14:56 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Tìm đường bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam

Thứ sáu - 11/11/2011 18:30
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở hầu hết các địa phương. Đến nay đã có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ. Trong đó, 53 sản phẩm nông sản được xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.



 Tuy nhiên, để bảo vệ được thương hiệu cho nông sản Việt Nam, rất cần sự chung tay của Nhà nước và các bộ ngành, đó là những nhận định được đưa ra tại buổi Toạ đàm “Các nhà khoa học với việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam" do Câu lạc bộ Các nhà báo khoa học công nghệ Việt Nam vừa phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tại Hà Nội.

Nhiều thương hiệu nông sản uy tín

Ở Việt Nam hiện có rất nhiều đặc sản gắn liền với những địa danh nổi tiếng như: Mận hậu Bắc Hà, gạo tám Điện Biên, nhãn lồng Hưng Yên, mơ Chùa Hương, sầu riêng Cái Mơn… Nhiều sản phẩm cũng đã nổi tiếng ở thị trường nước ngoài và đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý như: nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận, chè Tân Cương, bưởi Đoan Hùng, vải thiều Thanh Hà…
Tuy nhiên, theo ông Tạ Quang Minh, Cục Trưởng Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng ta mới chỉ đang trong giai đoạn đầu của việc xây dựng thương hiệu nông sản nổi tiếng, mới đặt cơ sở, nền móng, điều kiện ban đầu: đó là các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ. Nhưng thương hiệu của một sản phẩm không đơn giản là nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý. Thương hiệu còn là uy tín, danh tiếng, thị trường... trong cả quá trình lâu dài".

Như vậy, chỉ dừng lại ở việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý thì chưa đủ. Sự việc xảy ra với võng xếp Duy Lợi, nước mắm Phú Quốc và gần đây là cà phê Buôn Ma Thuột là những bài học đắt giá cho các doanh nghiệpViệt Nam phải chú trọng hơn nữa việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Từ nhãn hiệu đến thương hiệu là con đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực không mệt mỏi của các địa phương, cơ sở có nông sản nổi tiếng.

Cần sự chung tay của Nhà nước

Tuy có nhiều nông sản đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhưng các sản phẩm này chưa hề có một bảo chứng nào để người tiêu dùng tin cậy. Thậm chí có một số nông sản chỉ tồn tại với tên gọi mang tính địa phương như: thanh long Bình Thuận, gạo An Giang, cà phê Buôn Mê Thuột… Điều này cho thấy, nông sản Việt Nam chưa thật sự có thương hiệu cho riêng mình.

Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam- tiến sĩ Đỗ Gia Phan- cho rằng, với hàng nông sản, nông dân thường sản xuất riêng lẻ nên việc tự đăng ký, bảo hộ là rất khó nên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là điều mà các nước có thương hiệu nông sản mạnh thường làm. Tức là, các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cần có chính sách hỗ trợ để bảo hộ cho thương hiệu nông sản Việt Nam. Chính phủ cần xúc tiến thương mại mạnh mẽ vào thị trường lớn và khó tính như Mỹ,  châu Âu… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông sản Việt có cơ hội thâm nhập. Một khi đã chiếm lĩnh thị trường khó tính, các thị trường còn lại sẽ không còn khó khăn nữa. Tuy nhiên, đây là điều hết sức khó khăn cho doanh nghiệp nếu không có sự trợ giúp của chính phủ.

Hơn thế, Bộ NN&PTNT là tổ chức cần nắm rõ nhưng yêu cầu từ thị trường, đồng thời truyền tải đầy đủ và xuyên suốt cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, để thanh long vào được Mỹ, cần tuân thủ quy trình sản xuất về khí hậu, phân bón, kiểm tra...

Ngoài ra, Bộ cũng cần đặt ra những chuẩn bảo hộ mang tính địa phương có lợi cho doanh nghiệp Việt nhưng vẫn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ xuất khẩu, khi các sản phẩm ngoại tràn vào thị trường Việt Nam, nếu thương hiệu Việt không thắng trên sân nhà, lấy đâu niềm tin để xuất ngoại?

Trên thực tế, ngay cả sản phẩm đã được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý như vải Thanh Hà cũng đang có nguy cơ bị đánh cắp thương hiệu. Ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Hải Dương chia sẻ, thời gian qua, bất cứ ở đâu, vải cũng được giới thiệu là đặc sản Thanh Hà. Điều này khiến thương lái được dịp ép giá và thương hiệu có khả năng bị mất nếu nhiều loại vải khác, kém chất lượng trà trộn mạo danh.

Do vậy, những quy định bảo hộ là rất cần thiết nhằm ngăn bớt sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại, đồng thời tạo điều kiện để các thương hiệu nông sản nội địa đứng vững.

Nguyễn Duyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 330

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 329


Hôm nayHôm nay : 74356

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 635949

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43147718



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach