11:06 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Khảo sát

Ngành quản lý thị trường phải chịu trách nhiệm nếu không chống được hàng giả, hàng lậu

Thứ ba - 24/01/2017 05:54
Một số nơi, tình trạng buôn lậu diễn ra công khai, nghênh ngang. Năm 2017, lực lượng quản lý thị trường phải tạo ra phong trào chống hàng giả, hàng lậu trong toàn xã hội. Nếu để hàng giả, hàng lậu diễn ra mà không khắc phục được, lực lượng này phải chịu trách nhiệm.

Công khai, nghênh ngang

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2017 của lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc ngày 23-1, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, tình trạng buôn lậu, hàng giả ngày càng tinh vi hơn, nhất là buôn lậu đường, thuốc lá, phân bón, hóa chất. Một số nơi, tình trạng buôn lậu diễn ra công khai, nghênh ngang.

Do vậy, vị Bộ trưởng giao nhiệm vụ, năm 2017 ngành quản lý thị trường phải tạo ra phong trào chống hàng giả, hàng lậu.

"Trong các phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương của các Đại biểu Quốc hội, hơn một nửa số câu hỏi liên quan đến quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, bảo vệ sản xuất kinh doanh trong nước. Tại sao qua nhiều năm chúng ta vẫn chưa nắm được hết các âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả?", ông Trần Tuấn Anh đặt câu hỏi.

Dẫn “chiến thuật” trong Binh pháp Tôn Tử: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, lực lượng quản lý thị trường cũng phải “biết ta” để tự khắc phục những hạn chế. Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường phải chịu trách nhiệm nếu để hàng giả, hàng lậu diễn ra mà không khắc phục được, đồng thời, năm 2017 phải tạo ra phong trào chống hàng giả, hàng lậu trong toàn xã hội.

Vị này cũng lưu ý, trong năm 2017, "chất lượng" trong công tác quản lý thị trường phải được đặt lên hàng đầu. Chất lượng ở đây nói về chất lượng đội ngũ nhân sự của lực lượng quản lý thị trường, trong đó bao gồm hiểu biết về thông tin chính sách pháp luật, năng lực trong các lĩnh vực chuyên môn cũng như phẩm chất chính trị.

Nếu không có chuyển biến trong công tác tổ chức, tăng cường vai trò của lực lượng quản lý thị trường đấu tranh chống các hoạt động vi phạm pháp luật một cách căn cơ triệt để, thẳng thắn thì chắc chắn sẽ không hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với xã hội, với nhân dân.

Hiện nay, Pháp lệnh Quản lý thị trường đã được Quốc hội thông qua và sẽ triển khai trong thời gian tới. Vì thế, bộ máy, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường sẽ được thực hiện theo tinh thần của Pháp lệnh mới để có những ý tưởng tốt hơn, tập trung hơn. Song theo ông Trần Tuấn Anh, vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải ý thức được vai trò trách nhiệm của mình và những vấn đề đặt ra, không chỉ ở các bộ ngành mà cả các địa phương.

Tiếp tục diễn biến phức tạp

Báo cáo tại hội nghị, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 104.807 vụ vi phạm, tăng 1.061 vụ so với năm 2015; tổng số thu nộp ngân sách 548,9 tỷ đồng, tăng 89,1 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2015.

Một số lĩnh vực, mặt hàng đã được tích cực kiểm tra, kiểm soát như phân bón, đã xử lý 2.216 vụ, tăng hơn 150%; phạt hành chính 22,67 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm 2015; chuyển cơ quan điều tra 12 vụ

Trong lĩnh vực thuốc lá, lực lượng này đã xử lý 8.415 vụ, tăng 16%; phạt hành chính 30,35 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2015; tịch thu trên 1,4 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại, thu giữ 12 ô tô, 824 xe máy và 13 phương tiện các loại, chuyển cơ quan điều tra 73 vụ.

Tuy nhiên, theo ông Ngọc, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường cả nước còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ.

Công tác quản lý địa bàn, dự báo tình hình có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, nhạy bén, công tác dự báo chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa xử lý kịp thời một số vấn đề nổi cộm như vi phạm về an toàn thực phẩm. Năng lực và trình độ chuyên môn của công chức quản lý thị trường ở một số đơn vị chưa đồng đều, không ít công chức chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu; còn có công chức buông lỏng quản lý, chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ, dẫn đến sai sót trong quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Dự báo, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với thế giới sẽ là động lực phát triển kinh tế nhưng cũng là thách thức đối với sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước. Hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp.

Do đó, lực lượng quản lý thị trường đề ra nhiều giải pháp để kiểm soát hàng giả, hàng lậu như: Tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường; phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các cơ quan thanh tra chuyên ngành để tạo thành sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương...

Nguồn tin: SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 148

Máy chủ tìm kiếm : 15

Khách viếng thăm : 133


Hôm nayHôm nay : 60752

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 893209

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44260894



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach