02:24 EDT Thứ năm, 09/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Bi kịch “xúc xích hội nhập”

Thứ năm - 08/01/2015 03:27
Ông hàng xóm gần nhà có đứa con trai học lớp 5. Tên ở nhà của nó là Bi, nhưng trong xóm ai cũng gọi là Bi xúc xích bởi cu Bi nghiện món xúc xích. Bây giờ quan sát, không chỉ có cu Bi hàng xóm, mà đâu đâu cũng thấy giới trẻ nghiện món xúc xích. Và xúc xích ngày càng rẻ do tác động của hội nhập...
 

Nhiều thực phẩm chế biến sử dụng nguyên liệu thịt nhập khẩu giá rẻ. 
Ảnh: Đặng Hoàng
 
Ngoài thị trường, từ siêu thị đến cửa hàng, hàng quán sang, vỉa hè, xe đẩy… cũng thấy cơ man là xúc xích. Xúc xích Tây, xúc xích Tàu, xúc xích Việt với đủ thứ hương vị. Thậm chí gần đây còn có cả mấy ông Tây đứng vỉa hè bán xúc xích. Người chưa ăn hoặc không khoái ăn thì thắc mắc không biết món này ngon ở chỗ nào? Người nghiện ăn, như cu Bi thì lúc nào cũng tấm tắc “ngon tuyệt”.
 
Xúc xích thay ruột ngoại
 
Vậy xúc xích ngon ở điểm nào? Trước hết nguyên liệu làm ra xúc xích phần chính là thịt, gồm thịt heo, thịt gà. Sau đó là bí quyết gia vị, hương liệu và công nghệ. Chỉ có vậy. Nguyên liệu thịt càng tươi, càng ngon thì cho ra xúc xích ngon và ngược lại. Trên thị trường, nếu như cách nay vài năm, giá 1kg xúc xích loại thường, như xúc xích tiệt trùng thường thường cũng trên 50.000 đồng. Loại xúc xích tươi, đặc biệt là mang thương hiệu Đức, có khi lên đến vài trăm ngàn, như xúc xích Đức Việt. Ấy vậy mà, nay, dạo quanh siêu thị, xúc xích có loại chỉ còn bán với giá dưới 50.000 đồng, như xúc xích gà.
 
Mới đây, ông chủ xúc xích Đức Việt Hứa Xuân Sinh phàn nàn từ khi một đại gia nước ngoài xây dựng nhà máy chế biến xúc xích ở Hà Nội thì thương hiệu Đức Việt mất dần chỗ đứng. Trước kia, khi còn “một mình một chợ”, Đức Việt với ưu thế chất lượng, hương vị Đức có giá hơn 100.000 đồng/kg làm mưa làm gió ở thị trường Hà Nội. Nhưng nay, thị phần thu hẹp từ tiệm tạp hoá, siêu thị đến nhà hàng, khách sạn do giá xúc xích của đối thủ quá rẻ.
 
Thế nhưng, cũng mới đây thôi, vị quản lý công ty nước ngoài được ông Sinh nhắc đến lại cũng phàn nàn xúc xích của mình không thể cạnh tranh được ở thị trường TP.HCM và Hà Nội do vẫn còn một loại xúc xích khác có giá bán rẻ hơn nữa. Ông này nói công ty của ông lấy nguyên liệu thịt gà nuôi trong nước làm xúc xích, còn đối thủ nhập khẩu thịt gà xay của nước ngoài. Quả thực, đối chiếu tờ khai hải quan, giá thịt gà xay nhập về đến cảng chỉ dao động 0,7 – 0,8 USD/kg. Cộng thuế lẫn các chi phí khác có giá tối đa 20.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành gà lông chưa giết mổ nuôi nội địa cả 10.000 đồng, nên thị trường xuất hiện loại xúc xích có giá bèo là dễ hiểu.
 
Không cần chăn nuôi nữa chăng?
 
Câu chuyện lòng vòng về cây xúc xích cho thấy thực trạng sản phẩm ngoại nhập có giá bèo đang ồ ạt đổ vào thị trường nội địa. Làn sóng sản phẩm ngoại với ưu thế giá cạnh tranh sẽ “cuốn phăng” tất cả trở ngại trên đường nó thâm nhập thị trường. Đáng lo ngại là ngành chăn nuôi nội địa, nơi có hàng triệu nông dân đang sống trong nỗi lo sợ mất việc làm. Nói gì thì nói, sản phẩm chăn nuôi nội địa với nền tảng yếu thế mọi mặt không thể nào cạnh tranh về giá với sản phẩm ngoại nhập. Rồi đây, khi các dòng thuế không còn, thịt ngoại còn rẻ hơn nữa. Sản lượng nhập về còn nhiều hơn nữa. Sẽ khó trách các doanh nghiệp chế biến thực phẩm nội địa sử dụng thịt gà xay, thịt heo đông lạnh làm xúc xích, lạp xưởng, giò chả. Có dịp ngồi “tám” với mấy ông chủ trại gà ở Đồng Nai về hội nhập, nghe giải thích, phân tích một chập mà mấy ổng cứ ngơ ngơ, không hiểu gì. Nhưng khi so sánh giá 1kg thịt gà xay nhập khẩu với thịt gà của mấy ổng nuôi, thì ông nào ông nấy mới gật đầu: “TPP là đây, là đây, là đây...”
 
Năm 2014 là năm Việt Nam nhập khẩu bò Úc nhiều kỷ lục, gấp 2,5 lần năm ngoái với 180.000 con. Nếu tính thêm cả lượng bò nhập từ Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan thì năm này người Việt xài tròm trèm 300.000 con trâu, bò. Chưa kể hàng trăm ngàn tấn thịt các loại khác nữa. Có người bảo tới đây giá thịt ngoại rẻ thêm, Việt Nam cần gì phải chăn nuôi nữa. Cứ chi đôla ra nhập khẩu cho khoẻ! Ngành chăn nuôi Việt Nam có giá trị ước chừng trên 10 tỉ đôla, 2/3 trong số này phụ thuộc nước ngoài. Chúng ta đang phụ thuộc con giống, thức ăn, thuốc thú y, công nghệ, trang thiết bị. Nông dân chỉ tự túc được nhân công, điện, nước… Không lẽ dẹp ngành chăn nuôi hay phải làm gì...?    
 
theo Minh Khoa (báo Thế Giới Tiếp Thị)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 265

Máy chủ tìm kiếm : 22

Khách viếng thăm : 243


Hôm nayHôm nay : 42171

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 530421

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43898106



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach