22:37 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Hàng hoá - Thị trường

Ngành logistics : Đòn bẩy phát triển kinh tế

Chủ nhật - 11/12/2011 08:59
Dù rất phát triển ở các nước tiên tiến, nhưng ở VN logistics còn là ngành khá mới mẻ. Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Đỗ Xuân Quang – Chủ tịch Hiệp hội giao nhận kho vận VN (VIFFAS), một trong những người tâm huyết với ngành logistics về tiềm năng phát triển của ngành.
 
Dù rất phát triển ở các nước tiên tiến, nhưng ở VN logistics còn là ngành khá mới mẻ. DĐDN có cuộc trao đổi với ông Đỗ Xuân Quang – Chủ tịch Hiệp hội giao nhận kho vận VN (VIFFAS), một trong những người tâm huyết với ngành logistics về tiềm năng phát triển của ngành


- Là một trong những người rất tâm huyết với sự phát triển của ngành logistics, ông đánh giá thế nào về vai trò và tiềm năng phát triển dịch vụ logistics ở VN ?
 
Cứ nhìn vào con số chi phí logistics nước ta đang chiếm khoảng 20% đến 25%/GDP sẽ thấy vai trò quan trọng của ngành này. Nếu như hàng năm, VN giảm được 1 - 2% chi phí logistics sẽ làm lợi cho xã hội hàng tỉ USD. Hiện chi phí logistics VN cao hơn nhiều so các nước trong khu vực: Nhật Bản chi phí logistics chỉ chiếm 11%/GDP, Singapore 8%, Malaysia 13%, Indonesia 13%... Để giảm được chi phí logistics, phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ thể chế chính sách đến ý thức của DN, nhưng trước tiên xã hội phải nhìn thấy vai trò quan trọng của nó.
 
VN đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Đây là cơ hội tuyệt vời để tất cả các ngành kinh tế - trong đó có logistics, phát triển. Dự tính trong 10 năm tới, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 tỉ USD sẽ mang lại cơ hội to lớn cho các DN logistics VN.
 
- Với những số liệu chi phí trên, cộng với thực trạng hiện nay, ông có nghĩ rằng các DN logistics VN đang “thua trên sân nhà” ?
 
Nói “thua trên sân nhà” thì không hoàn toàn chính xác mà các DN logistics VN đang mất “lợi thế” ngay thị trường nội địa. Bởi vì chúng ta còn yếu về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vừa thiếu, yếu và chưa đồng bộ; trình độ quản lý non trẻ; chưa đầu tư đúng tầm về công nghệ thông tin vào việc quản lý và điều hành; các chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của ngành chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng tầm...
 
Nền công nghiệp nước ta chủ yếu vẫn là gia công nên giá trị thực tế không cao. Cứ một đơn hàng vài chục tỉ USD thì giá trị của ta thu được chỉ khoảng 10%. Khi xuất khẩu, ta giao hàng đến mạn tàu giá FOB (Free On Board). Vì vậy, xuất khẩu của nước ta càng nhiều thì đội tàu nước ngoài càng mạnh và nhiều đơn đặt hàng. Chính phủ đã có những chính sách nhằm thay đổi phương thức trên, như thưởng cho các DN xuất khẩu theo giá CIF (Cost Insurance, Freight) nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Chỉ nhìn vào khoảng 80% đơn hàng xuất khẩu giá FOB, 20% giá CIF cho thấy phần lớn lợi nhuận của ngành đã rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài. Chính những điểm yếu cơ bản nêu trên là nguyên nhân làm chúng ta mất đi những lợi thế ngay chính từ “sân nhà” của mình.
 
- Vậy làm thế nào để ngành logistics VN phát triển mạnh, bền vững, thưa ông ?
 
Để ngành logistics VN có thể đạt được sự cân bằng về thị phần thì quả là không dễ. Nhưng chúng ta có nhiều lợi thế.
 
Thứ nhất, về hệ thống kho bãi, các DN VN đang sở hữu phần lớn kho bãi phục vụ trong ngành logistics, trong khi các DN nước ngoài đều phải thuê hoặc liên kết, liên doanh với DN VN. Thứ hai, các DN trong nước hiểu được thị trường, tâm lý khách hàng, vị trí địa lý, thời tiết, văn hóa của người bản địa hơn DN nước ngoài. Thứ ba, về nhân sự, lao động VN thông minh, nhanh nhạy nên dễ dàng nắm bắt các quy trình, công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Thậm chí, DN VN có thể thuê các chuyên gia là người nước ngoài làm việc.
 
Để theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế, các DN VN phải không ngừng đầu tư công nghệ, quy mô, đổi mới phương thức kinh doanh để có đủ năng lực cạnh tranh với các DN, tập đoàn nước ngoài. Phải nhận thức đầy đủ về logistics để từ đó khai thác hoàn thiện các dịch vụ gia tăng của chuỗi cung ứng và cần phải đầu tư đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics VN đang phối hợp với Liên đoàn quốc tế của Hiệp hội giao nhận vận tải (FIATA), Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) mở các chương trình đào tạo chuyên ngành logistics theo chuẩn quốc tế. Đây là mô hình tốt để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển.
 
- Có thể nói logistics liên quan tới nhiều bộ ngành, vì thế thủ tục hành chính tương đối phức tạp ? Làm thế nào để khắc phục điểm yếu trên, thưa ông ?
 
Điều hết sức bất cập hiện nay là tất cả các ngành trong nền kinh tế đều có cơ quan chủ quản, trong khi đó logistics là một ngành kinh tế đòn bẩy, quan trọng nhưng chưa có một cơ quan chủ quản nào ? Đã đến lúc VN cần phải có Ủy ban quốc gia về logistics để giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, khung thể chế... Đây là giải pháp quan trọng để nước ta giảm được chi phí logistics.
 
Logistics không chỉ đơn thuần là giao nhận, vận chuyển mà nó còn bao gồm các giá trị gia tăng trong chuỗi dịch vụ đó như: sản xuất, hải quan, cứu hộ, lưu trữ, bảo quản, đóng gói bao bì, phân phối... Chính vì vậy, chúng tôi đã đề nghị với Chính phủ sớm có sự thay đổi tên của Hiệp hội giao nhận kho vận VN (VIFFAS) thành Hiệp hội logistics VN.  Dù chỉ là một cái tên nhưng việc thay đổi này có vai trò quan trọng trong việc đánh giá đúng vi trí, chức năng của ngành.
 
Tôi tin rằng, ngành logistics VN sẽ rút dần khoảng cách với nhiều nước trên thế giới. Điều này  phụ thuộc vào chính chúng ta.
 
 
GS TS Đoàn Thị Hồng Vân: Logistics và lợi thế cạnh tranh
 
Logistics là lĩnh vực hết sức quan trọng của nền kinh tế. Logistics rất phát triển ở các nước tiên tiến, nhưng ở nước ta - còn là ngành khá mới mẻ, mặc dù trong thực tế cuộc sống logistics đã tồn tại từ lâu.
 
Trong kinh doanh “Logistics là quá trình tối ưu hoá về địa điểm, thời điểm, vận chuyển và dự trữ nguồn tài nguyên từ điểm đầu tiên của chuỗi cung ứng qua các khâu sản xuất, phân phối cho đến tay người tiêu dùng cuối cùng, thông qua hàng loạt hoạt động kinh tế”. Đó là quá trình liên quan tới nhiều hoạt động khác nhau trong cùng một tổ chức, từ xây dựng chiến lược đến các hoạt động chi tiết, cụ thể. Logistics bao trùm cả hai cấp độ hoạch định và tổ chức. Cấp độ thứ nhất liên quan đến vấn đề vị trí, còn cấp độ thứ hai liên quan đến vấn đề vận chuyển và lưu trữ. Chi phí logistics phụ thuộc nhiều vào hai cấp độ này.
 
Quốc gia nào có chi phí logistics thấp, đó là lợi thế cạnh tranh. Các tập đoàn kinh tế thế giới, trước khi quyết định đầu tư vào quốc gia nào, bao giờ cũng quan tâm đến chi phí logistics của đất nước đó. Tại VN, chi phí logistics vẫn ở mức rất cao, chiếm tới 25% GDP. Vì thế nếu chi phí logistics ở VN có thể giảm được 1 - 2% là đã đem lại nguồn lợi rất lớn cho xã hội, cho các DN.
 
 

Thanh Thủy

Nguồn tin: Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 158

Máy chủ tìm kiếm : 58

Khách viếng thăm : 100


Hôm nayHôm nay : 64883

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 917421

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44285106



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach