17:18 EDT Thứ năm, 16/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Doanh nghiệp vượt khủng hoảng

Chủ nhật - 01/07/2012 21:05
6 tháng đầu năm, sức mua tại nhiều hệ thống siêu thị lớn đã sụt giảm từ 7% - 10% so cùng kỳ năm 2011. Theo đó, thị trường đã có sự phân hóa khá mạnh giữa các doanh nghiệp (DN).

Trong bối cảnh đó, chỉ những DN thông minh, luôn biết làm mới mình bằng những sản phẩm khác biệt mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.

 

Tạo sự khác biệt

Sau 2 năm mày mò, nghiên cứu, vào giữa tháng 6 vừa qua, Công ty Liên Thành đã đưa ra thị trường loại nước mắm chay, được làm từ trái thơm. Với thành phần chính là nước cốt trái thơm và muối, nước mắm chay Liên Thành được sản xuất theo quy trình lên men tự nhiên và kiểm soát theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP, được đánh giá là bước đột phá trong công nghệ gia vị.

Liên Thành cũng là thương hiệu nước mắm duy nhất kiên trì theo đuổi đưa ra dòng sản phẩm nước mắm sắt dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng Hà Nội phát động, dưới sự tài trợ của Tổ chức Dinh dưỡng toàn cầu. Ngoài ra, Liên Thành đã hướng dẫn người tiêu dùng biết thế nào là nước mắm nhĩ nguyên chất, nước mắm xá và nước mắm pha… thông qua hàng loạt sản phẩm rất đặc trưng của mình.

Bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Liên Thành chia sẻ, kinh tế khó khăn buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Trong bối cảnh đó, nếu DN không nỗ lực để đưa ra thị trường những sản phẩm mới, sẽ không phát triển được. Chính từ quan điểm này, trong giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, ban lãnh đạo của Liên Thành đã tập trung mọi nguồn lực, kể cả việc đem nhà của mình ra thế chấp để có vốn đầu tư, thay đổi diện mạo, hình ảnh, tận dụng mọi kênh phân phối để tăng độ phủ và nhận diện của sản phẩm.

Trong 2 năm 2009 và 2010, Liên Thành đã đột phá về doanh thu tăng tới 80% so với bình quân của giai đoạn 2000 - 2008 chỉ ở mức 10%. Tuy nhiên, bước sang năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu của Liên Thành chỉ tăng 10% so với trước đó. Lý giải về mức tăng “thụt lùi” này, bà Hoàng Mai cho biết tiềm năng thị trường còn rất lớn nhưng công ty đã vận hành hết công suất, phải chờ đến khi xưởng nguyên liệu được đầu tư mới ở Phan Thiết đi vào khai thác, Liên Thành mới có thể tăng năng suất.

Với Công ty Vissan, thế mạnh là thịt heo tươi sống và những sản phẩm chế biến từ thịt heo, nhưng để đa dạng sản phẩm nhằm mang đến sự khác biệt cho người tiêu dùng, Vissan đã hợp tác với Tập đoàn Unitek Enterprise sản xuất các sản phẩm từ thịt gà như chả giò gà, xíu mại gà, gà viên, bánh thịt gà. Vissan khá thành công khi đưa ra thị trường loại gà thảo mộc nguyên con, đa dạng hóa sản phẩm.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết cùng với việc tăng cường đầu tư các dây chuyền thiết bị để giảm chi phí, đồng thời sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và túi tiền của người dân từng vùng, miền, từ 5 năm trước, Vissan đã bắt tay vào tái cấu trúc bộ máy gọn nhẹ theo nguyên tắc hoạt động đúng chức năng từng bộ phận. Tiến hành tái cấu trúc hệ thống phân phối, tái cấu trúc kinh doanh.

Đặc biệt Vissan đã và đang thực hiện quy trình liên kết khép kín trong sản xuất để bảo đảm hiệu quả và chất lượng sản phẩm tạo nên sức mạnh tổng hợp như hiện nay. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm dù thịt heo bị quá nhiều tai tiếng, cộng với tổng cầu sụt giảm nhưng doanh thu của Vissan vẫn đạt 2.310 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ.

 

1

Sản xuất thực phẩm tại Công ty Vissan. Ảnh: Cao Thăng

 

Tận dụng mọi kênh phân phối

Nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm đã khó, tìm được thị trường tiêu thụ lại càng khó hơn. Vấn đề ở chỗ, DN cần hiểu được người tiêu dùng phản ứng như thế nào để có chiến lược sản xuất, marketing phù hợp. Để làm được điều này, DN phải đưa sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng. Ngoài mạng lưới phủ khắp từ Bắc chí Nam, Công ty Vissan còn là một DN hiếm hoi có trong tay gần 90 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của riêng mình. Vissan đã bền bỉ trong việc đưa hàng Việt để chinh phục thị trường nông thôn, các chợ truyền thống.

Theo ông Văn Đức Mười, trong kinh tế thị trường, sản xuất và phân phối phải được xem là hai lĩnh vực, hai mặt trận cần được đầu tư, phát triển song song mới có thể phát triển bền vững.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty Điện Quang, cũng cho rằng một sản phẩm mới có chất lượng, giá rẻ sẽ không thành công nếu người tiêu dùng tìm mua không được. Hiểu điều này nên Điện Quang đã nhanh chóng đưa sản phẩm đến hàng chục ngàn cửa hàng điện gia dụng trên cả nước. Công ty cũng tổ chức phân phối trực tiếp sản phẩm cho nông dân với giá cấp 1 (giá đại lý) thông qua các tổ chức, Hội Nông dân. Để người tiêu dùng làm quen, công ty đã tổ chức nhiều buổi giới thiệu ở các địa phương về những tính năng cũng như lợi ích của sản phẩm.

Không chỉ vậy, Điện Quang đã không ngần ngại tặng bóng đèn để nông dân dùng thử. Với cách làm trên DN đã thành công trên con đường chinh phục người tiêu dùng.

 

 

 

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, nhìn nhận: Trong bối cảnh cạnh tranh, DN không thể đòi hỏi người tiêu dùng sử dụng hàng trong nước vô điều kiện, bản thân các DN phải cam kết đưa ra thị trường sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh với nhiều dịch vụ, khuyến mãi hấp dẫn. Đẩy mạnh doanh số bán hàng, không ngừng nghiên cứu và đầu tư, tạo nhiều sự lựa chọn cho khách hàng sẽ giúp DN vượt qua khủng hoảng và phát triển bền vững.

 

Thúy Hải

Nguồn tin: SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 139

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 137


Hôm nayHôm nay : 42465

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 987208

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44354893



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach