07:47 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Tiến độ hình thành AEC và cột mốc 2015?

Thứ ba - 30/12/2014 23:05
Khảo sát Toàn cảnh kinh doanh 2015 của phòng Thương mại Mỹ mới đây đã cho thấy sự lo ngại của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư trong khu vực ASEAN là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) khó có thể sẵn sàng kịp thời hạn 2015. Trước đó, AEC cũng đã từng bị trì hoãn trong một thông báo của ban Thư ký ASEAN từ năm 2012 là chuyển thời hạn từ ngày 1.1.2015 xuống 31.12.2015.

Mục tiêu tham vọng

AEC là sáng kiến được đưa ra cùng với tầm nhìn 2020 của ASEAN được phê chuẩn nhân kỷ niệm 30 năm thành lập ASEAN vào năm 1997, nhằm tới năm 2020 tạo ra một thị trường và một căn cứ sản xuất duy nhất với dòng chảy tự do về dịch vụ, hàng hoá, vốn, đầu tư và lao động có kỹ năng trong khu vực. Tại cuộc họp các nhà lãnh đạo ASEAN năm 2003, Tuyên bố hoà hợp ASEAN II đã được ký với đồng thuận thiết lập AEC vào năm 2020. Tuy nhiên, quyết định đẩy trước thời hạn này lên năm 2015 đã được đưa ra vào năm 2007 tại Cebu. Lộ trình thành lập AEC đã được chuyển thành các hướng dẫn cho các nước thành viên như Lộ trình hình thành AEC (phát hành năm 2009), Thẻ điểm AEC nhằm theo dõi các tiến bộ của các nước thành viên với hình mẫu là Thẻ điểm thị trường nội địa EU (năm 2010, 2012)…

Bốn cột trụ hội nhập để hình thành AEC bao gồm: 1- căn cứ sản xuất và thị trường duy nhất; 2- khu vực kinh tế cạnh tranh; 3- phát triển kinh tế công bằng và; 4- hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Cột trụ thứ nhất là nền tảng để hình thành AEC và đã ghi nhận nhiều tiến bộ. Theo tổng cục Hải quan Việt Nam, mức độ tự do hoá trong khu vực ASEAN hiện đạt tỷ lệ cao nhất với khoảng 75% số dòng thuế đã cắt giảm xuống mức thuế suất 0%. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam tham gia đạt tỷ lệ tự do hoá thấp hơn, trung bình khoảng 30 – 40% số dòng thuế cắt giảm xuống mức thuế suất 0%.

Do mức độ cam kết cao, chỉ có hai nhóm hàng trong ASEAN được loại trừ nghĩa vụ xoá bỏ thuế quan gồm: các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm như gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường là được duy trì thuế suất 5%; các mặt hàng an ninh quốc phòng (vũ khí, đạn dược) hoặc ảnh hưởng đến sức khoẻ (cần sa, thuốc phiện)…

Cột trụ thứ tư cũng có nhiều tiến triển khi ASEAN đã trở thành một trung tâm cho các hiệp định tự do thương mại (FTA) với nhiều đối tác như Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand. Thời điểm 2015 – 2018, phần lớn các FTA sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm và xoá bỏ thuế quan sâu. Đặc biệt là hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), ASEAN – Trung Quốc và ASEAN – Hàn Quốc sẽ xoá bỏ thuế quan cuối cùng vào năm 2018.

Tuy nhiên, với cột trụ thứ hai và ba, các thành tựu đạt được đến thời điểm này còn rất hạn chế, đặc biệt trong việc áp dụng các sáng kiến như Kế hoạch hành động về quyền sở hữu trí tuệ trong ASEAN, hay việc tăng cường kết nối giao thông và đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực, cùng kế hoạch Hành động cho sự phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nhằm đưa ra các hướng dẫn cho các dự án mẫu và các sáng kiến SME khác, để trợ giúp tăng trưởng kinh tế cho người thu nhập thấp.

Các ý kiến không khả quan về AEC được đưa ra dựa vào những quan sát này cho thấy chỉ khoảng 50% kế hoạch tổng thể của ASEAN đã được thực thi, đồng thời so sánh mô hình của AEC với Thị trường nội địa EU (mất tới 50 năm để hình thành) thì thời hạn 12 năm để chuẩn bị của ASEAN (kể từ năm 2003) là quá sức tham vọng!

Thách thức trong 12 tháng tới

Một trong những thách thức cho việc hiện thực hoá AEC 2015 đã được nhắc đến nhiều lần là năng lực và quy mô của ban Thư ký ASEAN. So với mô hình thị trường nội khối EU, có thể thấy một sự chênh lệch quá lớn, trong khi ban Thư ký ASEAN trong năm 2013 chỉ có khoảng 300 người với mức chi phí khoảng 16 triệu USD để thực thi toàn bộ các sáng kiến và hành động liên quan tới các hoạt động thúc đẩy cho ASEAN (bao gồm cả AEC 2015), thì bộ phận hành chính tương tự ở EU có tới 34.000 nhân viên với tổng ngân sách khoảng trên 4 tỉ USD. So sánh ngay trong ASEAN, thì trong khoảng 15 năm qua, khi GDP của khu vực tăng lên gần gấp bốn lần nhưng các nguồn tài nguyên và con người cho ban thư ký này gần như không tăng nhiều, và mức lương cho nhân viên khá hạn chế (khoảng 3.000 USD/tháng – một mức lương khó mà tuyển dụng được những chuyên gia thực sự có năng lực!)

Với một động cơ như vậy cho con tàu AEC, khó mà trách được khi sự nhận thức về AEC 2015 tại các quốc gia thành viên ASEAN chưa cao. Theo khảo sát của ban Thư ký ASEAN trong năm 2013, cứ bốn công dân ASEAN thì có ba người không hiểu lắm về khối này, trong khi EU đã phải luật hoá về thị trường chung và dịch ra đủ 24 ngôn ngữ cho các quốc gia thành viên. Hơn nữa, tại ASEAN, nhiều quốc gia thành viên còn chần chừ với việc “mở cửa” nền kinh tế trong khi cột trụ đầu tiên của AEC là ASEAN cần phải trở thành một thị trường và trung tâm sản xuất duy nhất. Ngay cả Indonesia chẳng hạn, vẫn còn trì hoãn việc ký vào hiệp định đa phương về việc tự do hoá hoàn toàn các dịch vụ hàng không vận tải ASEAN.

Những thách thức khác vẫn tiếp tục tồn đọng sau nhiều năm là khoảng cách quá xa giữa các nước thành viên khi trong ASEAN vừa có những quốc gia giàu nhất của châu Á (Brunei, Singapore), vừa có những quốc gia nghèo nhất (Campuchia, Lào, Myanmar), và trong một thị trường duy nhất, nếu không cải thiện được cơ sở hạ tầng và công nghệ tốt để giúp giảm dần khoảng cách này, thì e rằng cột trụ thứ hai và ba của AEC khó đảm bảo. Theo tính toán, ASEAN sẽ cần khoảng 60 tỉ USD/năm trong vòng hai thập kỷ tới (đến năm 2022) để có thể tạo ra một hạ tầng như mong muốn, trong đó lĩnh vực năng lượng và giao thông sẽ chiếm tới 63% ngân sách.

Năm 2015, Malaysia sẽ nắm quyền Tổng thư ký ASEAN, điều mong đợi đầu tiên sẽ là việc cải tổ lại ban thư ký với việc đầu tư tốt hơn cho vấn đề tuyển dụng các nhân sự đủ năng lực để thúc đẩy các sáng kiến, đặc biệt với AEC 2015. Cột trụ thứ hai và ba cần được củng cố mạnh và một nhận thức chung cho 600 triệu dân trong khu vực cần được lan toả mạnh mẽ hơn về mục tiêu một AEC với tổng GDP khoảng 2,3 ngàn tỉ USD.

Dù vậy, nhiều ý kiến chuyên gia vẫn cho rằng, 2015 có thể chỉ là bệ phóng cho AEC, còn để thực sự thành hình với đầy đủ bốn cột trụ như đã đề ra, ASEAN sẽ cần thêm thời gian nữa.

Điệp Giang (tổng hợp)

Nguồn tin: TGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 136

Máy chủ tìm kiếm : 18

Khách viếng thăm : 118


Hôm nayHôm nay : 33652

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 930992

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44298677



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach