01:24 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Xây dựng vùng lúa nguyên liệu: Áp đặt có tốt hơn tự nguyện?

Thứ sáu - 13/02/2015 06:18
Từ ngày 1-3, thương nhân (doanh nghiệp) tham gia xuất khẩu gạo bắt buộc phải xây dựng vùng nguyên liệu theo lộ trình đã được Bộ Công Thương đề ra. Thế nhưng việc áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính này - khi còn những vấn đề chưa giải quyết xong - liệu có giúp ngành lúa gạo đột phá, nông dân thật sự được lợi?

Xuất khẩu càng nhiều, vùng nguyên liệu phải càng lớn

Quyết định số 606/QĐ-BCT của Bộ Công Thương mới ban hành về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo giai đoạn 2015-2020 buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải có vùng nguyên liệu tương ứng với khối lượng đã bán trước đó.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp xuất khẩu dưới 50.000 tấn gạo/năm, trong năm đầu phải xây dựng vùng nguyên liệu là 500 héc ta và từ năm thứ hai trở đi cho đến năm 2020 sẽ tăng thêm 300 héc ta/năm; doanh nghiệp xuất từ 50.000 đến dưới 100.000 tấn/năm thì năm đầu xây dựng 800 héc ta và những năm sau tăng thêm 500 héc ta/năm. Tương tự, doanh nghiệp xuất từ 100.000 đến dưới 200.000 tấn/năm, xây dựng 1.200 héc ta ở năm đầu và những năm sau tăng thêm 800 héc ta/năm; doanh nghiệp xuất từ 200.000 tấn/năm, thì xây dựng vùng nguyên liệu 2.000 héc ta ở năm đầu và những năm sau tăng thêm 1.500 héc ta/năm.

Về hình thức triển khai, Bộ Công Thương cũng đưa ra ba phương thức để doanh nghiệp lựa chọn: (i) xây dựng dự án hoặc phương án cánh đồng lớn; (ii) ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với nông dân hoặc đại diện của nông dân; (iii) xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp trên diện tích đất được Nhà nước giao/cho thuê/nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hoặc thuê đất của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để sản xuất lúa.

Nói về vấn đề trên, ông Lê Thanh Tùng, Phó phòng phụ trách vùng Nam bộ của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khẳng định: “Bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu là hoàn toàn chính xác và hợp lý”.

Sau hơn bốn năm triển khai mô hình cánh đồng lớn, tiền thân là cánh đồng mẫu lớn, ông Lê Thanh Tùng - Cục Trồng trọt - cho biết dự kiến trong vụ đông xuân 2014-2015, toàn vùng ĐBSCL chỉ có khoảng 150.000/1,6 triệu héc ta lúa sản xuất được doanh nghiệp liên kết bao tiêu với nông dân.

Theo ông Tùng, vùng nguyên liệu giúp doanh nghiệp có sự ổn định về sản lượng, giá cả, chủ động thời gian giao hàng... Mặt khác, nếu không có vùng nguyên liệu, doanh nghiệp không phát triển thương hiệu được vì sản xuất, chất lượng không ổn định. Hơn nữa, vùng nguyên liệu là nơi để nông dân và doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro. “Khi giá tăng thì doanh nghiệp chia sẻ với nông dân, ngược lại khi giá giảm, nông dân cũng chia sẻ với doanh nghiệp”, ông Tùng nói.

Trao đổi với TBKTSG, một số người trong cuộc cho rằng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo là xu hướng tất yếu, nhưng việc này phải được thực hiện theo “cơ chế thị trường” và phải trên tinh thần tự nguyện từ hai phía chứ không nên theo tư duy hành chính như quyết định của Bộ Công Thương.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), đưa ví dụ một doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm, có thị trường riêng, họ bắt buộc phải có vùng nguyên liệu ổn định để lúc nào cũng có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng. Và như vậy, họ phải đặt hàng nông dân sản xuất đúng quy trình, đúng yêu cầu chất lượng. Đây là việc tất yếu, không cần bắt buộc doanh nghiệp cũng phải làm.

Theo một người am hiểu tình hình lúa gạo (không muốn nêu tên), trong ngắn và trung hạn, ngành lúa gạo trong nước tiếp tục cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và xa hơn nữa là Campuchia, Myanmar. Trong bối cảnh đó, việc liên kết sản xuất liệu có khả thi?

Theo vị này, bản chất của liên kết là tổ chức lại sản xuất để làm sao có giá thành sản phẩm thấp nhất, chất lượng tốt nhất, từ đó nâng cao được thu nhập của nông hộ. Muốn làm được như vậy thì phải tổ chức sản xuất lớn, giải phóng bớt sức lao động trên một đơn vị diện tích sản xuất lúa để chuyển sang những công việc khác.

“Nếu trước và sau liên kết, lượng lao động vẫn như nhau thì chẳng những không giảm được giá thành mà doanh nghiệp còn tốn thêm chi phí đi ký kết hợp đồng với từng hộ nông dân”, ông nói.

Khi đã liên kết mà không giảm được giá thành hạt lúa, trong khi vẫn phải đảm bảo lợi nhuận của nông dân tham gia liên kết cao hơn sản xuất bên ngoài, doanh nghiệp bắt buộc phải bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường, như vậy làm sao cạnh tranh cho đầu ra của hạt gạo khi hoạt động xuất khẩu đang vận hành theo “cơ chế thị trường”?

Bài học đắt giá

Có thể thấy bài toán đầu ra cho hạt gạo quyết định sự thành bại của mối liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân.

Trao đổi với TBKTSG về chuyện này, ông Tùng cho rằng: “Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhiều năm mà không đủ năng lực tìm đầu ra ổn định cho hạt gạo thì... nên chuyển sang làm chuyện khác, vì sự tồn tại của họ chỉ làm khổ cho nông dân, cho nền kinh tế”. Tuy nhiên, ông Tùng quên rằng trong sân chơi lớn theo “cơ chế thị trường”, sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu rất gay gắt, sự thắng lợi chủ yếu là nhờ giá chứ không phải do doanh nghiệp có thâm niên xuất khẩu.

Thực tế hồi tháng 10 năm ngoái, Philippines chỉ đồng ý mua của Việt Nam 200.000 tấn gạo sau khi Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) chấp nhập giảm 4 đô la Mỹ/tấn theo yêu cầu của NFA - cơ quan lương thực quốc gia Philippines, bằng với mức giá bỏ thầu của Thái Lan.

Còn nhớ vào những năm 2008-2009, khi Chính phủ chưa có chủ trương thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo hợp đồng, Công ty TNHH ADC đã tự nguyện mở đường cho hướng làm ăn mới này bằng hình thức liên kết và bao tiêu toàn bộ lúa sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP (ADC hỗ trợ chi phí chứng nhận tiêu chuẩn này) của nông dân Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) với giá cao hơn thị trường 30%. Cách này khiến nông dân hồ hởi sản xuất vì được bao tiêu mà lợi nhuận còn cao hơn cả chục triệu đồng/héc ta so với cách làm truyền thống. Ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã liên tục cử cán bộ đến học tập phương thức liên kết này để về áp dụng cho địa phương mình. Thế nhưng, mô hình này chỉ duy trì được một thời gian, ADC đã chính thức tuyên bố “ngưng hợp tác” vào đầu năm 2013, nông dân thì ngậm ngùi nuối tiếc.

Ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Dự án phát triển ngành lúa giống và chế biến gạo theo tiêu chuẩn Global GAP của ADC, cho biết đầu ra xuất khẩu gặp khó khăn. Khảo sát thực tế ở TPHCM cũng cho thấy người tiêu dùng chấp nhận bỏ ít tiền hơn để mua gạo “không” có chứng nhận Global GAP. “Từ trước tới giờ, không có ai nói ăn gạo không GAP là nguy hại tính mạng, chỉ nói ăn thịt bẩn, rau không an toàn thì bị ngộ độc thôi. Gạo GAP của chúng tôi sau một thời gian tung ra thị trường đã... thất bại”, ông Mười nói.

Trung Chánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 131

Máy chủ tìm kiếm : 18

Khách viếng thăm : 113


Hôm nayHôm nay : 24292

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 921632

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44289317



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach