08:56 EDT Thứ tư, 22/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Hàng Việt Nam tăng cường vào Trung Quốc

Thứ sáu - 11/05/2012 07:41
Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng nhiều nhưng trên các kệ hàng ở các siêu thị lớn hay ở các nhà phân phối và bán lẻ hiện đại lại hầu như vắng bóng, đang vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường thâm nhập vào thị trường này.
 

Toàn cảnh hội thảo về hiệp định ACFTA - 
Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Phi
 
Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “ACFTA sau 2 năm thực thi: cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam”, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, vào chiều ngày 10 tháng 5 năm 2012.
 
Tham tán thương mại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM Vi Tích Thần, cho biết phân khúc tiêu dùng của người Trung Quốc rất đa dạng, và nhu cầu là rất lớn, và rằng “tất cả hàng vào Trung Quốc đều có thể tiêu thụ được, nếu biết tìm hiểu và nắm bắt tâm lý tiêu dùng”.
 
Hai mặt hàng ông Thần cảm thấy tiếc rẻ vì "rất được ưa chuộng và ai từ Trung Quốc đến Việt Nam cũng khen" nhưng bị các doanh nghiệp bỏ quên là trái cây và thủy hải sản
 
“Người tiêu dùng Trung Quốc không tài nào tìm mua được trên các quầy siêu thị các loại trái cây ngon khác, cũng như các loại thủy hải sản nổi tiếng ngon của Việt Nam, ngoại trừ thanh long. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Nhật Bản, châu Âu rất nhiều, trong khi bỏ quên thị trường Trung Quốc còn lớn hơn gấp bội, mà các điều kiện về kiểm định thì rất thấp”, ông Thần cho biết.
 
Theo ông Thần, tốc độ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc tăng nhanh khi trong năm 2011 kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang nước này tăng 25,9% trong khi Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng 59%, cao hơn chiều ngược lai, vốn khoảng 26%. Và trong những tháng tháng đầu năm 2012 con số này đã tăng 50%.
 
Điều này, theo ông, chứng tỏ thị trường Trung Quốc lúc nào cũng hoan nghênh hàng Việt Nam, và chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích nhập khẩu hàng tiêu dùng và nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước.
 
Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng này. Tuần trước, 23 doanh nghiệp Việt Nam đã có chuyến tìm hiểu thị trường, tham dự hội chợ, tìm kiếm đối tác. Cũng trong chuyến đi này, một dự án xúc tiến thuê 6.000 mét vuông mặt bằng tại Thẩm Quyến dành riêng cho hàng Việt Nam đang được thực hiện.
 
Trong một diễn biến khác, Công ty cổ phần Gemadep về logistics đang đầu tư mở rộng cảng mới để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đang ngày một tăng cao từ Việt Nam đi Trung Quốc.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, phụ trách đầu tư dự án cảng Nam Hải Đình Vũ  ở Hải Phòng của Gemadept, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng liên tục trong 3 năm trở lại, từ 150.000 TEU vào năm 2009 đã tăng lên gần 200.000 TEU vào năm 2011, trong đó phần lớn hàng hóa phục vụ cho giao thương với thị trường Trung Quốc.
 
Dù đã hoạt động hết công suất, nhưng cảng đã có dấu hiệu quá tải, và vì thế công ty đang đầu từ xây dựng hệ thống cảng mới có quy mô lớn gấp 3 lần cảng cũ nhằm khai thác tốt hơn nhu cầu này.
 
Cảng Nam Hải Đình Vũ nằm ở khu vực bán đảo Đình Vũ, Hải Phòng, là dự án do luyên doanh giữa Gemadept và Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vipco. Dự án có diện tích gần 15 héc ta, chiều dài cầu tàu 450 mét, có thể tiếp nhận tàu 20.000 DWT và công suất bốc xếp đến 500.000 TEU/năm.
 
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, doanh nghiệp có nhiều năm làm ăn ở thị trường này, cho biết cơ hội để hàng Việt Nam thâm nhập vào Trung Quốc là rất lớn, vì “hàng ngoại nói chung, và hàng Việt Nam nói riêng, rất được ưa chuộng”.
 
Ông cũng nói thêm rằng, hiện nay, các hệ thống siêu thị Trung Quốc đang ngày càng mở rộng các gian hàng bán hàng nhập khẩu nhiều hơn trong khuôn viên.
 
 
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, hiện là thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định tại Diễn đàn "Diễn tiến tác động hội nhập đến hoạt động thương mại của Việt Nam", do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức cùng ngày 10 tháng 5, như sau:
 
Cần phải khai thác cho được những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, đáng lưu ý là thị trường Trung Quốc. Về ngắn hạn, trong một số năm trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng ba động thái của Trung Quốc.
 
Thứ nhất, Chính phủ Trung Quốc đang chuyển cạnh tranh từ giá thấp sang cạnh tranh về chất lượng. Có những mặt hàng mà chi phí tiền lương quá cao, người ta không sản xuất nữa mà chuyển sang nhập khẩu. Và thị trường xuất khẩu cho họ chính là Việt Nam. Chính vì vậy, năm 2010, 2011 tốc độ tăng trưởng của hàng xuất khẩu Việt Nam vào Trung Quốc rất cao, đạt 46%. Đây là cái mà chúng ta có thể khai thác trong một số năm trước mắt.
 
Thứ hai, Trung Quốc cũng đang điều chỉnh lại, không chỉ dựa vào xuất khẩu mà dựa vào tiêu dùng trong nước, tức tăng mức tiêu dùng trong nước. Nhu cầu nhập khẩu cũng tăng lên. Có những thời điểm Trung Quốc đã nhập siêu. Đây là một điểm Việt Nam có thể khai thác. Đặc biệt thị trường phía Tây Nam của Trung Quốc, chất lượng hàng hoá và có khả năng cạnh tranh thấp hơn so với miền Đông nước này. Và vận tải từ miền Đông đến miền Tây khó hơn vận tải từ Hải Phòng đi lên các tỉnh phía Tây của Trung Quốc.
 
Với sức ép của Mỹ và EU, Trung Quốc phải nâng giá đồng nhân dân tệ (NDT). Điều này tạo ra tác động theo hai hướng. Trung Quốc nâng giá NDT thì xuất khẩu Việt Nam có lợi, nhưng nâng giá NDT không đi kèm với việc giảm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Dù Trung Quốc có nâng giá NDT, thì giá hàng hoá của họ vẫn rẻ hơn những nước có công nghệ nguồn, như châu Âu. Cho nên, nhu cầu nhập khẩu hàng Trung Quốc của Việt Nam không giảm, không những thế, NDT tăng giá sẽ kéo kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng lên.
 
Khi NDT tăng giá, Trung Quốc sẽ dịch chuyển đầu tư từ miền Đông sang miền Tây – nơi lao động rẻ, và sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Do đó, không khéo thì Việt Nam sẽ tiếp nhận công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Vì vậy, việc Trung Quốc nâng giá đồng NDT vừa có hướng tích cực với nhà xuất khẩu nhưng nhập khẩu không có lợi.
 
(Ảnh: Thu Nguyệt)
 
 

Bài: Thái Tuấn Nguyệt

Nguồn tin: TBKTSG Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 172

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 170


Hôm nayHôm nay : 46617

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1212168

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44579853



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach