đẩy mạnh công cuộc cải cách thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư- kinh doanh ở Việt Nam"...

Phát biểu đáp từ chỉ đạo của Chủ tịch nước, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đã ghi nhận sự quan tâm sâu sắc và những tình cảm tốt đẹp của Chủ tịch nước dành cho cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Trong bài phát biểu, Chủ tịch Nước đã có những nhận xét khích lệ công tác của VCCI và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong những năm khó khăn vừa qua và đưa ra những gợi ý định hướng cho sự phát triển của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới, đặc biệt là những yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập thành công. Đó là những chỉ dẫn quý báu đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Thay mặt VCCI, Chủ tịch VCCI đã tặng Chủ tịch nước tấm ảnh Mai An Tiêm - người được coi là ông tổ của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, ông tổ của nghề marketing và coi đó như là một lời hứa của cộng đồng doanh nghiệp sẽ nỗ lực vượt khó như Mai An Tiêm. Chủ tịch VCCI cũng cho biết: "Để ghi nhận những nỗ lực vượt khó và sáng tạo của doanh nhân trong giai đoạn hội nhập, VCCI sẽ nghiên cứu lập giải thưởng Mai An Tiêm để trao cho những doanh nhân tiêu biểu."
 
1
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới

 
Phát biểu tại Đại hội, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Namnhấn mạnh, VCCI giữ vai trò quan trọng trong quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường. VCCI đã góp phần quan trọng vào quá trình tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân, và đại diện cho quyền lợi kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp.
 
Bà Victoria Kwakwa cũng cho rằng, những thành tựu mà VCCI đã đạt được rất đáng tự hào. Kể từ khi bắt đầu đổi mới, nhờ sự đóng góp của VCCI, các doanh nghiệp đã phát triển rất nhanh, nhất là các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Con số các doanh nghiệp mới đăng ký tăng mạnh từ khoảng 42.000 năm 2000 lên gần 700.000 năm 2013. Các doanh nghiệp đã tạo thêm khoảng 3,5 triệu việc làm năm 2000; năm 2013 tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 11 triệu. 

VCCI cũng đã tích cực tiếp cận và phối hợp với các đối tác phát triển nhằm thúc đẩy đối thoại chính sách giữa Chính phủ và doanh nghiệp thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến tư vấn... Cụ thể, VCCI đã cùng với Ngân hàng Thế giới tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về kết quả điều tra “Tham nhũng nhìn từ phía người dân, doanh nghiệp, và quan chức” và tổ chức cuộc khảo sát về “Thay đổi hành vi theo hướng thị trường và nhà nước”. VCCI cũng rất tích cực tham gia và đóng góp lớn vào Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam—một diễn đàn đối thoại rất hiệu quả giữa Chính phủ và giới doanh nghiệp.

VCCI cũng rất tích cực tham mưu cho Chính phủ về các thoả thuận thương mại, trong đó có thể kể đến các thoả thuận WTO, TPP, Việt Nam-EU và Việt Nam-Hàn Quốc. Thông qua VCCI, giới doanh nghiệp đã có thể truyền tải được tiếng nói và nguyện vọng của mình tới Chính phủ và giúp Chính phủ thực hiện thành công các vòng đàm phán thương mại.

Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là dấu mốc quan trọng trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh trong cả nước của VCCI. Cuộc khảo sát đã được tiến hành tại tất cả 63 tỉnh, thành, và kết quả được công bố rộng rãi. Công tác này được các nhà tài trợ đánh giá rất cao. Qua đó đã tăng cường minh bạch về năng lực cạnh tranh, buộc các địa phương phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng hơn nữa thì mới có thể thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.
1
Bà Virginia Foote – Phó Chủ tịch AmCham kiêm Đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam
 
Bà Virginia Foote - Phó Chủ tịch AmCham kiêm Đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho biết bà rất hân hạnh được mời tham dự Đại hội VCCI lần thứ VI và được chia sẻ một số suy nghĩ tại đại hội. VCCI đã và đang giữ một vai trò quan trọng quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói riêng cũng như nền kinh tế thế giới nói chung. Với vai trò là một tổ chức đại diện của Hoa Kỳ tại Việt Nam, chúng tôi cam kết sẽ cùng Việt Nam chung tay thương thảo các Hiệp định thương mại quốc tế đồng thời tổ chức các chương trình hợp tác, xúc tiến đầu tư, gỡ bỏ những rào cản khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp để tạo sự phát triển cho nền kinh tế.
VCCI đã, đang và sẽ là cửa sổ, cánh cửa để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đi vào tìm hiểu quá trình làm ăn tại Việt Nam. Với vai trò là đồng chủ tọa Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, tôi tin tưởng VCCI sẽ góp phần phát triển mạnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới.
Chúng  tôi cam kết sẽ giúp Việt Nam trong việc hiệp thương các Hiệp định thương mại đã và sẽ ký kết trong năm nay. Các Hiệp định này sẽ đem lại cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng đồng thời cũng là thách thức bởi không chỉ đặt bút ký là xong mà các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chuẩn bị để đón đầu.  Chính vì vậy chúng tôi mong muốn sát cánh cùng VCCI để các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được thụ hưởng tốt nhất các điều kiện mà các hiệp định thương mại mang lại.

1
Ông H.E. Mr. Hiroshi Fukada -Đại sứ quán Nhật Bản

Ông H.E. Mr. Hiroshi Fukada - đại sứ quán Nhật Bản cho biết, chúng ta đang chứng kiến ​​một môi trường kinh doanh thay đổi trong bối cảnh xu hướng toàn cầu của hội nhập kinh tế. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến ​​của VCCI trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên VCCI sẽ được đánh giá cao hơn nữa nếu như có những đột phá mới trong thời gian tới.


Ông H.E. Mr. Hiroshi Fukada khẳng định: Hiện đã có 1400 doanh nghiệp Nhật Bản đang có mặt tại Việt Nam và con số này sẽ còn cao hơn nữa trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã tích cực đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua chuyển giao  công nghệ và bí quyết quản lý kinh doanh. Tôi chắc chắn rằng Nhật Bản, bao gồm cả doanh nghiệp Nhật tiếp tục có những đóng góp có ý nghĩa cho Việt Nam trong việc thực hiện phát triển tự duy trì trong trong tương lai. Trong tư cách là Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, tôi cam kết sẽ hỗ trợ cho sự thịnh vượng của Việt Nam.



1
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam



Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho biết, hiện các doanh nhân nữ chiếm 25% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội, tạo việc làm cho 30% lực  lượng lao động toàn xã hội. nhiều doanh nhân nữ đã vinh dự nhận được các doanh hiệu cao quý của Nhà nước…


Bà Minh kiến nghị, nên đưa doanh nhân nữ vào các nghị quyết, điều lệ sửa đổi của VCCI và Hội đồng Doanh nhân nữ là tổ chức quốc gia đại diện cho đội ngũ doanh nhân nữ Việt Nam; phối hợp với Tổng cục Thống kê và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện công tác thong kê cần có sự tách biệt về giới; Đưa chỉ số giới trong bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh/bộ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự cam kết hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương đối với doanh nhân nữ và phụ nữ khi khởi sự kinh doanh…




1
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội



Tham gia trao đổi với chủ đề “Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực”,PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp luôn mong muốn xây dựng được lực lượng lao động mạnh. Trong khi đó, các trường đại học có sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp và xã hội. Như vậy, về mặt lý thuyết, doanh nghiệp và nhà trường rất cần “gặp gỡ nhau” trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, qua đó tận dụng được thế mạnh của nhau.

Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, quan hệ hợp tác giữa các trường Đại học (ĐH) và doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng hệ thống giáo dục ÐH gắn liền yêu cầu thực tiễn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Các nghiên cứu gần đây đều cho thấy, mối quan hệ trường ÐH và doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho cả hai bên và cho xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc hợp tác giữa trường ÐH và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp đang đóng vai trò "săn bắt" hơn là "nuôi trồng" nguồn nhân lực trong tương lai. Hình thức hợp tác phổ biến hiện nay là: tuyển dụng trực tiếp từ trường ÐH, doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên làm thêm, thực tập.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, rào cản lớn nhất của hợp tác trường ÐH và doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt thông tin từ cả hai phía. Bên cạnh đó, phần lớn các hoạt động hợp tác đều xuất phát từ các mối quan hệ cá nhân giữa cán bộ, giảng viên trong trường ÐH với đại diện doanh nghiệp, làm giảm tính bền vững và chuyên nghiệp trong quản lý, tổ chức các hoạt động.

Vậy làm sao để trường ĐH và doanh nghiệp liên kết với nhau để đào tạo nguồn nhân lực? Theo ông Sơn, thứ nhất, doanh nghiệp xác định yêu cầu đào tạo thông qua quá trình tham gia xây dựng chương trình đào tạo; Thứ hai, trường ĐH và doanh nghiệp có thể phối hợp đào tạo sinh viên; Thứ ba, doanh nghiệp trao học bổng và tài trợ cho sinh viên xuất sắc, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập thực tế; Thứ tư, nhà trường có thể đào tạo nhân sự cho doanh nghiệp, tư vấn hoặc chuyển giao kết quả nghiên cứu.

Để tăng cường sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp, ông Sơn cho rằng cần tập trung vào 2 điểm cô bản.
Một là, thay đổi tư duy về việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp: cả DN và trường đại học cần nhận thức rõ ràng về những lợi ích và giá trị gia tăng mà sự hợp tác này mang lại. Quan hệ hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp là quan hệ mang tính hữu cơ, trong một thực thể thống nhất nhằm đạt được lợi ích chung và phát huy được thế mạnh của nhau chứ không phải đơn thuần một chiều hay truyền thống chỉ là cung cấp học bổng, nơi thực tập….

Hai là, VCCI cần trở thành trung tâm kết nối trong quan hệ hợp tác giữa Nhà trường, Doanh nghiệp và Chính phủ. Đây là nơi nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, của Chính phủ qua đó kết nối nhu cầu này với các Trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu về đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp và Chính phủ.

1
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Chúng ta đã có nhiều Hiệp định song phương về thương mại tự do, đang chuẩn bị ký hiệp định thương mại với EU và Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương. Chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội xuất khẩu lớn như bây giờ. Nhưng cũng chưa bao giờ Việt Nam gặp nhiều thách thức như bây giờ bởi khi mở cửa thị trường, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải chịu ép sức cạnh tranh hơn.

Thách thức là vậy, tuy nhiên, ông Nhân cho rằng Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định, điều đó thể hiện bằng việc trong những năm gần đây, nguồn nhân lực Việt Nam đã được nâng cao rõ rệt. Thêm nữa, chúng ta có tới 15 nước là đối tác chiến lược, có sự tin cậy vào chính trị, nên các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư tại các nước này.
Ông Nhân cũng đưa ra kiến nghị VCCI nên có buổi làm việc với một số Bộ để xúc tiến đầu tư thương mại hai chiều giữa các nước tiềm năng như Ấn Độ, Nga, Đức, Mỹ…

Về Quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Nhân cho rằng chúng ta nên có một chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn. Ông đề xuất VCCI phải là Chủ tịch Quỹ này và phải có cơ chế rõ ràng cho các ngân hàng tham gia hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

1
Bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI thông qua Nghị quyết Đại hội
 

Phát biểu bế mạc Đại hội, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, qua hai ngày làm việc khẩn trương và trách nhiệm, Đại hội lần thứ VI Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ qua, phương hướng nhiệm vụ công tác trong nhiệm kỳ tới, thông qua Điều lệ bổ sung sửa đổi và bầu ra Ban Lãnh đạo mới của Phòng Thương mại và  Công nghiệp Việt Nam để lãnh đạo công tác của Phòng.

Tinh thần xuyên suốt các văn kiện, Điều lệ, tổ chức bộ mày và chương trình hành động của VCCI trong nhiệm kỳ VI là “Liên kết doanh nhân Việt” – “Đoàn kết – Đổi mới – và Sáng tạo” để tiếp tục hành trình vì doanh nghiệp. Đại hội nhận thức sâu sắc rằng: Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực của môi trường kinh doanh, của công cuộc đổi mới thể chế nhưng chặng đường sắp tới với các doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục là một chặng đường đầy gian nan vất vả. Doanh nghiệp sẽ không thể trụ vững, đất nước sẽ không thể mạnh giàu nếu không vượt lên chính mình, không theo kịp thiên hạ trong những nỗ lực phát triển.

11


1
 
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chụp ảnh lưu niệm cùng các đoàn đại biểu

Chủ tịch VCCI cho rằng, trước ngưỡng cửa của những cuộc hội nhập quan trọng nhất trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế ASEAN, của TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với EU, với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Cadăcxtant…, chúng ta cần phải tích cực đổi mới để tái cấu trúc với tầm nhìn toàn cầu, trong cuộc đua toàn cầu để hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn, nhân văn hơn và bền vững hơn là mệnh lệnh sống còn đối với môi tổ chức, cơ quan đơn vị và doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI khẳng định: Doanh nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong làn sóng đổi mới lần thứ nhất ở đất nước ta – Làn sóng đổi mới để vượt lên chính mình trong những năm qua thì trong làn sóng đổi mới lần thứ hai – Làn sóng đổi mới để bắt kịp đang được bắt đầu.  Những chiến sỹ thời bình - Doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tiếp tục phải là lực lượng chủ công trong làn sóng đó. Các doanh nghiệp, doanh nhân hứa với Đảng, Nhà nước, nhân dân sẽ hoàn thành trọng trách này và phấn đấu để có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và có được những doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu đạt tầm khu vực và thế giới vào đầu những năm 20 của thế kỷ này là mục tiêu rất cao mà cộng đồng doanh nhân Việt Nam đang hướng tới. Và mong rằng sẽ có sự hậu thuẫn của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc giống như sự hậu thuẫn của toàn dân tộc đối với những anh bộ đội cụ Hồ trong những năm kháng chiến.
Nhóm Phóng viên thời sự

Nguồn tin: Diễn đàn DN điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 252

Máy chủ tìm kiếm : 16

Khách viếng thăm : 236


Hôm nayHôm nay : 44800

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 838177

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44205862



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach