04:53 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Hàng hoá - Thị trường

Chuyện kinh doanh của ông Tây xây chợ phiên giữa lòng khu biệt thự VIP

Thứ bảy - 28/01/2012 23:06
Khi mọc ngay giữa khu biệt thự hạng VIP của thủ đô, cái chợ ấy khiến không ít người tò mò. Nhìn bé nhỏ thế nhưng ít ai biết nó tiêu tốn kha khá mồ hôi của những người tâm huyết gây dựng lên...



 

Trong tiềm thức người Việt, chợ không chỉ đơn thuần là nơi buôn bán, trao đổi theo nghĩa kinh doanh thông thường. Chợ xưa là cả một miền ký ức của nhiều thế hệ bởi cái hồn, cái tinh túy của đất, của người dường như được vận hết vào “cái chợ”.
 
Ngỡ ngàng vào khu biệt thự hạng VIP đi… chợ phiên
 
Nhịp sống hiện đại khiến người ta quen với siêu thị hay trung tâm thương mại mọc nhan nhản thay thế dần những hàng quán, những gánh rong của chợ truyền thống. Có lẽ bởi thế mà việc xuất hiện một kiểu chợ phiên ngay giữa khu làng giữa lòng thủ đô bên hồ Tây khiến nhiều người tò mò và ngỡ ngàng.
 
Cái chợ ấy nhỏ thôi, lạ mà rất quen, thấp thoáng hình ảnh của cái chợ quê: họp tuần một lần, chỉ bán hàng thiết yếu, nơi mà người bán, người mua tươi cười như những người hàng xóm. Chợ “Tây” nằm trong con ngõ nhỏ của phố Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội vẫn cứ nhộn nhịp mỗi sáng thứ bảy như thế.


 
Chúng tôi đến chợ Tây vào tết Tây, thành thử không khí cũng đậm đà hương vị năm mới như người Việt đón tết cổ truyền vậy. Nếu muốn tìm gặp người sáng lập chợ, anh Patrice Gautier và chị Phạm Tuyết Mai không khó, họ chỉ quanh lối ra vào. Nhưng trò chuyện lại chẳng suôn sẻ chút nào nếu bạn đến khi chợ phiên đang họp vì họ luôn bận rộn chào hỏi, ôm hôn hay trò chuyện với những vị khách quen – những người bạn, người hàng xóm đến đây.
 
Với khoảng hơn 20 gian hàng đặt trong diện tích chỉ khoảng hơn 150m2, chợ được chia thành hai khu, một khu chuyên bán đồ thực phẩm; khu còn lại bán sách, quần áo cũ, đồ thủ công, mỹ nghệ làm bằng tay. Khách đến đây có thể mua cho mình trứng và thịt gia cầm không tồn dư kháng sinh của chính công ty ông bà chủ, mật ong từ Mèo Vạc, rau hữu cơ từ Thanh Xuân - Sóc sơn, Đà Lạt, hay phô mai, mứt, bánh mì, rượu mùi được trưng cất từ những loại quả Việt Nam, những chai rượi vang dến từ nhúng vùng nho nổi tiêng trên thết giới và nhiều đồ thủ công mỹ nghệ…


 

Trước kia, cứ 10 người đến đến đây thì đến 9 là khách nước ngoài, bởi thế mọi người mới gọi tên nôm na là “chợ Tây”: Chợ do một ông Tây sáng lập, quản lý, trực tiếp bán hàng; khách hàng chủ yếu là Tây và chợ lại nằm ở ven Hồ Tây. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, người Việt bắt đầu đến để xem, để chơi, để mua như một địa chỉ mới lạ ở mảnh đất thủ đô này.


 

Điều thú vị nhất có lẽ là văn hóa mua bán ở chợ phiên này khá giống như đi chợ quê thời trước, mua thì ít mà chơi thì nhiều, người ta đến để vui, để thư giãn và giao lưu văn hóa. Khách hàng tại đây có đủ màu da, đủ ngôn ngữ từ nhiều miền đất xa xôi trên thế giới, họ ôm hôn nhau như những người bạn.
 
Vạn sự khởi đầu nan
 
Tò mò về chuyện đặt gạch xây chợ phiên của ông Tây làm rể Việt này, chúng tôi lân la được biết câu chuyện kinh doanh chợ lại bắt nguồn từ… thất bại của công ty ông bà chủ 3 năm trước.
 
Anh Patrice kể, 12 năm trước, anh làm việc cho một tổ chức phi Chính phủ Thú Y Không Biên Giới của Pháp và được cử sang Việt Nam để hỗ trợ nông dân nghèo phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông thôn. Công việc chủ yếu là hướng dẫn và hỗ trợ nông dân nuôi trồng theo đúng quy chuẩn an toàn thú y. Lúc ấy, anh khá ngạc nhiên khi người nông dân Việt Nam rất thờ ơ với việc đảm bảo vệ sinh an toàn cho cây trồng, vật nuôi. Bởi ở Pháp, chuyện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm của chính những người sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó.
 

"Chợ chỉ mới bắt đầu không lỗ từ năm nay. Với chúng tôi, dù lợi nhuận là quan trọng để duy trì kinh doanh nhưng điều quan trọng hơn là cái hồn của chợ phiên. Bởi vậy, giữ việc công việc này ở mức độ thương mại văn hóa luôn là tâm huyết của cả nhóm"

Vào năm 2007, hai vợ chồng anh Patrice và chị Mai (họ từng là đồng nghiệp và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn) thành lập Cổ phần dịch vụ Chăn nuôi Thú y châu Á. Lên kế hoạch và xây dựng mô hình chăn nuôi theo cơ cấu vòng tròn(bắt đầu con giống từ một ngày tuổi, giết mổ đúng ngày tuổi, thực hiện và theo dõi giết mổ, bảo quản lạnh và vận chuyển lạnh theo đúng quy trình), đổ không ít vốn và công sức vào trang trại, con giống, thức ăn, thuốc thú y, thậm trí cả phòng xét nghiệm dể có thể kiểm nghiệm sau mỗi lứa hàng. Nhưng rồi, gà và trứng sạch đấy mà không bán được khi chữ SẠCH không thể cạnh tranh về giá so với sản phẩm nuôi công nghiệp khác, thế là ế hàng và cầm chắc lỗ. Việc kinh doanh đi vào bế tắc.
 
Sau đó, lối rẽ cho bài toán kinh doanh này lại được tìm ra trên chính quê hương anh Patrice: mô hình chợ phiên ở Pháp. Cửa hàng Tự nhiên Việt Nam (Naturally Vietnam) được mở ra để thúc đẩy việc mua bán các sản phẩm chăn nuôi sạch và mời gọi các công ty Việt Nam tham gia. Và chợ Tây ở Việt Nam ra đời.



Anh Alain Fiorucci (người Pháp) - một người bán hàng hóm hỉnh rất sành sỏi tiếng Việt 
đang cẩn thận gói mật ong cho khách
 

Năm đầu tiên hoạt động thực sự là giai đoạn khó khăn, thử thách sự kiên trì của cả nhóm. Lúc ấy, số mặt hàng khá hạn chế (chỉ có gà và rượu), với 5 – 6 gian hàng trong diện tích hiện tại, họ vừa phải rất cặn kẽ khi tính giá để cạnh tranh với thị trường trong nước, vừa lo hỗ trợ bà con nông dân sản xuất, đảm bảo nguồn cung. Điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận làm việc không công và đưa lỗ về phía mình. Trăn trở, cực nhọc rồi trời cũng thương, chợ phiên đã tháo gỡ bế tắc phần nào.

Chính tâm sức dành cho công việc này, rồi tiếng lành đồn xa, số lượng khách hàng đến chợ tăng lên, hàng hóa tiêu thụ nhanh hơn. Cứ thế, các gian hàng được mở thêm, sản phẩm cũng phong phú và đa dạng hơn.
 


Chợ Tây cũng thu hút khá đông khách hàng Việt Nam
 
Sẽ có thêm chợ Tây cho năm mới
 
Tính chuyện mở rộng đồng nghĩa với bài toán đảm bảo tiêu chí ban đầu của chợ trở nên khó khăn hơn: kiểm soát ra sao để sản phẩm phải sạch, an toàn.
 
Ông bà chủ cho biết, các gian hàng chỉ được mở khi các đơn vị cung cấp đã đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện nghiêm ngặt của công ty: Ngoài việc đáp ứng đủ giấy phép kinh doanh ở Việt Nam, giấy phép kiểm dịch an toàn thực phẩm trong một năm gần nhất, thì họ sẽ đến khảo sát địa chỉ cụ thể nơi sản xuất, gặp gỡ chủ nhân , kiểm tra và giám sát trực tiếp các quy trình.
 
Nói về dự định kinh doanh sắp tới trước khi chia tay chúng tôi, anh Patrice bật mí, họ sẽ chọn khu vực Tp.HCM là địa điểm thứ hai cho mô hình này ở Việt Nam.
 
Giữa trưa, chợ vãn dần, chúng tôi chia tay anh chị Patrice trong hình ảnh về những khu chợ “Tây” với những nét đặc trưng riêng ở mỗi nơi nó đến nhưng vẫn trọn vẹn cái hồn, cái tâm của những người dẫn đường như anh Patrice, chị Mai.

 

 

Kỳ Anh - Khánh Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 287

Máy chủ tìm kiếm : 23

Khách viếng thăm : 264


Hôm nayHôm nay : 44453

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 876910

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44244595



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach