22:49 EDT Thứ hai, 13/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Khi nhà nước “sợ” thị trường

Thứ hai - 11/01/2016 06:31
Vẫn tiếp tục góc nhìn phản biện, nhưng lần này Nghiên cứu “Một số vấn đề cơ bản của tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020” do ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trình bày lại có một cái kết đầy lạc quan. Đó là cơ hội lớn và đa dạng đang ở trước mắt. “Tôi không lạc quan tếu. Nền kinh tế đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều điểm yếu, nhưng điều mà tôi nhìn thấy là nếu hóa giải được những thách thức này thì đó là cơ hội của nền kinh tế”, ông Cung lý giải.

Nhưng những thách thức cần phải vượt qua để có được cơ hội trong giai đoạn tới là không hề nhỏ, nhất là khi so sánh tương quan giữa điểm mạnh và điểm yếu, được chỉ ra trong nghiên cứu của CIEM. Đặc biệt là khi ông Cung và các đồng sự của mình đang cho rằng, vai trò quyết định sự thay đổi của giai đoạn tới đây là nhà nước.

“Nếu tư duy quản lý nhà nước còn “sợ” thị trường, coi nhẹ cạnh tranh công bằng; không nhận thức được cạnh tranh công bằng là cốt lõi của kinh tế thị trường, là động lực đối với doanh nghiệp và người dân thì không thể tạo nên sự thay đổi trong thị trường. Mà đây lại là cốt lõi của giai đoạn hội nhập, nguyên tắc của các cam kết hội nhập mà Việt Nam đang và tiếp tục tham gia sâu hơn”, ông Cung nói.

Đây không phải là lần đầu CIEM chỉ ra rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa thúc đẩy cạnh tranh trật tự và công bằng. Nhưng lần này, các chuyên gia nghiên cứu của CIEM đặt vấn đề một cách thẳng thắn rằng, đó là một trong những điều mà công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn vừa qua vẫn chưa chạm đến được. Và đó là thách thức lớn nhất trong giai đoạn tiếp theo. “Không có thị trường sơ cấp về đất đai, tài nguyên thiên nhiên; thị trường thứ cấp rất méo mó, sai lệch; rủi ro cao, chi phí giao dịch cao đã khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân rơi vào tình thế oái oăm. Đó là sau khi “mua và tích tụ được đất”, doanh nghiệp phải làm các thủ tục để thuê mảnh đất mà chính họ đã bỏ tiền ra mua để kinh doanh”, ông Cung phân tích.

Nếu tư duy quản lý nhà nước còn “sợ” thị trường, coi nhẹ cạnh tranh công bằng thì không thể tạo nên sự thay đổi nào đáng kể

Có thể hiểu, hoàn toàn chưa có vai trò phân bổ và điều tiết sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên. Vì vậy, quan hệ giữa người dân với cơ quan nhà nước, công chức nhà nước có liên quan tới việc phân bổ các nguồn lực này là quan hệ xin – cho, ban phát theo phương thức hành chính chứ không phải giao dịch thị trường.

“Với cách thức này, cơ hội lột xác và thay đổi của ngành nông nghiệp trong hội nhập tới đây chỉ có thể đến khi luật đất đai được thay đổi, hình thành thị trường đất đai nông nghiệp ổn định và vận hành tốt. Chỉ khi đó, thực tiễn tốt như xuất khẩu thủy sản, bò sữa TH Milk, Vinamilk, sản xuất mía ở Lào của “Bầu Đức”; cánh đồng mẫu lớn… mới trở thành phổ biến, từ đó thay đổi về chất ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Cung phân tích.

Có thể thấy tình trạng tương tự khi nhìn vào các bước gia nhập thị trường. Cũng phải nói thêm, các phiên bản Luật Doanh nghiệp đã gỡ bỏ rất nhiều rào cản gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp, đưa Việt Nam tăng dần vị trí trong Bảng Xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hàng năm. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, riêng thứ hạng về gia nhập thị trường của Việt Nam tăng rất đáng kể.

Tuy nhiên, giới kinh doanh vẫn đang hết sức bối rối với danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đi kèm đó là hàng ngàn trang giấy quy định về điều kiện kinh doanh, có nhiều điều kiện thay đổi không lường trước. Đó là chưa kể cách hiểu và thực thi các điều kiện này trên thực tế nhiều khi không thống nhất…

Chẳng hạn, đó là tình trạng phân tán quyền lực tại các cơ quan nhà nước, dẫn tới việc thiếu sự phối hợp, thiếu người chịu trách nhiệm trong hoạch định và yếu kém trong thực thi chính sách. “Khi thiết chế giám sát, kiểm tra giữa các cơ quan nhà nước cùng cấp và khác cấp chưa mạnh, cộng với tư duy ưu đãi doanh nghiệp nhà nước vẫn là chủ đạo thì dễ hiểu việc phía thị trường của Việt Nam đang rất thiếu yếu tố thị trường, trong khi phía nhà nước lại thừa yếu tố này”, ông Cung nói.

Hệ quả của sự thiếu tính thị trường ở phía thị trường là một cộng đồng doanh nghiệp không thể nhìn xa, không có động lực chơi chung luật chơi của thị trường thế giới. Ngược lại, sự thừa tính thị trường ở phía nhà nước cũng lại khiến người dân, doanh nghiệp Việt Nam bị cuốn theo dòng chảy, trào lưu của hội nhập mà không chủ động tham gia hội nhập. “Nếu không thay đổi tư duy, không chủ động thị trường hơn thì người dân, doanh nghiệp Việt Nam có thể không được hưởng lợi từ hội nhập, mà trái lại có thể bị hội nhập vùi dập khi đang chênh vênh trên… cầu khỉ”, ông Cung chia sẻ.

Có vẻ như nền kinh tế Việt Nam không thể có lựa chọn khác là phải tiếp tục thay đổi theo đúng hướng thị trường, vỗ cùng nhịp cánh của hội nhập. Lần này, vai trò chủ động và quyết định thuộc về phía nhà nước.

Anh Minh

Nguồn tin: Doanh nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 167

Máy chủ tìm kiếm : 14

Khách viếng thăm : 153


Hôm nayHôm nay : 44800

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 859959

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44227644



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach