03:23 EDT Thứ hai, 29/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Khảo sát

Nhà phân phối vẫn“chơi cha” với nhà sản xuất

Thứ năm - 06/11/2014 02:43
Tại hội nghị sơ kết chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh/thành năm 2014 diễn ra thứ sáu tuần trước (31.10 tại TP.HCM), nhiều doanh nghiệp tỏ ra ngán ngẩm khi nhắc đến câu chuyện xâm nhập thị trường, đặc biệt là việc đưa hàng vào siêu thị ở TP.HCM.
 

Nhiều đặc sản hấp dẫn khách tại buổi sơ kết.
Ảnh: Đặng Hoàng
 
Cách đây chừng ba tháng, Thế Giới Tiếp Thị từng giới thiệu một số thương hiệu gạo mới nổi trên thị trường thành phố. Nói rằng mới nổi, bởi các doanh nghiệp đã cố gắng làm ra sản phẩm trên quy trình khép kín từ canh tác, chế biến, bảo quản, đóng gói. Những

Ita-Rice, Cỏ May, Bảo vệ thực vật An Giang, Viễn Phú… bước đầu thành công ở phân khúc khách hàng có mức thu nhập từ khá trở lên. Cuối tuần rồi, chị Hoàng ở quận 7 phàn nàn giá gạo cùng loại của Ita-Rice trong Co.opmart cao hơn bên ngoài mấy chục phần trăm. Đem câu chuyện này trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Minh, tổng giám đốc Ita-Rice, ông không những thừa nhận mà còn nói “tình trạng hai giá” này đang làm đau đầu ban lãnh đạo, và công ty chưa có giải pháp tháo gỡ.
 
“Đau đầu” nhà cung cấp
 
Chuyện gạo hai giá của Ita-Rice cũng lặp lại y chang với vô số sản phẩm của doanh nghiệp khác. Nắm trong tay hệ thống phân phối, những siêu thị, như Saigon Co.op chẳng hạn, bị doanh nghiệp tố độc quyền, ép giá và trả tiền chậm khiến họ chịu thua lỗ vì sản xuất chi phí cao nhưng bán giá rẻ.
 
Ông Minh giải thích sở dĩ gạo Ita-Rice bán ở hệ thống Co.opmart cao hơn so với bên ngoài, là do siêu thị này “tự cộng thêm 20% giá bán” sau khi nhận thấy 10% hoa hồng mà doanh nghiệp chiết khấu vẫn chưa đủ trang trải chi phí. “Đây là thực tế có thật”, ông Minh nói, và doanh nghiệp hoàn toàn không mong muốn nó xảy ra, bởi việc xây dựng giá bán vào siêu thị đã được tính toán đầy đủ chi phí sản xuất để doanh nghiệp lẫn người dùng có lợi nhất.
 
Một ký được doanh nghiệp chào giá 25.000 đồng đã bao gồm chiết khấu 10%, nếu siêu thị tự động tăng thêm 20% thì người dùng phải trả thêm 5.000 đồng nữa. Và như vậy, vô tình siêu thị đẩy doanh nghiệp vào thế khó bởi họ không thể tăng giá gạo ở hệ thống cửa hàng riêng, đại lý bên ngoài bằng với siêu thị được. Tăng giá, trước mắt là thiệt cho người dùng. Doanh số bán ra không chạy thì doanh nghiệp cũng thiệt.
 
Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh, giám đốc phát triển khách hàng thương hiệu gạo Nosavina (Cỏ May, Đồng Tháp), một thương hiệu cũng mới xuất hiện ở thị trường thành phố cách nay vài tháng, nói mỗi hệ thống phân phối có chiến lược giá khác nhau, nhưng không thể chênh lệch cao như vậy được. Bà Hạnh đặt câu hỏi: “Nếu siêu thị tăng giá, ai sẽ vào siêu thị mua, mà như vậy là doanh nghiệp lại không đạt doanh số theo quy định của siêu thị. Cuối cùng thì hàng cũng sẽ bị “ao” ra”.
 
Sau hai năm triển khai (2012 – 2014), có hàng trăm doanh nghiệp ở bảy tỉnh miền Đông và 13 tỉnh miền Tây Nam bộ tham dự các cuộc kết nối cung cầu do sở Công thương TP.HCM tổ chức. Dẫn ra ví dụ về siêu thị Co.opmart để thấy, việc doanh nghiệp đưa hàng vào tiêu thụ tại thành phố, hoàn toàn không dễ dàng chút nào. Không thể phủ nhận tính hợp lý và cần thiết khi xây dựng các cuộc kết nối cung cầu, tạo ra mối thông thương hàng hoá, nhưng phải nhìn nhận thực tế “người nắm phân phối bao giờ cũng sử dụng hết quyền năng độc quyền để thu lợi cao về mình”.
 
Ai “bẻ kèo” ai?
 
Việc doanh nghiệp tố siêu thị, nhà phân phối đòi chiết khấu hoa hồng cao, thanh toán tiền chậm, thậm chí chung chi cho nhân viên mới có thể đưa hàng vào là có thật. Tại sao nhà vườn trồng hoa, trồng rau, trái cây ở các tỉnh không thể quyết định được giá bán đến người tiêu dùng? Câu trả lời là họ bị đội ngũ thương lái, tiểu thương ở các chợ đầu mối chèn ép, làm giá. Chính đội ngũ những người chỉ làm mỗi nhiệm vụ “bán sang tay” này sau khi đã “ăn” hết đầu, đuôi, lợi nhuận còn lại mới tới nhà vườn. Người dùng ở khúc cuối chịu thiệt nhiều nhất.
 
Một nông dân ở Đồng Nai kể câu chuyện ông đã tìm tòi được phương pháp nuôi độc quyền con gà thảo mộc. Cách nay hơn năm, qua chương trình kết nối cung cầu, ông tìm được doanh nghiệp ở thành phố tiêu thụ ổn định hết số gà nuôi ra hàng ngày, hàng tháng. Nhưng trong quá trình liên kết làm ăn, ông thường xuyên bị doanh nghiệp ép giá, bắt sản lượng không đều, lúc thị trường hút thì bắt nhiều, ế thì bắt ít. Chưa hết, vào các dịp lễ tết, gà nuôi ra cung cấp không đủ, doanh nghiệp còn mua gà bên ngoài giết mổ, dán mác thảo mộc để bán lừa người dùng.
 
Cần hỗ trợ sau sự kiện
 
Hội nghị sơ kết hai năm chương trình hợp tác thương mại tổ chức cuối tuần trước có khá đông doanh nghiệp tham gia. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ hy vọng qua đây có thể tìm được đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Nhưng, nếu có gì đó ấn tượng nhất trong chương trình, thì đó là sự tập hợp của quá chừng đặc sản các địa phương từ đủ mọi miền đất nước.
 
Đại biểu, tiểu thương, doanh nghiệp TP.HCM được một phen thoả thích tiếp cận với nguồn hàng phong phú này. Từ những lá tàu hũ ky danh tiếng trên sông Tắc Từ Tải của Vĩnh Long, món bò một nắng hai sương của Phú Yên, món rượu mận ủ bằng mạch nha của Ô Môn, Cần Thơ, hay những con cá khoai của An Giang, mớ cà phê robusta từ Dăk Lăk.
 
Tất thảy đều tươi nguyên, ngon lành và chân chất như chính những ông chủ, bà chủ của nó đang đứng giới thiệu hàng hoá. Nhìn những ông bà nông dân lụi cụi ôm thùng hàng vào trưng bày trong một cái bàn nhỏ xíu của gian hàng từng tỉnh/thành, lại thấy những công ty công nghệ phẩm thành danh của TP.HCM lộng lẫy với đủ mọi sắc màu, công cụ tiếp thị và cả chương trình khuyến mãi, mới thấy sự chênh lệch vẫn y như nhiều năm về trước. Tức là bao bì sản phẩm vẫn chưa đủ hấp dẫn thị trường, chuyện tiếp cận thị trường vẫn không có được cái bảng chào giá đủ chỉn chu và cũng không nắm bắt được nhu cầu thực tế mà khách hàng trông đợi. Anh Nguyễn Văn Bông, một nhà buôn đi xe đò xuyên đêm để đến tìm nguồn hàng mới, thì nhận được nhiều cái lắc đầu từ người bán: tàu hũ ky chỉ để được có mười ngày, đi xe mất hai ngày rồi sao mà bán được; cá khô này sản lượng ít lắm, chỉ đủ để thương lái quen từ Sài Gòn xuống mua thôi…
 
Lại nhớ hai ví dụ khác về chuyện đi bán hàng cho nông dân, của người láng giềng Thái Lan. Một, là họ chạy chiến dịch “mỗi làng một sản phẩm” – chính quyền cùng với địa phương, nhà phân phối chung sức “xây” cho đặc sản thành hàng hoá có giá trị thương mại thực sự, cũng mất nhiều năm trời. Hai, là ở một tỉnh Đông Bắc cũng nghèo của Thái Lan, họ xây dựng những biểu mẫu và hướng dẫn chi tiết cách tính giá thành, cách chào giá…
 
Theo Khoa Minh – Trần Nguyên (báo Thế Giới Tiếp Thị)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 454

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 452


Hôm nayHôm nay : 68965

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 698296

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43210065



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach