1 Tin Tức Dòng chảy hàng Việt

Cần hình thành chợ công nghệ

Thứ năm - 02/04/2015 05:00 1 1 1
Hội thảo “Giải pháp tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo trong tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL” diễn ra ngày 24.3.2015 trong khuôn khổ hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) – An Giang 2015. Từ hội thảo, có thể thấy nhu cầu tạo nhịp cầu giữa nhà khoa học, nhà quản lý với các doanh nghiệp, tổ chức triển lãm, xúc tiến, giao lưu, kết nối hoạt động nghiên cứu và chợ công nghệ là rõ ràng, bức bách.



Hệ thống xử lý nước trạm y tế phường xã ở An Giang. ảnh: HL


Từ năm 1999, Chính phủ đã ban hành nghị định số 119/1999/NĐ-CP nói rõ chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN). Trong đó chính sách hỗ trợ DN tối đa không quá 30% tổng kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới thuộc những ngành nghề Nhà nước ưu tiên khuyến khích do DN thực hiện. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ tối đa 30% dựa vào nguồn lực sẵn có của DN, việc phát triển KH&CN trong DN vừa và nhỏ không dễ dàng chút nào. Chủ một DN ở Bến Tre nói rằng để việc ứng dụng thành tựu nghiên cứu sản xuất mặt nạ dừa đưa ra thị trường, bà phải mất mười năm. Tốn phí tiền của, công sức, mồ hôi nước mắt, không thể tính nổi.


Nhiều hứa hẹn thương mại hoá sản phẩm ươm tạo


PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, giám đốc trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp – công nghệ (CBI), trường ĐH Cần Thơ, cho biết hai sản phẩm “đang nóng” trong giao dịch là giống lúa chịu mặn, chịu phèn, thích ứng biến đổi khí hậu (của PGS.TS Võ Công Thành); và đông trùng hạ thảo, chế phẩm sinh học phòng trị côn trùng VIRIN ĐH Cần Thơ (của ThS Trịnh Thị Xuân). Theo TS Khôi, một số kết quả nghiên cứu từ trường ĐH Cần Thơ đã và đang chuyển giao cho các DN thương mại hoá: phân vi sinh Dasvila, phân bón hữu cơ, bánh đa dưỡng chất, quy trình chế biến nước xốt cà chua, nước ép trái cây, quy trình nhân giống nhân tạo và nuôi thuỷ sản nước ngọt tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hệ thống sấy khô và sàng lọc trứng Artemia… Hiện nay việc ứng dụng nhanh các thành tựu đang được thúc đẩy nhằm tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh.


TS Đỗ Việt Hà, phó trưởng ban quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TP.HCM, nơi đầu tiên trong cả nước có khu NNCNC, hứa sẽ giúp giám đốc công ty CP Ramsa nếu anh chịu xách túi lên trung tâm ở một tuần hay mười ngày cùng làm với các chuyên gia. “Nếu có liên kết tốt giữa DN và trung tâm công nghệ cao thì sẽ tăng khả năng thương mại hoá sản phẩm ươm tạo”, ông tin chắc.


Năm năm hoạt động, khu NNCNC còn 70 hồ sơ xin đầu tư vào khu công nghiệp nhưng không có đất. TP.HCM sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng.


Nhìn từ những góc “trời riêng”


Bà Lê Hà Mộng Ngọc, công ty CP công nghệ sinh học Nấm Việt quan tâm nấm đông trùng hạ thảo của ThS Trịnh Thị Xuân, khoa NN-SHUD, trường ĐH Cần Thơ. Bản thân công ty Nấm Việt đang tìm kiếm công nghệ sấy. Tức khắc có bốn ứng viên đang nắm giữ công nghệ sấy: sấy lạnh, sấy nhiệt cao, sấy vỉ ngang, sấy tháp tuần hoàn… Nhưng công nghệ nào thích hợp với mức đầu tư khoảng 100 triệu đồng?


Anh Hà Xuân Long, giám đốc công ty CP Ramsa, có vốn khởi nghiệp 3 tỉ đồng, được chuyên gia trường ĐH Cần Thơ chuyển giao công thức liền phát triển dòng sản phẩm sữa sen – đặc sản có  “tên tuổi” của tỉnh Đổng Tháp. Sáu tháng sản xuất thử, lấy mẫu phân tích để xác định đúng tố chất tạo nên giá trị giúp giấc ngủ sâu từ sản phẩm này, Long đã dùng hạt sen tươi và enzyme phân huỷ tinh bột, thiết bị lọc, chiết rót, đo độ ngọt… và đang tính toán hiệu quả để đưa sản phẩm ra thị trường.


Vấn đề đặt ra là cứ 1, 5kg sen (70.000 đồng/kg ngày thường, tháng tết 150.000 đồng/kg) cho 10 lít sữa, giá hiện thời 12.000 đồng/chai sữa (250g); có lời nhưng chi phí phân phối rất cao, phải bảo quản lạnh, hạn sử dụng 15 ngày. Sản phẩm bị động khi phát triển kênh phân phối do phải bảo quản lạnh. Nếu đẩy giá cao thì người tiêu dùng sẽ ngán. Ngược lại, giá thấp sẽ không hấp dẫn người bán lẻ. Ai cũng khen sữa sen độc đáo, ngon lành nhưng chỉ bán trong tỉnh Đồng Tháp, mỗi ngày 200 lít là cùng, tương ứng 1.000 chai. “Vấn đề là ở công nghệ. Ramsa đã đầu tư thiết bị làm sữa sen: 500 triệu đồng, nếu đầu tư cho đồng bộ trà sakê, chả giò hạt sen… cần cả tỉ đồng nữa”, Long cho biết thêm, nguồn nguyên liệu hạt sen ở Tháp Mười 3.700ha, tính mùa vụ rõ rệt. Vào mùa trước tết giá cao gấp ba lần ngày thường nên cần đầu tư công nghệ bảo quản, tiến tới đầu tư vùng nguyên liệu và khi dung lượng thị trường ổn định sẽ mở rộng liên kết hợp tác xã đầu tư – bao tiêu gắn đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.


TS Nguyễn Hoàng Nam, trưởng phòng quản lý khoa học và hợp tác quốc tế ban quản lý khu Công nghệ cao TP.HCM, chia sẻ: “Các lĩnh vực KH&CN của các đơn vị khác hoàn toàn có thể liên kết với nhau để tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp”. Trước mắt cục Khuyến công quốc gia duyệt chi hỗ trợ (chờ giải ngân) mô hình trình diễn sản xuất tiêu thụ sữa hạt sen, mức 250 triệu đồng. Nhưng ai sẽ giúp cho Long quy trình kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm này?


Mong mỏi nhịp cầu


Theo PGS.TS Dương Văn Chín, giám đốc trung tâm nghiên cứu Định Thành (công ty CP BVTV An Giang – AGPPS), dưới sự điều phối chung của bộ KH&CN, các viện – trường nên nghiên cứu cách tổ chức giới thiệu công khai các thành quả nghiên cứu công nghệ mới, mời các DN tham gia, tiếp cận, bàn thảo để tiến tới thương lượng chuyển giao và tiếp nhận công nghệ mới, thực hiện nghĩa vụ mua tác quyền giữa các DN cùng ngành nghề.


Thứ trưởng bộ KH&CN Phạm Công Tạc ví von ĐBSCL có nhiều con sông thơ mộng, nhưng sẽ rất có ý nghĩa nếu xây được những nhịp cầu.


Tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các nhà nghiên cứu, DN và nhà quản lý là việc làm có ý nghĩa thiết thực vì sẽ có chào hàng, đặt hàng, sẽ tìm được đầu ra. DN đưa yêu cầu sẽ khiến cho hoạt động nghiên cứu và nhu cầu xã hội gặp nhau, thúc đẩy sáng tạo, quá trình cũng sẽ giúp cho việc điều chỉnh chính sách liên quan tới sở hữu trí tuệ, KH&CN phù hợp hơn. Hội thảo này chính là nhịp cầu kết nối giữa viện – trường và DN, cho các bên gặp nhau.


Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội DN.HVNCLC nhận xét: Người có nhu cầu mạnh dạn đặt hàng và các cuộc kết nối cung cầu sẽ giúp tìm thấy nhiều nơi đáp ứng. Nhưng các chuyên gia của khu NNCNC TP.HCM cho biết sẽ hợp tác với ĐH Cần Thơ. Cũng từ đây, ý tưởng tổ chức cuộc giao lưu, xúc tiến thị trường công nghệ sẽ tiếp tục được Hội DN.HVNCLC, cục Phát triển thị trường công nghệ (NATEC) phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục tổ chức vào ngày Khoa học – công nghệ quốc gia (18.5).  


“Nếu có liên kết tốt giữa Doanh nghiệp và trung tâm công nghệ cao thì sẽ tăng khả năng thương mại hoá sản phẩm ươm tạo”.
  
theo Hoàng Lan (báo Thế Giới Tiếp Thị)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:hội thảo, giải pháp, sáng tạo, nông nghiệp, khuôn khổ, hội chợ, an giang, có thể, nhu cầu, nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, triển lãm, xúc tiến, giao lưu, hoạt động, nghiên cứu, công nghệ, rõ ràng, bức bách

Bình luận mới

Bạn cần đăng nhập thành viên để sử dụng chức năng này

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn