18:07 EDT Thứ năm, 16/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Bất ngờ phiên chợ vùng biên

Thứ sáu - 29/06/2012 03:29
Khi 40 doanh nghiệp về Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, tham gia Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, nguồn thu chính của bà con ở đây là lúa, giá chỉ còn 4200 đ/kg.

Hiểu thị trường

 

Các doanh nhân khảo sát chợ Tân Hồng. 

Lần thứ hai trở lại Tân Hồng, các doanh nghiệp gần như hiểu được nhu cầu của vùng này. Ngành nhựa, quần áo may sẵn, hóa mỹ phẩm… đã cháy hàng. Ông Đỗ Tấn Tài, giám đốc kinh doanh khu vực miền tây công ty Hải Thanh, nói “khảo sát các chợ ở khu vực biên giới và thị trấn Sa Rài thấy chỗ nào hàng của mình được trưng bày đẹp, ở đây sức mua rất tốt”.

Chị Võ Thị Bích Hạnh mua hàng về bán ở khu vực cửa khẩu Dinh Bà, khẳng định “ Trong tiệm của tui chỉ có hàng Việt hổng có hàng Thái”. Nhưng theo chị hàng Việt còn dở ở chỗ muốn bán cho dân Campuchia mà nhiều loại in không nổi “phụ đề” tiếng Khmer trên bao bì.

Những người bán hàng ở biên giới phải phiên dịch cho người bên kia biên giới biết, nhưng không phải loại nào cũng dịch được, “Tụi tui ở đây học ít lắm” , một tiểu thương ở khu vực Dinh Bà nói.

Ông Văn Tràng, phụ trách phát triển thị trường Bột Vĩnh Thuận nhìn thấy hàng của mình ở chợ biên giới, giải thích: “Khi vô chiến dịch truyền thông thì mới in tờ rơi phát cho tiểu thương vì Bột Vĩnh Thuận giao hàng qua chợ đầu mối rồi từ đó hàng chảy về các tỉnh, ra biên giới nên chưa làm bao bì riêng có phụ đề Khmer ngữ…”

Nói gì thì những ngành hàng tiêu dùng cũng không thể sánh với cách làm của những công ty kinh doanh nông dược. Ông Võ Minh Tâm, phụ trách bán hàng nông thôn của Thuốc sát trùng Cần Thơ (CPC) nói, “tất cả sổ tay hướng dẫn sử dụng nông dược về vùng này đều có cả chữ Việt và Khmer”. Ông đưa ra “bằng chứng” là quyển cẩm nang có phụ đề Khmer ngữ , nói “ Đưa hàng về khu vực này, việc chuẩn bị còn “gắt” hơn những vùng khác nhiều”.

Điều bất ngờ

 

Ngoài phiên chợ, hàng " đổ đống" không còn hấp dẫn 

Tân Hồng từng đưa đặc sản khô trâu lên siêu thị SgttMart, nhưng món khô cá lóc đồng Tư Đởm, đặc sản đem tới đâu ai cũng “mết” lại chưa lên được.

Chị Tống Thị Tuyết, nguyên cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng, từng giới thiệu đặc sản Tân Hồng với SgttMart nói: "Còn một chỗ làm phi lê cá tra ngon tuyệt, khô lóc không tanh, không hôi cỏ, đặc biệt là ruồi không bu... Nhưng khó ở chỗ người làm ra món ngon này chỉ có một mình, năng lực cung cấp giới hạn nên ai biết thì đặt, không thì thôi”.

“100 triệu đồng, chị truyền nghề đi”, chị Tuyết đề nghị, nhưng chị Tư Đởm từ chối, chị chấp nhận “sống để vậy chết mang theo”. Chị Tuyết, nói “Lúc tui làm quản lý chợ, ở sát bên nhà chị, để ý ba ngày ba đêm mà không học nghề được. Chỉ biết chị ướp gừng già, tỏi…”

Chị Tư Đởm có một cuộc sống gia đình không êm ái, từng là chủ tiệm vàng bên Phnom Penh, bây giờ thuê nhà trọ sống một mình ở Sa Rài. Ai đặt hàng thì đầu hôm ngủ tới 12 giờ khuya, thức làm xẻ khô một lèo tới sáng xong 200 ký cá lóc. Nắng lên đem phơi, khô còn dẻo dẻo là khách đã hối thúc giao hàng. Mỗi tháng , người ta đặt 300-500 ký khô, hàng của chị Tư theo Việt kiều đi mấy nước rồi.

 

Phiên chợ Hàng Việt về Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp diễn ra từ 23 - 25.6 thu hút được 13.260 lượt người tham quan, mua sắm. Dịp này, các doanh nghiệp tham dự đã tặng quà cho 30 hộ nghèo và 30 học sinh nghèo hiếu học. 40 tiểu thương tham gia hoạt động huấn luyện kỹ năng bán lẻ và 80 nông dân tham gia tọa đàm tư vấn kỹ thuật nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan, 70 tuổi, chủ cơ sở dệt chiếu Hồng Loan, có 5 lao động chủ yếu là người già, cho biết: Lớp lành nghề thuộc chương trình giải quyết việc làm cho phụ nữ nghèo nông thôn hồi 2003 đã bỏ nghề vì thu nhập thấp so nghề khác. Chị Loan là người duy nhất trong 50 người được dạy nghề này, gầy dựng cơ sở Hồng Loan, mỗi năm làm vài trăm đôi chiếu, đầu ra là chợ xã, chợ huyện, ai thấy đẹp đặt hàng thì làm kiếm đồng vô đồng ra.

Võng thắt bính ở An Phước cũng thuộc hàng “ai đặt thì làm”. Một lao động thắt cả ngày được một chiếc ( 2kg chỉ), mua một cái võng xài 10 năm mới rách. Có người khuyên làm vừa vừa thôi, làm tốt quá biết chừng nào người ta mới mua nữa. Nhưng người lao động không đồng ý vì uy tín cơ sở. Vậy mà trước khi chị Tuyết tổ chức gia công 80.000 đồng/cái võng đã có người chỉ trả tiền công thắt 15.000 đồng/ võng, người ở quê đã mừng rơn vì thoát được cảnh thiếu việc làm.

Trở lại Tân Hồng sau hai năm, việc làm ra tiền khó hơn, nhưng các doanh nghiệp bất ngờ khi doanh số bán hàng tại chợ phiên trên 1,182 tỉ đồng trong ba ngày hai đêm.

Bài và ảnh: Hoàng Lan

Nguồn tin: SGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 156


Hôm nayHôm nay : 42465

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 988198

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44355883



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach