17:39 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

“Quy hoạch ngành là tàn dư của cơ chế bao cấp”

Thứ bảy - 26/09/2015 04:21
Các quy hoạch ngành, sản phẩm có thể coi là dạng tàn dư của cơ chế bao cấp. Song việc loại bỏ những quy hoạch này không phải dễ dàng khi gắn với lợi ích của nhiều DN lẫn nhà quản lý.

Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Dự thảo Luật Quy hoạch đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện đã đặt ra mục tiêu loại bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm. Ông bình luận gì về chủ trương này?

Quy hoạch ngành là tàn dư của cơ chế bao cấp. Thời bao cấp Nhà nước kiểm soát tất cả mọi thứ trong nền kinh tế, việc sản xuất cái gì, bao nhiêu đều phải tuân theo một kế hoạch chi tiết. Đến thời kỳ đổi mới, Nhà nước không can thiệp sâu như vậy mà để thị trường tự do. Khi đó DN, người dân được tự quyết sản xuất cái gì, bán cho ai, nhưng Nhà nước vẫn giữ một công cụ là quy hoạch. Quy hoạch là việc Nhà nước can thiệp vào thị trường, ví dụ như quy hoạch taxi, điểm bán lẻ rượu bia, quy hoạch sản xuất thuốc lá … Đây thường là các quy hoạch giới hạn trên. Các quy hoạch này có thể coi là dạng tàn dư của cơ chế bao cấp. Nếu xu hướng của Việt Nam chấp nhận theo kinh tế thị trường và mong muốn thị trường hóa nền kinh tế càng nhanh càng tốt thì nên bỏ tư duy quy hoạch này.

Nếu bỏ những quy hoạch ngành này, cơ quan Nhà nước có cách nào can thiệp vào những thị trường, nhất là với những sản phẩm như rượu, bia, thuốc lá là thứ cần hạn chế?

Phương án tốt hơn là dùng quota, Nhà nước không cần chi tiết khu vực nào có bao nhiêu điểm bán lẻ rượu, bia, thuốc lá, mà dùng tổng sản lượng các nơi sản xuất rượu, bia, thuốc lá là bao nhiêu. Thậm chí đấu giá quota đó cho minh bạch. Nếu làm như vậy, vẫn đảm bảo những thứ cần hạn chế vẫn hạn chế được, thị trường có đủ sự tự do mà Nhà nước lại có nguồn thu.

Một trong những mục tiêu khi đặt ra các quy hoạch ngành, sản phẩm là để không rơi vào tình trạng quá nhiều hay quá thiếu một mặt hàng nào đó. Mục tiêu ấy có đạt được không nếu áp dụng công cụ quy hoạch?

Định nghĩa quy hoạch ghi rõ là để phân bổ các nguồn lực, tạo sự phát triển đất nước, mà việc phân bổ nguồn lực là nội dung nghiên cứu của kinh tế học. Việc phân bổ các nguồn lực có hai cách, một là Nhà nước làm, hai là thị trường làm. Để thị trường làm, việc phân bổ nguồn lực dựa vào giá cả. Giá tăng, nguồn cung ít, DN sẽ sản xuất tăng lên, DN tự đưa ra phương án. Còn bản thân Nhà nước khi can thiệp vào thị trường rất khó có thể làm tốt việc dự đoán thị trường hơn so với những DN phải bỏ tiền tươi tóc thật ra làm. Cho nên DN dự đoán tốt hơn Nhà nước nhiều.

Nếu có quá nhiều DN kinh doanh mặt hàng nào đó thì sẽ gây ra dư thừa, khi đó lập tức có một số DN phá sản để duy trì sự ổn định. Có thể thị trường ấy sẽ có mấp mô trong một thời điểm nào đó nhưng nếu Nhà nước can thiệp vào bằng quy hoạch thì quá cứng nhắc. Nhà nước có thể dùng các công cụ khác để can thiệp để ổn định thị trường. Ví dụ như thị trường nông sản thường được mùa mất giá, Nhà nước có thể dùng công cụ là kho dự trữ, kho dự trữ thóc gạo là một dẫn chứng. Như vậy giá cả vẫn ổn định. Ngoài ra, Nhà nước có thể cung cấp thông tin nền cho DN để họ biết nên đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh như thế nào, còn nếu Nhà nước đặt ra rào cản cứng thì không nên.

 

 

Nhiều bộ như Công Thương, NN&PTNT đã lên tiếng phản ứng với việc loại bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm. Cho nên việc bãi bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm như trong dự thảo Luật Quy hoạch sẽ không dễ được chấp nhận?

Báo cáo cảm nhận Nhà nước và thị trường do VCCI vừa công bố cho thấy người Việt Nam yêu mến thị trường nhưng vẫn muốn được Nhà nước vỗ về. Việc quy hoạch này cũng có điểm tương tự. Bản thân mỗi con người được hỏi đều thích thị trường nhưng vẫn muốn Nhà nước dang tay can thiệp vào việc nọ việc kia để mang lại lợi ích nào đó. Họ không nghĩ rằng chính việc can thiệp ấy lại càng cản trở họ khi họ có ý tưởng, sáng tạo, muốn bứt phá. Đặc biệt việc duy trì quy hoạch ngành, sản phẩm có vấn đề lợi ích ở đây.

Chẳng hạn, việc lập quy hoạch taxi, DN taxi thích không? Câu trả lời là có. Bởi vì họ sẽ không bị DN khác nhảy vào cạnh tranh. DN thấy lợi ích ấy, còn Nhà nước cũng thích quyền được cho ai được gia nhập thị trường. Cho nên khi đấu tranh bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm, đó là cuộc đấu tranh cho lợi ích của những DN chưa tồn tại. Đây là điều khó. Nhưng những người đi tiên phong, mong muốn điều tốt đẹp cho đất nước phải làm theo hướng đó.

Song trong một số lĩnh vực như khai thác than, dầu khí và các loại khoáng sản khác, quy hoạch dường như vẫn có lý do để tồn tại?

Phải phân biệt rõ điều này. Than, dầu khí là tài nguyên khoáng sản có hạn, là tài sản của Nhà nước, việc khai thác phải theo quy hoạch khoáng sản. Điều đó là bắt buộc. Nhưng những thứ không phải của Nhà nước mà là của tư nhân thì phải cân nhắc bởi đó không phải là việc Nhà nước can thiệp vào. Nếu Nhà nước áp đặt ý chí của mình vào tức là đang hạn chế quyền người dân. Nhà nước chỉ được phép hạn chế quyền của người dân khi bảo vệ lợi ích công cộng, ví dụ thuốc lá, rượu bia là những mặt hàng Nhà nước cần hạn chế. Song với các mặt hàng này, như tôi đã nói ở trên, Nhà nước nên sử dụng công cụ quota hơn là quy hoạch. Nếu duy trì phương án quy hoạch này thì chỉ bảo vệ lợi ích cho những DN đang tồn tại mà không đem lại lợi ích chung.

Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ việc bãi bỏ toàn bộ quy hoạch ngành, sản phẩm. Dù Dự thảo Luật Quy hoạch đã đề cập đến vấn đề này nhưng dự thảo Luật đã đoạn tuyệt hẳn với quy hoạch ngành, can thiệp quá sâu vào nền kinh tế hay chưa thì tôi cảm thấy dự thảo Luật Quy hoạch chưa làm được.

Dù sao, dự thảo Luật Quy hoạch cũng là bước tiến khi đưa ra vấn đề minh bạch trong việc lập quy hoạch. Điều này giúp người dân và DN được quyền góp ý, biết trước khi quy hoạch ban hành.

Xin cảm ơn ông!

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Chỉ lập quy hoạch sản phẩm đối với các sản phẩm gắn với phát triển hạ tầng hoặc quản lý tài nguyên

Việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết nhằm khắc phục các bất cập của các quy hoạch hiện hành và phát huy những mặt tích cực của quy hoạch để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực.

Dự án Luật Quy hoạch là vấn đề mới, phức tạp, liên quan đến rất nhiều quy định pháp luật hiện hành, ý kiến còn khác nhau, một số vấn đề cần phân tích kỹ và làm rõ thêm. Vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và ý kiến của các Phó Thủ tướng tại các phiên họp Chính phủ, Thường trực Chính phủ, đánh giá sâu sắc về vai trò của quy hoạch trong quản lý Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự án Luật theo hướng: Luật này điều chỉnh chung đối với các loại quy hoạch, nguyên tắc quản lý quy hoạch; phạm vi, nội dung và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch; trình tự, thủ tục lập, thẩm định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch.

Trong đó, xác định rõ nội dung chủ yếu của quy hoạch tích hợp tổng thể kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia và cấp vùng; quy hoạch ngành cấp quốc gia; quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn và khu chức năng đặc thù; quy hoạch sử dụng đất gắn với định hướng phát triển sản phẩm; quy hoạch hạ tầng về giao thông, kỹ thuật, xã hội. Chỉ lập quy hoạch sản phẩm đối với các sản phẩm gắn với phát triển hạ tầng hoặc quản lý tài nguyên, còn các sản phẩm khác quản lý bằng điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp với kinh tế thị trường, trường hợp đặc thù do Chính phủ quyết định.

(Thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 17-9 về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp cho ý kiến về dự án Luật quy hoạch)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: Chất lượng quy hoạch thấp

Có nhiều quy hoạch có chất lượng thấp, thường xuyên phải điều chỉnh, không gắn với nhu cầu sử dụng và nguồn lực thực hiện, thiếu tính khả thi. Bên cạnh đó, nhiều quy hoạch được thiết lập nhưng chất lượng quy hoạch thấp, thiếu gắn kết và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu quả của quy hoạch. Đồng thời, chưa thể hiện được vị trí, vai trò là công cụ của Nhà nước để điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Những hạn chế, yếu kém trên đã làm khó khăn trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí nguồn lực đất nước và cản trở việc đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN và người dân.       

L.B (ghi)


Nguồn tin: HQ Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 201

Máy chủ tìm kiếm : 21

Khách viếng thăm : 180


Hôm nayHôm nay : 64883

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 907672

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44275357



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach