1 Tin Tức Dòng chảy hàng Việt

Đồng hành vì người tiêu dùng

Thứ tư - 18/12/2013 05:17 1 1 1
Trong chuyến tham quan làng nghề truyền thống tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, chúng tôi được nghe cuộc đối thoại giữa tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM và đại diện siêu thị Co.op mart. Hai bên đều có những lợi thế riêng, có điểm mạnh, điểm yếu của mình... Để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, siêu thị Co.op mart và tiểu thương đều ý thức được rằng, cả hai cần không ngừng đổi mới và hoàn thiện hơn nữa để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
 



Ông Võ Hoàng Anh (đi đầu) dẫn đoàn tiểu thương thăm siêu thị Co.op mart Trà Vinh


Co.op mart coi tiểu thương là thầy

 
Chia sẻ với tiểu thương, ông Võ Hoàng Anh, giám đốc marketing Co.opmart khẳng định, tiểu thương là những người thầy, là bậc đàn anh đi trước mà Co.op mart luôn giáo dục nhân viên của mình học tập noi theo. Co.op mart có được đông đảo người ủng hộ như ngày hôm nay cũng chính nhờ biết học tập và sáng tạo từ cách kinh doanh của những tiểu thương ngoài chợ. Ngoài ra, Co.op mart cũng thay đổi lớn trong công tác truyền thông tại siêu thị, đó là chương trình Co.op mart radio, qua chương trình này, người tiêu dùng sẽ được nghe tư vấn tiêu dùng, định hướng tiêu dùng… với mong muốn khách hàng sẽ được thoải mái nhất khi đến với Co.op mart. Theo ông Hoàng Anh, những việc trên là Co.op mart đã học được từ các tiểu thương.
 

Đồng tình với Co.op mart, tiểu thương cho rằng, mặc dù ra đời sau các chợ nhưng Co.op mart đã có nhiều sáng kiến phát triển nên đã vượt các chợ truyền thống ở nhiều mặt. Bà Phạm Thu Hường, tiểu thương chợ Bà Chiểu cho hay, có nhiều điều tiểu thương cũng phải học hỏi từ Co.op mart như cung cách bán hàng, tiếp thị, khuyến mãi, trưng bày sản phẩm...

 
Trong cuộc nói chuyện, tiểu thương cũng nêu lên những lo lắng về việc siêu thị mọc lên quá nhiều khiến việc buôn bán của họ bị ảnh hưởng. Chị Lưu Thị Lý, ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương chia sẻ: “Siêu thị mọc lên quá nhiều, lấn át chợ truyền thống, ngoài siêu thị lớn thì còn nhiều siêu thị nhỏ, siêu thị của các hộ gia đình, cửa hàng bình ổn”. Vì sao lại như thế, theo bà Lý, bởi vào siêu thị thì sự thoải mái, mát mẻ, lựa đồ thoải mái…để giữ khách hàng lại cho mình, tiểu thương phải cạnh tranh với Co.op mart một cách lành mạnh bằng việc nói đúng giá, không nói thách, nói quá với sản phẩm mà người tiêu dùng cần mua. Tức là phải bán đúng giá quy định và nên chăng phải niềm yết giá lên mặt hàng.

 
Điểm mạnh - Điểm yếu

 
Cả tiểu thương và Co.op mart đều nhất trí rằng, Co.op mart có lợi thế riêng của Co.op mart và tiểu thương cũng có những lợi thế riêng của mình. Như riêng chợ Nguyễn Tri Phương đã có tới hơn 800 tiểu thương buôn bán và chưa chắc đã có Co.op mart nào lại đông nhân viên như thế. Ngoài ra, tại các chợ truyền thống, mối thâm giao giữa người bán và người mua được thắt chặt hơn, hàng ngày họ vẫn hỏi han nhau về sức khỏe các thành viên trong gia đình mình… Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương cũng đưa ra những mặt mạnh của mình như, đi chợ còn được thử đồ, được mua thiếu, được tư vấn về sản phẩm trước khi dùng.
 

Đáp lại nhận định đó của tiểu thương, đại diện Co.op mart cho rằng: “Co.op mart vẫn bán thiếu khi khách ở nhà mua hàng và khi giao hàng Co.op mart mới nhận tiền. Ngoài ra, Co.op mart giờ đây cũng đưa việc tư vấn cho khách hàng nấu món ăn qua các phương tiện truyền thông của Co.op mart mà Face book là một trong số đó”.
 

Đa số các tiểu thương nhận xét, phương thức thanh toán của họ nhanh hơn nhiều so với siêu thị, chỉ cần mua và trả tiền là xong chứ không có kiểu xếp hàng chờ thanh toán như ở Co.op mart. Nói thế nhưng các tiểu thương cũng thừa nhận rằng, Co.opmart thường xuyên đưa ra những chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng, điều này ở chợ hầu như không có. Đơn cử, việc Co.op mart tính điểm cho khách hàng sau khi mua sản phẩm đã kích thích nhu cầu mua sắm của người dân…

 
Theo ông Hoàng Anh, Co.op mart được như ngày hôm nay có rất nhiều yếu tố, trong đó có việc đầu tư cho công nghệ thông tin. Cách đây khoảng 8 năm, Co.op mart đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin khoảng 1 triệu USD, hệ thống này sẽ cập nhật tất cả như: tính điểm khách hàng, thay thế sản phẩm, chỉnh giá sản phẩm… đã đem lại nhiều tiện lợi cho khách hàng.

 
Chia sẻ khách hàng để phát triển

 
Ông Hoàng Anh cũng cho rằng, những siêu thị nước ngoài ngày nay rất mạnh, họ đầu tư vài chục triệu USD, có hệ thống quản lý tiên tiến, có lịch sử hình thành hàng trăm năm nên Co.op mart và tiểu thương vẫn phải sát cánh bên nhau để phát triển. “Dù có như thế nào thì chợ truyền thống vẫn phải tồn tại, bởi chợ là một nét đẹp truyền thống, đi đến chợ là đến với nền văn hóa của đất nước và chúng ta không thể nào thay thế được chợ, có chợ tồn tại sẽ góp phần làm nền văn hóa của chúng ta thêm đậm đà bản sắc” – ông Hoàng Anh nói.

 
Mặc dù Co.op mart và tiểu thương cạnh tranh nhau nhưng mục đích chung đều là mong được phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Chị Đỗ Thúy Hòa nhận xét: “Chúng ta sẽ phát triển hàng Việt ngày càng mạnh, làm sao để người tiêu dùng luôn ủng hộ chợ truyền thống cũng như Co.op mart. Chợ truyền thống vẫn tiếp tục tồn tại bên cạnh sự lớn mạnh của Co.op mart. Mặc dù có sự chia sẻ về khách hàng nhưng đây là hai loại hình rất cần thiết để sản phẩm đến tay người tiêu dùng”.

 
Trần Quỳnh

 

Nguồn tin: BSA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:tham quan, truyền thống, trà vinh, vĩnh long, tiểu thương, đại diện, phục vụ, tiêu dùng, ý thức, hoàn thiện, hơn nữa, hoàng anh, giám đốc, khẳng định, giáo dục, nhân viên, học tập, noi theo, đông đảo, ủng hộ, hôm nay

Bình luận mới

Bạn cần đăng nhập thành viên để sử dụng chức năng này

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn