02:07 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Khảo sát

Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc để nhận rủi ro?

Thứ tư - 12/11/2014 21:47

Một khi có vấn đề, Trung Quốc bóp nghẹt, Việt Nam sẽ không có thời gian trở tay, sản xuất bị đình đốn.


Ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cảnh báo mối nguy nhập siêu từ Trung Quốc.

PV: - Vấn đề giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường, cụ thể là Trung Quốc đã được thống nhất từ ý chí của Quốc hội tới quyết tâm điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng qua, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 20,17 tỷ USD. Nếu đà nhập siêu này vẫn duy trì ở mức này, dự báo hết năm nay, con số nhập siêu từ Trung Quốc có thể chạm hoặc vượt mốc 27 tỷ USD, tăng gần 3,3 tỷ USD so với mức nhập siêu cả năm 2013.

Thưa ông, các số liệu trên nói lên điều gì? Theo quan điểm của ông, vướng mắc lớn nhất trong việc thoát khỏi phụ thuộc thị trường Trung Quốc là gì?

Ông Bùi Văn Dũng: - Theo nguyên tắc thị trường, cứ nơi nào rẻ, chất lượng phù hợp thì mua. Do giá cả các mặt hàng Trung Quốc tương đối rẻ nên không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước đều nhập siêu của Trung Quốc. Tuy nhiên, phải xem cơ cấu hàng nhập, hàng xuất của Việt Nam là gì để biết được trình độ sản xuất của quốc gia.

Xét sâu hơn một chút, Việt Nam nhập siêu tương đối lớn từ Trung Quốc chủ yếu là những sản phẩm Việt Nam chưa làm được, giá cả rẻ. Ví dụ điển hình là nguyên phụ liệu dệt may. Rất nhiều thị trường cung cấp các mặt hàng này như Ấn Độ, Bangladesh, Mexico... nhưng vị trí địa lý Việt Nam sát Trung Quốc, các sản phẩm của Trung Quốc rẻ hơn nên việc Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc một khối lượng lớn các nguyên phụ liệu dệt may là tất yếu trong điều kiện trình độ sản xuất của Việt Nam còn yếu.

Mười mấy năm qua Việt Nam chưa thay đổi gì về cơ cấu sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, tỷ lệ nội địa hóa thấp do đầu tư ít, nhất là với những ngành ô nhiễm như nhuộm. Bởi thế, con số nhập siêu lớn là do từ hai phía, nhưng để đến mức phụ thuộc thì đó không chỉ là vấn đề kinh tế nữa. Một khi có vấn đề, Trung Quốc bóp nghẹt, Việt Nam sẽ không có thời gian trở tay, sản xuất bị đình đốn.

Về cơ cấu hàng xuất, Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc nguyên liệu như khoáng sản thô. Đấy là vì đầu tư, sản xuất của Việt Nam trong những năm qua chưa thật trúng, thật đúng với mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế.

Hiện Chính phủ đã quan tâm hơn đến một số thị trường khác, đặc biệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có quy định phải sử dụng nguồn nguyên liệu trong khối. Vừa rồi Việt Nam đã hợp tác với Ấn Độ về việc cung cấp một số nguyên phụ liệu dệt may để giảm bớt dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đầu vào của ngành dệt may Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào Trung Quốc
Đầu vào của ngành dệt may Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào Trung Quốc

PV: Xét riêng khía cạnh công nghiệp, dù đã nếm đủ trái đắng từ công nghệ lạc hậu Trung Quốc, việc nhập khẩu thiết bị, công nghệ Trung Quốc vẫn không giảm bớt: lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam  trong 9 tháng năm 2014 đã tăng gần 200% so với cùng kỳ, chủ yếu là xe hổ vồ-nguyên nhân làm hỏng đường mà Bộ GTVT đang cố gắng xử lý xe quá tải; xi măng lò đứng bị xóa sổ, xi măng lò quay nhập về nhiều hơn và chủ yếu từ Trung Quốc, công nghệ dệt may, thép...

Đã có ý kiến lo lắng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn nhập công nghệ "rác" thứ hai từ Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang loại công nghệ lạc hậu, thoát bẫy thu nhập trung bình. Ông có nhận xét gì về sự lo lắng này không và vì sao?

Ông Bùi Văn Dũng: - Lo lắng là đúng. Vừa qua Bộ KHCN đã ban hành thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, trong đó có nâng cao yêu cầu về chất lượng đối với các thiết bị nhập khẩu, dĩ nhiên chưa thể bằng châu Âu nhưng cũng cao hơn trước rất nhiều.

Như vậy, về mặt cơ chế chính sách, pháp luật Việt Nam đã có quy định để hạn chế tiếp nhập trang thiết bị, công nghệ lạc hậu, tuy nhiên, do quản lý còn hạn chế nên việc kiểm sát chưa được chặt.

PV: - Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài trong ngành dệt may, da giày đã dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Liệu những công nghệ mà Việt Nam tiếp nhận có phải là công nghệ đi sau? Trong khi đó, có thông tin các hãng ô tô lớn từng có ý định đầu tư vào Việt Nam như Mazda (Nhật), Huyndai (Hàn Quốc) đã bỏ Việt Nam để chuyển hướng sang nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Phải chăng những thứ Việt Nam đang có chỉ là làm thuê theo kiểu gia công, còn những thứ mang lại giá trị cao như linh kiện ô tô, điện thoại Việt Nam lại chưa làm được. Điều này chứng tỏ năng lực sản xuất của Việt Nam đang ở mức nào, thưa ông? Nếu Việt Nam mở cửa hoàn toàn sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì?
 
Ông Bùi Văn Dũng: - Việt Nam cứ hô hào nội địa hóa nhưng cơ chế, chính sách đôi khi lại không trúng nên vẫn cứ mãi đi gia công cho nước ngoài. Trong chuỗi giá trị công nghiệp có công nghiệp thượng nguồn, hạ nguồn. Muốn làm được những công nghệ từ gốc đòi hỏi phải có lượng vốn lớn để đầu tư trang thiết bị hiện đại, trình độ lao động phải tương đối cao mới có thể vận hành được công nghệ, hấp dẫn được nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đầu tư nhà nước hiện nay chỉ tập trung vào hạ tầng, sản xuất của doanh nghiệp là chính. Việt Nam có đặc thù là một số doanh nghiệp được nhà nước đầu tư ban đầu, sau đó kinh doanh, đó là doanh nghiệp nhà nước.

Để sản xuất thượng nguồn không phải đơn giản, nó đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ, Nhà nước, doanh nghiệp, trong việc tạo lập môi trường đầu tư, chính sách, đặc biệt là đào tạo đội ngũ lao động để tiếp thu, vận hành công nghệ.

Hiện nay, ở nhiều khu vực kinh tế  tương đối phát triển hoặc thành phố lớn đã đưa ra quy định không tiếp nhận đầu tư một số ngành như dệt, nhuộm do gây ô nhiễm hoặc quỹ đất có hạn và muốn kêu gọi đầu tư công nghệ cao.

Để loại bỏ dần công nghệ thấp cần ngăn chặn ngày từ khâu bắt đầu tiếp nhận đầu tư, xem xét dây chuyền công nghệ thuộc loại nào cũng cần quy định cụ thể hơn để dễ kiểm tra, thực hiện khi lập dự án. Sau khi xét duyệt, cần giám sát chặt chẽ doanh nghiệp đi kiểm tra và tiếp nhận công nghệ, tránh trường hợp ký hợp đồng một kiểu, đến khi nhập lại là loại khác. Đến khi sản xuất, phải có đủ dây chuyền công nghệ để xử lý ô nhiễm... Làm quyết liệt cả một chuỗi như vậy mới hy vọng xử lý được công nghệ thấp, lạc hậu.

PV: Cũng ý kiến trên cho rằng, Việt Nam dù đặt quyết tâm vẫn khó thoát khỏi việc nhập công nghệ lạc hậu bởi lẽ: về giá bán, Trung Quốc sẵn sàng bán giá siêu rẻ; về yêu cầu kỹ thuật để vận hành, công nghệ Trung Quốc rất dễ tính, phù hợp với trình độ nhân lực thấp như Việt Nam. Nếu đồng tình với quan điểm trên, liệu có thể hiểu, việc "thoát Trung" phải dựa vào nội lực của bản thân nền kinh tế mà điều này đang thiếu ở Việt Nam?

Ông Bùi Văn Dũng: - Như tôi đã nói ở trên, Chính phủ cũng đưa ra những tiêu chuẩn về công nghệ được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Tôi được biết một số doanh nghiệp Trung Quốc muốn đưa một số công nghệ lạc hậu vào Việt Nam và bán với giá rẻ, nhưng theo quy định của Chính phủ, những công nghệ đó không đạt nên không thể đưa vào Việt Nam. Rõ ràng Việt Nam có hàng rào để hạn chế "rác công nghệ".

Tuy nhiên, trong thực tiễn có rất nhiều loại công nghệ khác nhau, xác định thế nào là công nghệ trung bình, thế nào là công nghệ tiên tiến cho từng ngành, từng lĩnh vực không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có những quy định cực kỳ cụ thể. Ngoài các doanh nghiệp nhà nước còn có doanh nghiệp tư nhân, bởi thế, cơ quan quản lý phải hết sức quyết liệt, rốt ráo, giám sát từ khâu nhập đến khâu thực hành.

Về vấn đề "thoát Trung", theo tôi, trong xu thế toàn cầu hóa, các nền kinh tế có quan hệ với nhau là tất yếu, đặc biệt sức mạnh của kinh tế Trung Quốc, với ưu thế giá cả và khối lượng lớn, hấp dẫn tất cả chứ không riêng nước nào. Việc quan hệ và quan hệ sâu với  Trung Quốc là bất khả kháng nhưng để phụ thuộc lại rất rủi ro, nguy hiểm. Bởi thế, Việt Nam chỉ có thể cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc, còn vẫn phải quan hệ sâu rộng chứ không có cách nào khác.

Để thoát khỏi thế phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, trước hết phải phát huy nội lực để thu hút vốn đầu tư, tạo ra môi trường cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, khuyến khích nâng cao sáng tạo trong cải tiến công nghệ, tăng năng suất lao động...

Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Điều này là cực kỳ khó bởi người dân Việt Nam đã quen với việc ít chịu đầu tư suy nghĩ để cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, làm ra sản phẩm chất lượng. Trung Quốc có nhu cầu lớn về nguyên vật liệu, dễ dãi về chất lượng nên Việt Nam cứ ào ào xuất sang. Nếu Trung Quốc bất ngờ xiết chặt lại thì cả hàng xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều khốn đốn. Trong khi đó, những nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... yêu cầu chất lượng cao hơn, giám sát ngặt nghèo hơn Việt Nam khó thâm nhập vào các thị trường này, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, một số mặt hàng công nghiệp liên quan đến sức khỏe con người.

PV: - Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn tin: Đất Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 100

Máy chủ tìm kiếm : 14

Khách viếng thăm : 86


Hôm nayHôm nay : 25252

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 922592

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44290277



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach