00:37 EDT Thứ hai, 29/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Nghẹn ngào xứ đào Nhật Tân…

Chủ nhật - 01/01/2012 08:58
Mấy năm nay, đào quất di cư ra bãi sông Hồng, chạy sang Đông Anh rồi tản cư về Hà Tây cũ mà đâu đã ấm chân. Đào đi về đâu song cũng bị các dự án nhăm nhe tranh đất.


Đào bích cánh ở vườn đào cổ, cánh dày, hoa to lại bền giờ chỉ còn nằm trong nỗi nhớ...

Thương hiệu trăm năm bị mờ?

Theo sử sách, Làng đào Nhật Tân ở phía tây bắc Hồ Tây, kề cận làng Quảng Bá. Thời phong kiến xưa kia, làng có tên là Nhật Chiêu, thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên (kinh đô Thăng Long thời Lê). Từ năm 1831 lại thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Sau nhiều lần hoán đổi tên, đến giữa năm 1956, vùng này được tách ra thành xã Nhật Tân, gồm 4 thôn Đông – Nam – Tây – Bắc thuộc quận 5. Đến năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm. Năm 1995, xã Nhật Tân lại thuộc quận Tây Hồ cho đến ngày nay.

Nhật Tân xưa có cả đồng và bãi. Dân làng sống chủ yếu bằng nghề trồng đào, hoa cảnh. Kỹ thuật trồng đào của người dân làng Nhật Tân thì không nơi nào bằng được. Từ việc ghép cành đào bích vào gốc đào quả để tạo ra cây đào lai gốc khỏe, mà hoa vẫn đẹp, đều, đến việc sửa tán tạo thành cây tròn, đẹp đều. Ngay cả bí quyết “hãm đào” cho nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường thì chỉ có nơi đây là đạt đến độ “Muốn cho hoa nở ngày nào thì hoa nở ngày ấy”.

Dần dần, “tiếng lành đồn xa”, đào Nhật Tân nổi tiếng xa gần với sắc hương rực rỡ và nó nở đúng thời khắc, cành mập, hoa to, lâu tàn. Những nghệ nhân trồng đào ở đây còn đưa được cả cái nét tinh tế, tao nhã của người dân Tràng An vào từng dáng đào, thế đào. Những năm đầu của thế kỷ XXI, thương hiệu đào Nhật Tân đứng trước nguy cơ… bị quên lãng khi gần như 100% diện tích trồng đào ở đây được đưa vào quy hoạch để xây khu đô thị mới Nam Thăng Long. Cây đào những đất cho nhà cao tầng, chính vì vậy mà không ít người ngậm ngùi thốt lên những lời xót xa: “Đào Nhật Tân thế là hết rồi”.



Không chịu khuất phục trước những yếu tố chủ quan của con người cũng như chính sách đô thị hoa “trông nhà cao tầng thay đào”. Người dân Nhật Tân đã chuyển làng đào ra ngoài bãi sông Hồng. Những mần non mới lại được reo lên, những cánh đào Nhật Tân bắt đầu sinh sôi, nảy lộc. Lạ đất, là nước, cây đào dù được chăm sóc đến đâu vẫn không được như xưa.

Hoài niệm về những cành đào, những thế đào cổ Nhật Tân, bác Nguyễn Quang Hưng, một người dân phường Nhật Tân với vốn nghề trồng đào đã gần 30 năm tâm sự: “Cái vốn ngàn vàng mà cha ông chúng tôi để lại cho chúng tôi đó là thương hiệu đào Nhật Tân”.

Làm sao chúng tôi có thể từ bỏ nó một cách dễ dàng như vậy! Đối với những người “sành đào” thì đào Nhật Tân luôn có dáng riêng, không thể lẫn với bất kỳ đào của địa phương nào, bởi vậy sức cuốn hút của đào Nhật Tân chiều lòng những người khách khó tính nhất. Đang mơ màng về những nhành đào thắm tươi xa xưa, tiếp lời chúng tôi, bác Hưng chia sẻ: “Nói vậy thôi, hoa đào bây giờ sánh sao nổi đào xưa kia. Ngày xưa, cứ đến đầu tháng 12 âm lịch là làng đào Nhật Tân lại nhộn nhịp và tất bật hơn bao giờ hết. Cả làng, nhà nhà trồng đào, thế nhưng mấy năm lại đây, do đô thị hóa, đất trồng đào phải nhường chỗ cho những ngôi nhà nên chỉ còn rất ít hộ gia đình giữ được nghề. Chưa kể đến, nhu cầu khách ngày càng đa dạng, họ dần chuyển sang chơi mai, đào rừng… cho nên đào Nhật Tân giờ không còn là lựa chọn số 1 như trước đây”.

Dạo bước trong những ngày se lạnh cuối năm, ngắm nhìn từ đường An Dương Vương xuống cánh đồng trồng đào của phường Phú Thượng. Cách đây gần 20 năm, dân xã Phú Thượng mới quay lại trồng hoa và nhiều nhất là đào, với lợi thế gần đất đào Nhật Tân, lại được chính tay các nghệ nhân chăm sóc và truyền nghề nên đào Phú Thượng cũng trở nên nổi danh không kém và có phần vượt trội hơn vì diện tích trồng lớn hơn nhiều lần. Nhật Tân có 28 ha đất trồng đào ở ven đường Lạc Long Quân, còn Phú Thượng sở hữu một cánh đồng đào rộng lớn tới 116,7 ha, tuy nhiên diện tích này đang ngày càng một thu hẹp. Khác với đào trồng ngoài bãi, đào Phú Thượng chính gốc sắc thắm hơn, cánh dày hơn. Tuy nhiên quá trình đô thị hóa mạnh trong những năm qua khiến vựa đào dần bị thu hẹp. Những đào bích, đào phai thế chỗ cho những khu đô thị bề thế. Vườn đào của gần 200 hộ dân làng Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội đang gần như bị xóa xổ. Còn hơn 1 tháng nữa mới đến tết nhưng người dân bất đắc dĩ đã phải tính chuyện lo cho vụ đào sang năm.

Từ xa đã có thể thấy cảnh xơ xác của vườn đào Phú Thượng (một nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội mỗi dịp Tết). Hàng chục hécta đào gần như trơ trắng luống. Càng tiến gần về phía Xuân La (khu vực đồng trũng), khung cảnh càng tàn tạ. Những khóm đào khô đen nằm chỏng trơ trên mặt ruộng. Cả đến những gốc đào cổ giá trị cũng đã chết khô, đành nhổ bỏ. Nhiều mảnh ruộng, có lẽ người dân cũng chẳng buồn thu dọn, cỏ dại mọc lan khắp luống, bỏ, leo lên cả những tán đào nâu đỏ, trơ gọng khô khốc. Trên những mảnh ruộng trắng nứt nẻ cũng có đôi bóng người lom khom cuốc, xới nhưng không phải là chăm đào cho vụ thu hoạch tới mà là đào bới nốt những gốc đào khô trơ để tận dụng đem về làm củi. Những ruộng đào trị giá hàng chục tới hàng trăm triệu đồng đã gần như mất trắng.

Sẽ đi về đâu đào Nhật Tân… ?

Người Nhật Tân mất nhiều đất trồng đào cho các chung cư cao tầng. Không phải ai cướp đất, ai xâm lấn mà là sự hy sinh tự nguyện cho sự phát triển chung của đất nước. Sự hy sinh là tự nguyện, nhưng người ta không thể quên nỗi đau của cái dự án trước đây phá đi vườn đào gốc mấy thế kỉ mà chính tay cha ông họ tạo dựng. Không còn cảnh vườn đào mênh mông sắc thắm, không còn cô gái Nhật Tân làm duyên bên nhánh đào nữa, vườn đào Nhật Tân năm nay đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao ốc chọc trời, những dãy nhà mới xây, những công trường ngổn ngang cát, bụi và những chiếc cần cẩu chọc tua tủa trên nền trời và tiếng xe cộ ồn ã, có nhiều nỗi buồn ẩn sau trong cơn bão đất…. Đất trồng của đào Nhật Tân ngày càng co hẹp. Người làng đào đang cố trồng vớt vát dăm gốc đào trên những mảnh đất xác xơ, hun hút gió mà công trình xây dựng đô thị Nam Thăng Long chưa đụng tới.

Mấy năm nay, đào quất di cư ra bãi sông Hồng, chạy sang Đông Anh rồi tản cư về Hà Tây cũ mà đâu đã ấm chân. Đào đi về đâu song cũng bị các dự án nhăm nhe tranh đất. Bãi sông Hồng phù sa vàng óng, đào phát triển cành nhanh nhưng cánh hoa mỏng manh, sắc hoa không bền. Các vùng đất khác cũng vậy, vẫn đang còn là những thử nghiệm. Đào bích cánh ở vườn đào cổ, cánh dày, hoa to lại bền giờ chỉ còn nằm trong nỗi nhớ. Những vườn đào lẻ dăm chục gốc nằm ven vùng đất đã quy hoạch vẫn đang sẵn sàng dành những mùa hoa cuối cùng cho Hà Nội.

Hôm nay, Nhật Tân – Phú Thượng đào, quất lác đác vẫn còn. Không ít người nông dân một lần nữa sẽ phải đi tìm lại giá trị cho giống hoa cây cảnh truyền thống của mình bằng cách gây lại chất lượng hoa trên đất mới. Chắc không dễ, nhưng không phải là không làm được khi tình yêu với nghề trồng đào trồng quất đem lại giá trị cho truyền thống Thăng Long chưa thể dứt bỏ trong lòng người Nhật Tân.

Quyết giữ nghề

Có một nhà thơ viết :
“Hà Nội của mình không đẹp đến long lanh
Nhưng đẹp nhất là mùa giáp Tết…
Sắc xuân làm môi con gái thêm hồng
Như sắc đào Nhật Tân, như hoa làng Quảng Bá…


Đúng như lời thơ chan chứa tình yêu về cái đẹp của những tháng ngày mùa xuân, có gần người trồng đào Nhật Tân ,chúng tôi mới cảm nhận được tình yêu của họ vào những gốc đào. Họ chăm đào như chăm những đứa trẻ. Ngoài sức lao động thì trong mỗi nhánh hoa đào nó còn chan chứa tình yêu của người trồng đào… Theo chân bác Hưng, chúng tôi mấy cảm nhận thấy sự yêu đào, yêu cái vốn mà cha ông đi trước để lại. Trong cái lạnh thấu da, thấu thịt của Hà Nội những ngày tiết đông, bác Hưng vẫn bền bỉ cầm vòi nước tưới cho hơn 200 gốc đào nằm trên mảnh vườn bên bờ sông Hồng cuộn chảy.

Nhìn vườn đào, bác Hưng xót xa nhớ lại một thời sắc đào thắm rợp đất Nhật Tân: “Ngày trước, sáng ngủ dậy bước ra cửa là tôi lại có thể được ngắm đào, những cành đào đâm chồi xanh mơn mởn. Xuân về, đào lại đua nhau khoe sắc thắm. Còn vườn đào mà tôi đang cố bám lại giờ đây trở nên xác xơ, lạc lõng trên bãi đất xám lố nhố những công trình xây dựng”.

Chỉ tay vào cây đào thế cao gần 2m và tán phủ rộng hàng mét vuông, bác Hưng lắc đầu nói: “Được như cây đào này, chúng tôi phải mất gần 4 năm chăm bẵm cùng với cái hồn gửi vào đó. Vậy mà, đến khi thu hoạch, cây này cũng chỉ được 15 – 20 triệu đồng thôi. Nếu cây đào này mà được trồng trên mảnh đất Nhật Tân xưa kia, cây này sẽ thắm đượm trong màu sắc hoa, điểm lên những chồi lộc xanh biếc”.

Qua tìm hiểu với thấy nỗi lòng của những người nơi đây, họ kiên trì bám đất, bám đào. Phần lớn người Nhật Tân đều trồng đào, họ không đành lòng bỏ nghề nên tìm ra bãi sông Hồng đắp đất chống lũ để trồng đào. Một số người thì sang tận Gia Lâm, Đông Anh để thuê đất, tiếp tục gắn bó với đào. Nhưng dù có cố gắng như thế nào đi nữa, mỗi lần nhắc lại “đào Nhật Tân xưa” họ lại nghẹn lòng tiếc nhớ, lưu luyến về một thời vang bóng…

Minh Kiều

Nguồn tin: Petrotimes

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 438

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 437


Hôm nayHôm nay : 54025

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 683356

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43195125



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach