06:08 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

YÊU CẦU HIỆN ĐẠI HÓA THỂ CHẾ: RÀO CẢN “SÂN SAU” VÀ BỘ BA DOANH NGHIỆP “THÂN HỮU”

Thứ tư - 01/06/2016 07:52

“Năm 2035 Việt Nam sẽ ở đâu? Các đích đến trong 20 năm tới của Việt Nam có thể khác nhau nhưng nó sẽ phụ thuộc cơ bản vào vấn đề thể chế. Và doanh nghiệp, doanh nhân sẽ đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong cải cách thể chế”.

Untitled-4 copy

Đó là nhấn mạnh của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI tại hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: Vai trò của doanh nghiệp và yêu cầu hiện đại hoá thể chế” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đồng tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Doanh nghiệp “qua lại” với thể chế

Theo TS Vũ Tiến Lộc, thể chế có mối tác động hai chiều đối với doanh nghiệp. Chúng ta có thể nhận thấy rằng, thể chế nào doanh nghiệp đó “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. “Tuy nhiên, doanh nghiệp và doanh nhân hôm nay không chỉ là kết quả của thể chế mà còn là động lực cải thiện, thay đổi thể chế” – TS Vũ Liên Lộc nhấn mạnh.

Nhưng trước tiên cần phải khẳng định thể chế là gì? Quan điểm của nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Hoàng Thế Liên về nội dung này đã nhận được sự đồng tình cao từ các chuyên gian kinh tế hàng đầu. Ông Liên cũng là người chịu trách nhiệm chính biên soạn phần “vai trò của chất lượng thể chế đối với tăng trưởng và phát triển” trong báo cáo Tổng quan Việt Nam năm 2035. Theo ông Liên, thể chế là tất cả các quy tắc chính thức (hệ thống văn bản quy phạm pháp luật), quy tắc không chính thức được ban hành và những thiết chế thực thi.

Chỉ số quản trị toàn cầu đã cho thấy có sự tương quan mật thiết giữa thứ hạng cao về chất lượng thế chế với sự hưng thịnh của quốc gia. Chưa có một quốc gia nào (ngoại trừ một vài quốc gia quá giàu tài nguyên thiên nhiên) có thể vươn lên địa vị là quốc gia có thu nhập cao mà không có những thể chế kinh tế và chính trị mạnh.

Để hướng tới một xã hội thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 đã chỉ ra, Việt Nam cần thực hiện sáu chuyển đổi quan trọng. “Trước hết là hiện đại hóa nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân. Hai là phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trọng tâm. Ba là nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa các thành phồ và các vùng phụ cận. Bốn là phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm là bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển của xã hội trung lưu. Sáu là xây dựng một nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao”.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một báo cáo triển vọng kinh tế mang tính dài hạn, định hướng tầm nhìn 20 năm. Trong đó, vai trò của DN, doanh nhân được thể hiện như những yêu cầu cốt lõi của tiến trình hiện đại hóa thể chế.

Nói tới sự tác động của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc xây dựng thể chế, bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á của Ngân hàng Thế giới (WB) đặc biệt nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Theo bà Kwakwa, doanh nghiệp tư nhân phải là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam, là chìa khóa then chốt để đạt được mục tiêu phát triển trong tương lai. Chính phủ Việt Nam cần phải có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho khu vực này. Đây cũng là một trong những đòi hỏi trong chiến lược cải cách thế chế thời gian tới – bà Kwakwa kiến nghị.

 

Hai kịch bản kinh tế 2035 của Việt Nam: Nếu tăng trưởng GDP trong 20 năm tới bình quân tối thiểu 6%/năm thì thu nhập bình quân đầu người là 18.000 USD; Nếu tăng trưởng 7%/năm thì GDP bình quân đầu người là 22.200 USD.

Đổi mới thể chế bắt đầu từ đâu?

Câu hỏi này cũng là một phần mà báo cáo Việt Nam 2035 đặt ra. TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM cho rằng, đổi mới thể chế phải bắt đầu từ những khâu yếu nhất hiện nay. Các thiết chế và thể chế hiện tại của Việt Nam đang gặp hai vấn đề lớn, đó là tạo ra rào cản cho hoạt động tự chủ của khu vực tư nhân, cùng với đó là năng lực yếu và trách nhiệm giải trình thấp của bộ máy nhà nước.

Nhiều thống kê độc lập đã chỉ ra, hiện tài sản công của Việt Nam đang có giá trị gấp 4 lần GDP (tương đương trên 800 tỷ USD). Như vậy, chỉ cần khối tài sản này tạo ra giá trị khoảng 1% lợi nhuận (tương đương 8 tỷ USD) thì GDP mỗi năm cũng tăng thêm 4% – ông Cung nhẩm tính. Từ thực tế này, ông Cung nhấn mạnh việc cải cách thể chế phải thực hiện bắt đầu tư những cán bộ công chức. Để hướng tới một Chính phủ chuyên nghiệp có thể phải mất nhiều thời gian. Nhưng để có những cán bộ công chức có tâm là việc phải làm ngay.

Đồng quan điểm này, ông Hoàng Thế Liên cho rằng, thực trạng hệ thống trách nhiệm giải trình còn yếu kém cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Việt Nam có số lượng khá đông (khoảng 1/3) người dân là thành viên của các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thế Liên, hầu hết các tổ chức này đều hoạt động như “sân sau” của các cơ quan công quyền và thường bị thao túng. Do đó, mức độ tham gia của người dân và doanh nghiệp vào các công việc của nhà nước còn hạn chế.

Một vấn đề cũng được các chuyên gia đưa ra với cách dùng từ khá mạnh khi bình luận về báo cáo Việt Nam 2035, đó là khái niệm doanh nghiệp “thân hữu”. Đây chính là những doanh nghiệp có thể thao túng chính sách, tạo lợi thế, tạo độc quyền làm méo mó thị trường. Khu vực doanh nghiệp “thân hữu” này rơi vào 3 nhóm là doanh nghiệp nhà nước, một bộ phận doanh nghiệp FDI, và một bộ phận doanh nghiệp tương đối lớn trong khu vực doanh nghiệp tư nhân. Bộ ba này đang tạo nên một lực cản rất lớn cho quá trình hiện đại hóa thể chế.

Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Sáu khuyến nghị với cộng đồng doanh nghiệp

Untitled-2 copyCải cách thể chế thành công hay không, doanh nghiệp là chủ thể hành động. Theo tôi, từ nay đến năm 2035, doanh nghiệp cần quan tâm đến sáu vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần hiểu mình đang thực sự ra biển lớn, thực sự hội nhập. Đây là quá trình không thể cưỡng lại và rất có lợi cho doanh nghiệp. Do đó, người chủ doanh nghiệp phải nâng cao trình độ đáp ứng được nhu cầu của hội nhập.

Thứ hai, doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Qua đó, doanh nghiệp phải phát triển theo chiều sâu để có thể cạnh tranh trong một số lĩnh vực thế mạnh. doanh nghiệp phải bỏ đi những thói quen “nước đến chân mới nhảy”, làm hàng nhái, hàng giả, “quan hệ” với cơ quan chính quyền để đạt được hiệu quả trong công việc.

Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam cần thực sự quan tâm đến đến thị trường xuất khẩu. Khi tham gia các hiệp định FTA thì doanh nghiệp các nước sẽ vào Việt Nam nên doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tìm ra thị trường bên ngoài, đặc biệt đối với những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như chế biến thủy sản, dệt may, điện tử…

Thứ tư, doanh nghiệp phải chủ động kết hợp với doanh nghiệp FDI, liên doanh với doanh nghiệp FDI để cộng gộp sức mạnh cạnh tranh.

Thứ năm, doanh nghiệp phải rất tiết kiệm trong mọi hoạt động từ mua ô tô đến tiêu sài hàng ngày… Việt Nam còn nghèo, đây là những khoản doanh nghiệp cần bổ sung vào ngân sách đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại lợi ích cho mình và cộng động.

Thứ sáu, doanh nghiệp Việt Nam cần nghĩ đến minh bạch, liêm chính và tính trách nhiệm nhiều hơn để phát triển.

LS Trương Thanh Đức – Chủ tịch Cty Luật Basico: Mạnh dạn đổi mới thể chế chính trị

Untitled-3 copyTrong đổi mới thể chế thì quan trọng nhất phải là đổi mới thể chế chính trị. Việc đổi mới thể chế kinh tế của Việt Nam thời gian gần đây đã và đang làm khá tốt. Trong đổi mới thể chế chính trị, điều phải làm đầu tiên là phân định rõ vai trò của các nhánh quyền lực hành pháp, lập pháp và tư pháp trong bộ máy nhà nước.

Chúng ta đã nói rất nhiều tới việc học tập những mô hình thể chế tiên tiến trên thế giới. Tất cả các quốc gia có thể chế chính trị tiên tiến đều có sự phân công rành mạch chức năng của ba cơ quan này. Tại Việt Nam, các đại biểu Quốc hội phần lớn vẫn là người của các cơ quan hành pháp và tư pháp. Do vậy, Quốc hội vẫn khó có được tiếng nói độc lập. Chúng ta có sự điều chỉnh theo hướng tăng đại biểu chuyên trách của Quốc hội từng khóa. Vậy tại sao không dám mạnh dạn thay đổi một lần trong nhiệm kỳ tới, giảm đại biểu Quốc hội không phải người của các cơ quan hành pháp và tư pháp?

 Bá Tú

Nguồn tin: DĐDN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 121

Máy chủ tìm kiếm : 22

Khách viếng thăm : 99


Hôm nayHôm nay : 31065

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 928405

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44296090



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach