1 Tin Tức Dòng chảy hàng Việt

An Giang: GÓC NHÌN TỪ BẢN ĐỒ PHÂN PHỐI

Chủ nhật - 11/03/2012 14:13 1 1 1

Hội chợ HVNCLC tại An Giang đã khép lại sau khi tiếp đón lượng khách tham quan gần 250.000 lượt. Tuy có giảm so năm ngoái nhưng theo báo cáo của các doanh nghiệp tham dự hội chợ, doanh số bán hàng vẫn khá cao, như: SJC (405 triệu), Acecook (350 triệu), Kim Hằng (320 triệu), Vinatex-mart (292 triệu), Vissan (220 triệu), Vina giầy (205 triệu), Kềm Nghĩa (160 triệu), Minh Long (120 triệu)…. Một kết quả được xem là khích lệ trong thời buổi kinh tế hiện nay và là sự khởi đầu hứa hẹn tốt đẹp cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi hoạt động của chương trình HVNCLC 2012.

 

“Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt qua các kênh phân phối truyền thống” là chủ đề rất hợp lý của HVNCLC với những thị trường như An Giang.
Lòng tin hàng Việt

Cứ tưởng HVNCLC sẽ mất sức hấp dẫn ở một địa bàn có mạng lưới bán lẻ dày đặc 38.397 điểm và hệ thống siêu thị, Trung tâm phân phối đang trương nỡ như An Giang.

Ngược lại, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng với chủ đề chuỗi hội chợ năm nay: “Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt qua các kênh phân phối truyền thống”, Đưa hàng Việt về nông thôn nói chung và đưa hàng Việt vào chợ truyền thống nói riêng; Bộ Công thương đánh giá cao tính sáng tạo của BTC hội chợ khi lồng ghép chương trình đưa HVNCLC về nông thôn, gắn các chuỗi hội chợ HVNCLC với các hoạt động huấn luyên, kết nối chia sẻ kinh nghiệm kỹ năng bán hàng. Chương trình này đã, đang và sẽ tiếp tục là sự ưu tiên của Bộ Công thương trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai cuộc vận động " Người Việt Nam  ưu tiên dùng hàng Việt Nam. ".

           Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội DN.HVNCLC  tự tin khi nói về việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt qua các kênh phân phối truyền thống, một phần vì bà đã nhận ra cách vận hành của dòng chảy hàng hóa với cách thức và “ lưu tốc” khác nhau.

 Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh & Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) hiện nay ở An Giang, trung bình cứ 56 người dân thì có 1 điểm bán. Số lượng điểm bán lẻ của An Giang cao gấp đôi con số này ở Tp.Cần Thơ ( 17.869 điểm). Đó là thông tin sơ khởi từ BSA về hiện trạng bản đồ phân phối ở An Giang do các chuyên gia Trung tâm BSA thực hiện từ tháng 9-2011.

Thị trường bán lẻ của An Giang phát triển khá mạnh do nhu cầu ở một tỉnh có dân số cao nhất trong khu vực tính đến năm 2011 và một phần do đây là đầu mối giao thương mậu dịch tiểu ngạch quan trọng qua Vương quốc Campuchia.  Nói An Giang là tỉnh có qui mô thị trường bán lẻ lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long không có gì sai.

Kênh phân phối truyền thống vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối hàng hóa tại địa phương. Đó chính là mạng lưới các điểm bán lẻ phân bố dọc theo các tuyến giao thông chính, các tuyến dân cư và trong các chợ truyền thống.
 
An Giang có 11 siêu thị và cửa hàng tiện lợi, tác nhân làm thay đổi diện mạo chợ truyền thống ? Theo các chuyên gia chủ yếu tập trung ở TP.Long Xuyên và TX. Châu Đốc, các siêu thị và cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu của một  lượng người tiêu dùng địa phương chưa lớn lắm, chưa thể đáp ứng hết được nhu cầu của người dân. Số người tiêu dùng vẫn thích đi mua sắm tại các chợ, nhất là các chợ có qui mô lớn. Thói quen mua sắm: thích trả giá và không thích gửi xe khi đi mua hàng.

Từ khi siêu thị Metro cash & carry Vietnam  tại Long Xuyên xuất hiện như 1 nhà cung cấp sỉ có qui mô lớn, hoạt động kinh doanh của các NPP và một số đại lý bị ảnh hưởng đáng kể, làm xáo trộn, lũng đoạn mạng lưới phân phối của các công ty đang có. Nhiều người ở chợ truyền thống dựa vào đó để lấy hàng hóa có quy cách và người chịu trách nhiệm.

Chợ truyền thống vẫn giữ vai trò điều tiết hàng hóa để các điểm bán lẻ bên ngoài chợ. Một số lớn các điểm bán tại chợ là đầu mối cung cấp hàng hóa về các điểm bán lẻ khác theo “mô hình nước trũng” – tức hàng hóa tự chảy do phần lớn các chợ nằm ở các vị trí có giao thông thuận tiện lẫn đường thủy lẫn đường bộ.

 

Doanh nghiệp HVNCLC không chỉ đưa hàng hoá đến hội chợ mà cần thông qua đội ngũ xe đẩy bán hàng lưu động để phủ hàng của mình đến tận nhà người tiêu dùng. 
Có sự khác biệt

Trong tổng số điểm bán lẻ, các điểm kinh doanh nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chiếm một tỉ lệ áp đảo với 23.298 điểm, tương đương 2/3 tổng số điểm bán, trong đó 1/2 là các điểm tạp hóa, 1/2 là các điểm thuộc nhóm HORECA (Hotel, restaurant, café/canteen). Đối với ngành hàng FMCG , đây là nhóm ngành hàng có nhiều nhà phân phối ( NPP) nhất trong hệ thống NPP địa phương. 75% - 80% sản phẩm nhóm FMCG được cung ứng trực tiếp từ Doanh nghiệp đến các NPP trên địa bàn thành phố từ đó sản phẩm được chuyển đến các điểm bán lẻ ở chợ, ở các tuyến đường, ở khu dân cư và các đại lý bán sỉ trong phạm vi toàn tỉnh.

Có thể thấy cách tổ chức hệ thống NPP một cách bài bản và có nhân viên bán hàng hàng đến từng điểm bán lẻ của  các công ty đa quốc gia và các công ty lớn của Việt Nam (Kinh Đô, Vinamilk) khiến hàng hóa được cung ứng qua chính hệ thống phân phối do công ty tổ chức.

Công ty qui định cụ thể địa bàn cho từng NPP, hầu hết các NPP đều đáp ứng tốt yêu cầu về kho bãi và giao nhận hàng hóa; họ kiểm soát được địa bàn bán hàng không bị trùng lấp, kiểm tra được độ phủ, thị phần của từng mặt hàng và ứng phó được với từng thay đổi nhỏ của thị trường. Và thực tế, đây chính là 1 trong những kênh phân phối hàng hóa hiệu quả từ Việt Nam sang Campuchia.

Đối với các công ty chỉ mới tổ chức được cấp đại lý hoặc có nhà phân phối (NPP) nhưng không tổ chức đội ngũ bán hàng, không đủ sức phủ đến từng cửa hàng: Hàng hóa chủ yếu phân phối mạnh ở các trung tâm thị trấn thị tứ, ở các vùng còn lại, hàng hóa chủ yếu đi theo dòng tự chảy.  Việc phân phối hàng hóa về các vùng xa trung tâm phụ thuộc hoàn toàn vào các người buôn sỉ. Công ty sản xuất không kiểm soát được địa bàn phân phối, độ phủ kém, hàng cung cấp không thường xuyên dẫn đến sức cạnh tranh kém trên thị trường.

Dòng chảy hàng quần áo may sẵn cũng có 2 dòng rõ rệt: Sản phẩm có thương hiệu đi  từ doanh nghiệp đến các đại lý bán lẻ hoặc nhượng quyền. Cửa hàng, hình ảnh, trang thiết bị, trưng bày, giá cả theo quy định chung của doanh nghiệp. Phần còn lại là những sản phẩm quần áo, bình dân không rõ nguồn gốc xuất xứ. các sản phẩm nhóm này có nhiều tên nhãn mác là tên những thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, CK, Tomy, Gucci, la coste v.v…đây là các sản phẩm giả thương hiệu do các cở sở nhỏ sản xuất, giá cả bình dân và được bán cho người tiêu dùng ở các quầy sạp ở chợ. Dòng chảy của nhóm sản phẩm này hầu hết chạy thẳng từ TP Hồ Chí Minh (Chợ Tân Bình, Bình tây, An Đông) .

Cuộc khảo sát đặc biệt chú ý số lượng đông đảo các xe đẩy bán hàng lưu động. Đây là một hình thức bán hàng đặc thù, khá phổ biến ở thị trường An Giang. Đặc biệt xuất hiện nhiều ở khu vực dân cư phân bố rãi rác theo các các con sông, các tuyến kênh rạch và thủy lợi nội đồng. Ở địa bàn này, các điểm bán lẻ cố định không đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân.Xe đẩy lưu động hoạt động hiệu quả ngay cả ở những khu vực đông dân cư như dọc quốc lộ 91, các tuyến tỉnh lộ nối liền 11 huyện thị xã của tỉnh.

Họ là những người “người bán hàng” cần mẫn và chăm chỉ nhất. Các doanh nghiệp sản xuất có thể qua đó phủ hàng của mình đến từng nhà người tiêu dùng nếu biết cách khai thác và đầu tư hợp lý cho lực lượng này.

 
Làm ăn tiểu ngạch

Chính sách công nợ tốt theo uy tín làm ăn lâu năm giữa cửa hàng bán lẻ tại tỉnh và tổng đại lý TP Hồ Chí Minh giúp cho việc đặt hàng và giao hàng nhanh chóng, việc thanh toán linh hoạt nên người bán lẻ có được nhiều thuận lợi.

Cách làm ăn này giúp Châu Đốc trở thành điểm tập trung thương mại lớn, hiện có 15/92 nhà phân phối trong toàn tỉnh. Châu Đốc thu hút lượng khách du lịch hàng năm đổ về đây khá đông để tham dự các hoạt động lễ hội và là đầu mối cung cấp hàng hóa cho đường tiểu ngạch qua lại biên giới.

Tân Châu nằm tiếp giáp với Châu Đốc có tổng số 12 NPP, khu vực chợ Tân Châu là đầu mối của hàng tiều ngạch đường thủy đi qua Campuchia, còn Chợ Mới tiếp giáp với TP. Long Xuyên qua Sông Hậu nhưng do dân cư chủ yếu tập trung ven sông Tiền nên khu vực này có hoạt động phân phối riêng.

Hầu hết các điểm bán tại khu vực Châu Đốc, An Phú, Tịnh Biên và Tân Châu đều có tham gia vào hoạt động mua bán tiểu ngạch. Đặc biệt từ sau khi xây dựng Cầu Cồn Tiên, hoạt động phân phối hàng hóa từ Châu Đốc qua An Phú và lên cửa khẩu Khánh Bình để đi Campuchia hết sức thuận tiện Châu Đốc hiện đảm nhận vai trò phân phối cho các huyện: Phú Tân, Tịnh Biên, An Phú.

Cuộc khảo sát do BSA tổ chức hồi tháng 9-2011 cho thấy Tịnh Biên và Tri Tôn hiện nay hàng trôi nổi, hàng giả, không rõ nguồn gốc bán khá nhiều. Nguyên nhân là các NPP chỉ có thể phủ được hàng đến các trung tâm huyện hoặc các tuyến đường chính, còn lại hàng chính hãng không phân phối đến được do: Khoảng cách đi lại với Long Xuyên hoặc Châu Đốc xa, đường xá khó khăn do xuống cấp; Địa bàn rộng, điểm bán lẻ phân bố thưa thớt, rất tốn chi phí đi lại; đáng lưu ý các điểm bán lẻ nằm tiếp giáp với biên giới nên dễ tiếp nhận hàng nhập lậu qua biên giới.
 

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Hoàng Lan

Nguồn tin: BSA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:hội chợ, an giang, doanh nghiệp, bán hàng, nâng cao, sức cạnh, tranh của, hàng việt, qua các, kênh phân, phối truyền, thị trường, bán lẻ, khu vực, đưa hàng, chợ truyền, hàng hóa, các điểm, các tuyến, dân cư, xe đẩy, lưu động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn