15:53 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Hàng hoá - Thị trường

Giá nông sản tăng nhưng người nông dân vẫn khó thoát nghèo

Thứ bảy - 26/11/2011 23:16
Có thể nói, nông dân là những người lam lũ, chắt chiu nhất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Thực tế đã có nhiều nông dân đổi đời từ ruộng nương của mình, nhưng tỷ lệ đó chiếm thấp nhất so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội.

Hiện nay, mặc dù giá nông sản đang tăng, song người nông dân vẫn phải “cõng” trên lưng mình quá nhiều khoản chi phí. Đồng thời, thành ngữ “được mùa mất giá, được giá lại mất mùa” luôn đeo bám họ. Bởi các tiểu thương, tư thương luôn chờ “nước đục thả câu” ép giá người nông dân, để thu được lợi nhuận cao nhất cho mình. Vậy là cơ hội thoát nghèo của người nông dân vẫn còn xa tầm tay với…

Tư thương thao túng giá

Từ nhiều năm qua, người nông dân không thu lợi được bao nhiêu từ thửa ruộng, mảnh vườn của mình, bởi họ không thể định giá được hạt gạo, mớ rau, cân thịt làm ra. Đời sống người nông dân ngoài việc tùy thuộc vào những yếu tố mang tính  rủi ro cao như thời tiết, sâu bệnh; các yếu tố đầu vào như vật  tư nông nghiệp, lãi suất vay vốn… còn lệ thuộc vào tầng tầng lớp lớp hệ thống trung gian.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nông dân tại Khánh Hòa bán rau xanh tại ruộng rất thấp như: cải ngọt có giá 2.000đ/kg, xà lách 1.000đ/kg, hành lá 6.000kg, nấm rơm 20 - 30.000đ/kg… nhưng người tiêu dùng phải mua ở chợ với giá cao gấp 4, 5 lần so với giá bán của nông dân. Ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp phường Phước Hải (Nha Trang) cho biết: cánh đồng Phước Hải, nơi cung cấp rau xanh chủ yếu cho khu vực nội thị thành phố Nha Trang đã được quy hoạch làm đất ở. Người nông dân, không còn đất sản xuất phải thuê đất của các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung (thành phố Nha Trang). Cá biệt có hộ lên tận các xã ngoại thành của huyện Diên Khánh thuê đất trồng rau. Hàng ngày họ phải đi hơn chục cây số để chăm sóc vườn rau của mình. Cực khổ là thế, nhưng sản phẩm làm ra lại bị tư thương ép giá. Có hộ quá bức xúc, vất vả cả ngày, đêm đêm lại thức trắng để đem rau ra Trung tâm Thương mại Chợ Đầm bán cho tư thương, nhưng giá cũng chỉ tăng hơn được đôi chút so với giá tại vườn.

Cô Vòng Thị Năm, một nông dân lâm vào hoàn cảnh trên, thở dài tâm sự: trồng được rau đã khó, bán được giá lại càng khó hơn. Rau đến kỳ phải thu hoạch, không bán được chỉ có nước bỏ đi. Ngoài ra, phần lớn người nông dân đều lấy công làm lãi, không có tích lũy nhiều, vốn phải đi vay hoặc mua chịu vật tư nông nghiệp, đến khi thu hoạch phải nhanh chóng bán sản phẩm để lấy tiền trang trải nợ nần…

Thanh long, chuối, xoài, dừa,… ở miệt Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa giá cũng chỉ bằng 1/4 thậm chí còn thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Vĩnh Thái, Nha Trang) buồn rầu nói: một trái dừa ở chợ giá 10.000đ còn họ mua của mình 1 chục trái chỉ có 20.000đ. Cô Phan Thị Lệ (Ninh Phú, Ninh Hòa) cũng cùng tâm trạng chán nản: thanh long nhà mình họ chỉ mua giá 500đ-1.000đ/kg, chuối 2.000đ/kg, xoài 2-300.000đ/1 cây. Trong khi tại chợ, người tiêu dùng phải mua 10.000đ/kg chuối; thanh long 18.000đ/kg ; xoài 25.000đ/kg.

Thịt heo, thịt bò cũng vậy, giá ở các trại chăn nuôi khu vực ngoại thành Nha Trang, Diên Khánh, Ninh Hòa khi xuất chuồng đều thấp hơn từ 20 – 25% so với giá người tiêu dùng mua ở các đô thị. Cụ thể,tại các chợ ở Khánh Hòa,thịt heo ba chỉ 90.000 đồng/kg; sườn heo non 120.000 đồng/kg; thịt đùi, nạc thăn từ 100.000 đồng/kg, thịt bò 210 đồng/kg…nhưng giá thu mua tại các trại chăn nuôi lại không tăng tương ứng.Người nông dân lao đao vì tất cả các chi phí thức ăn, vật tư, điện nước, nhân công đều tăng, chỉ tính riêng tiền thuốc thú y đã tăng 100%, chưa tính lãi suất ngân hàng, khấu hao chuồng trại, rủi ro dịch bệnh,…

Ông Phạm Văn Tị (thôn Tiên Du, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa) bức xúc: Khi thịt heo ở mức giá quá thấp, đàn heo bị dịch bệnh thì không có cơ quan nào hỗ trợ người chăn nuôi bù lỗ, dẫn đến tình trạng treo chuồng, không có thịt cung cấp cho thị trường, giá heo bị đẩy lên cao. Trước tình thế này, Nhà nước lại chỉ hỗ trợ tài chính cho các công ty chế biến thực phẩm để bình ổn giá đầu ra, trong khi các nguyên liệu đầu vào thì nông dân chúng tôi không hề được “bình ổn”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông thường một nông sản đến được với người tiêu dùng phải trải qua 4 -5 khâu trung gian. Nông sản được các thương lái nhỏ thu mua tại ruộng, vườn rồi sang tay cho các chủ lớn. Các chủ này lại chở đến các vựa tiêu thụ. Các vựa này sang tay cho người bán lẻ tại các chợ, rồi mới đến người tiêu dùng. Cứ như thế qua các khâu trung gian, giá rau củ quả bị đội giá theo cấp số nhân, gấp 2, 3 lần. Với cách phân phối như hiện nay, nông dân là người thiệt thòi nhất nhưng họ không có cách nào tăng thu từ sản phẩm do mình làm ra. Khi các kênh phân phối chủ yếu dựa vào tư thương thì tư thương là người quyết định giá. Chính vì vậy, không phải “một nắng hai sương”, vất vả khuya sớm nhưng tư thương vẫn nghiễm nhiên hưởng lãi, mặc cho nông dân “khóc thầm”.

Chị Lê Thị Thuận (huyện miền núi Khánh Vĩnh) chở một xe đầy chuối đi gần 100km xuống chợ Thành (Diên Khánh). Chị khấp khởi mừng khi các thương lái ùa nhau kéo đến. Thế nhưng, sau một hồi thương thảo, cuối cùng chị đành chấp nhận bán với giá 20.000đ cho mỗi buồng chuối hơn 10 nải. “Chị nản quá, tưởng rằng mang xuống đây sẽ bán được giá hơn, ai dè … nhưng không bán thì biết làm gì với cả rẫy chuối đang đến kỳ thu hoạch!” – chị buồn rầu nói.

Anh Nguyễn Đình Tân, một chủ vườn thanh long ở Ninh Hòa, phải thanh lý liên tục hàng tấn thanh long với mức giá 1.000 đồng một kg, méo mặt: “Giá bán phải đạt 5.000 - 6.000 đồng mới mong hòa vốn, bởi chi phí sản xuất đã tăng 3 - 4 lần. Bán giá này làm sao nông dân còn lực đầu tư cho vụ tới. Giá rẻ đến mức nhiều chủ vườn vừa bán vừa cho không. Nhiều người tiêu dùng nghĩ giá rau, củ, quả ở chợ cao như thế chắc dân làm vườn như chúng tôi trúng đậm. Nhưng giá cao chỉ làm giàu cho thương lái vì người nông dân không thể vừa làm ra sản phẩm lại vừa đem bán tận tay người tiêu dùng được”.

Tại các chợ Bình Tân, Phước Hải, Xóm Mới, Chợ Đầm (Nha Trang), người tiêu dùng đang phải mua với giá 18.000đ/kg cà chua; 12.000đ/kg bắp cải; bầu, bí, mướp đều có chung giá 15.000đ/kg; nấm rơm từ 70.000-100.000đ/kg; chuối 10.000đ/kg,… Điều này cho thấy, nguyên nhân giá rau, củ, quả liên tục tăng cao gấp nhiều lần giá trị thực là do thương lái tự áp đặt nâng giá. Các tư thương đang “làm mưa, làm gió”, tự cho mình cái quyền định đoạt giá và chèn ép nông dân cũng như cả người tiêu dùng.

Để thoát cái vòng luẩn quẩn

Để hạn chế những rủi ro, thất bát trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 01/03/2011 thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 tại 20 tỉnh, thành. Ngày 21/06/2011, Bộ Tài chính đã có kế hoạch số 8133/BTC-QLBH triển khai quyết định này của Thủ tướng. Ngay sau đó ngày 29/06/2011, Bộ  Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ nhằm mang lại niềm vui cho hàng triệu nông dân khi họ được tạo thêm nguồn lực để sản xuất, khắc phục và bù đắp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Mới đây, Nhà nước cũng đã thống nhất giữ nguyên diện tích đất dành cho phát triển nông nghiệp, một mặt để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mặt khác tạo điều kiện để người dân sinh sống, làm giàu.

Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp hiện tại, chuỗi cung ứng thực phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hầu như đang tự phát, chưa được các cấp chính quyền và các ngành chức năng quan tâm nhiều. Thêm vào đó, khi các doanh nghiệp cũng không “mặn mà” lắm với thị trường tiêu thụ nông sản thì tư thương vẫn là đội quân chủ lực. Khó có thể gỡ bỏ tư thương ra khỏi vòng quay tiêu thụ. Vả lại, nếu không có tư thương, ai là người đứng ra tiêu thụ nông sản cho người dân? Câu trả lời là “không”! Với mặt bằng sản xuất và công nghệ của nông dân hiện nay: manh mún, phân tán, hàm lượng công nghệ thấp, chỉ có tư thương mới “bằng lòng” đứng ra làm “cầu nối” tiêu thụ sản phẩm cho nông dân!

Vì thế, để xóa đói giảm nghèo thực sự cho nông dân, bản thân họ cần nỗ lực chủ động trang bị kiến thức, thông tin và học hỏi thay đổi cách làm cũ. Bên cạnh đó, quan trọng hơn, Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách thông thoáng cho tiêu thụ nông sản. Nhiều vấn đề cấp thiết khác cần được đặt ra và giải quyết như: quy hoạch vùng chuyên canh; xây dựng thương hiệu cho nông sản; tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin thị trường; quảng bá, triển lãm nông sản; đưa nông sản vào siêu thị; xây dựng các kênh tiêu thụ; xây dựng chợ nông sản đầu mối; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến; tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; đầu tư công nghệ giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng, miền, tập quán thị trường…

Những vấn đề đó, cần lắm một bàn tay “nhạc trưởng” là Nhà nước đứng ra chỉ đạo phối hợp thực hiện.

Minh Thanh

Nguồn tin: Báo điện tử Công Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 378

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 375


Hôm nayHôm nay : 74356

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 640165

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43151934



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach