15:42 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Trang nhất » Biến đổi khí hậu » Biến đổi khí hậu

Sống sót trong hạn mặn

Thứ tư - 16/03/2016 00:45
Hạn hán đang hoành hành ở các nước Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia và Myanmar. Hạn hán gây nhiễm mặn càng tăng thêm những lo ngại về viễn cảnh nước biển dâng do biến đổi khí hậu, TGTT giới thiệu một loạt những giải pháp sống chung với mặn.


Trụ sở Tổ đồng quản lý sông Cồn Chim. Ảnh: Hoàng Lan.


Trong quá trình diễn ra biến đổi khí hậu, những người dân của cù lao Hoà Minh trên sông Cổ Chiên, tỉnh Trà Vinh vẫn đang tự tin lèo lái cuộc mưu sinh một cách nhẹ nhàng.

Sống giữa sông Cổ Chiên, nhìn thấy nước biển dâng cao theo từng năm, nhưng khoảng 4.000 gia đình ở cù lao Hoà Minh, Long Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh vẫn an nhiên, thuận thảo với hai mùa mặn ngọt.

Chỉ số hạnh phúc đo được trong những câu chuyện ở xã đảo là những cung bậc, nhưng họ không cuống cuồng vì biết phải làm gì để thích nghi.

Mưu sinh có kỷ luật

Chị Út Chanh, dân ấp Cồn Chim, nói: “Biến đổi khí hậu khắc nghiệt lắm, có chỗ mua nước ngọt tới 120.000 đồng/m3, còn ở đây làm nhiều lu, hồ chứa nước mưa đủ xài”.

Năm 2013, dân Hoà Minh, Long Hoà nhận được sự trợ giúp quốc tế của Úc, Oxfam… thông qua những lớp tập huấn về cách thích ứng với biến đổi khí hậu và tự quản lý nguồn lợi có kiểm soát. Chị Út Quời – Nguyễn Thị Bích Vân – vợ anh Nguyễn Văn Quời, phụ trách Tổ đồng quản lý  sông Cồn Chim, nói dân của bốn ấp sống dọc triền sông học nhiều thứ lắm, nhưng đại loại là người đăng mùn, giăng câu, thả lưới… không được dùng lưới, dùng thuốc để bắt sạch cá tôm, không thể mạnh ai nấy phá rừng mà biết phải làm gì đó để phục hồi nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên.

Thích ứng biến đổi khí hậu, trước hết phải bảo vệ những giá trị tự nhiên chung quanh mình, nương tựa vào tự nhiên để tạo ra giá trị mới, chị Út Quời hiểu như vậy.

Tổ đồng quản lý sông Cồn Chim gồm 100 hộ dân ở bốn ấp dọc triền sông Cồn Chim, xã Hoà Minh. Khu vực đồng quản lý gồm hơn 6ha rừng, 57ha diện tích mặt nước từ điểm đầu ở ấp Long Hưng 1 tới điểm cuối ở ấp Ông Yểm.

Từ tháng 2 – 6 là mùa sinh sản cần bảo vệ các loài thuỷ sinh, không ai được đánh bắt; từ tháng 7 – tháng giêng, dân trong tổ được khai thác theo quy định mắt lưới và công cụ. Tổ đồng quản lý tập hợp mỗi ấp một đội tuần tra ba người thay phiên nhau đi tuần, nhắc nhở các quy định.

Bây giờ, dân khai thác theo mùa, tuỳ theo phương tiện đánh bắt mà góp quỹ duy trì việc tuần tra. 6 – 7 tháng nay không còn ghe cào nơi khác vào đây, không còn cảnh xài thuốc để lạm sát tôm cá. Mùa sinh sản, tôm, cua, cá nhiều hơn.

Nương theo từng mùa mặn ngọt

Anh Hai Xê, bí thư xã Hoà Minh, nhớ lại năm 1987, một người may mắn trúng lô tô được chiếc xe đạp, vác xe chạy bộ về tới nhà cách đó 5km, dựng trước nhà, chòm xóm tới xem như thể bây giờ xem chiếc xe 3 – 4 tỷ.

Hồi đó dân nghèo lắm, ngồi đây có thể đếm được mấy cái nhà tường trên đầu ngón tay, khách tới nhà không dám mời cơm vì thóc cao gạo kém. Bão số 5, dân tại chỗ không bị gì nhiều nhưng số người đi làm thuê tứ xứ bị ảnh hưởng nặng lắm.

Tư duy ngọt hoá để trồng lúa có sức ép rất lớn khi triển khai tiểu dự án Tầm Phương Lan về phía đông huyện Châu Thành; mặn là tai hoạ cần phải ngăn chặn. Những công trình cống đập khép kín để mở đường ngọt hoá được dựng lên để trồng lúa.

“Tôi linh cảm có điều gì đó không ổn, mình sống ở đây từ nhỏ, làm du kích thuộc địa hình, biết thực tế nhưng đâu có lý lẽ giải thích như các nhà khoa học, nên cứ nhìn mọi thứ khép lại chớ đâu có phép mầu nào cho người trồng lúa?”, anh Hai Xê, đã từng bị xem là kẻ lội nước ngược, nói.

“Nhiều dự án quốc tế giúp bà con định hình cách mưu sinh, xây dựng kế hoạch từ bên dưới lên và tìm kiếm đồng thuận từ người dân. Cụm cù lao này có những khu lúa – tôm – cua, có nơi kết hợp trồng cỏ nuôi bò. Mùa ngọt trồng lúa, rau màu, mặn về thì nuôi tôm cua… đều nhờ vào cách làm này”, anh Hai Xê cho biết.

Thu nhập từ nước mặn

Năm nay mặn sớm, tôm không lớn nhưng cứ  80 con/kg, bán 80.000 đồng, loại 40 – 50 con/kg, bán 160.000 đồng/kg. Anh Út Quời nói.

“Thả 90 thiên tôm giống, cho ăn biết còn khoảng 30 thiên”, chị Út Quời cho biết. Có vẻ như vẫn còn lỗ hổng trong việc cung cấp con giống tốt để giảm hao hụt, nhưng chị Út không lo vì còn 2.000 con cua dưới ao, cầm chắc 30.000 đồng/con.

Mỗi năm, với 5 công đất trồng lúa gặt được 150 giạ (khoảng 3 tấn), tôm ăn hết 1 tấn, còn lại để cả nhà ăn vừa đủ. Nếu nuôi hai vụ tôm sẽ không thể đủ thức ăn nên chuyển qua nuôi cua. Rơm để nuôi bò.

Mới đây, thu hoạch 1,3 tấn, còn lại 8.000 con cua, tính nuôi tôm một vụ nữa nhưng nắng gắt quá là tôm dễ “ lên đường”, nuôi 1 vụ tôm nữa không chắc ăn nên tập trung nuôi cua thôi.

Nếu tính cả Long Hoà, Hoà Minh. Mỗi năm dân ở cụm cù lao này làm ra khoảng 6.000 – 7.000 tấn tôm, cua, 500 tấn nghêu, hàng ngàn tấn lúa sạch, chưa kể nguồn thuỷ sản tự nhiên khai thác theo mùa. Phó chủ tịch UBND xã Hoà Minh Trần Trung Kha nhắc: hai xã còn 5.500 con bò.

Chủ tịch UBND xã Long Hoà, anh Lê Văn Trí bắt đầu nghĩ tới việc thương mại hoá các sản vật có có nguồn gốc “sinh thái” từ cụm xã đảo này.

Hoàng Lan
Thế Giới Tiếp Thị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 280

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 277


Hôm nayHôm nay : 24024

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 565560

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43077329



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach