09:27 EDT Thứ hai, 13/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Khảo sát

Nhìn lại 5 năm gia nhập WTO

Thứ hai - 09/01/2012 06:33
Là thành viên WTO, Việt Nam tham gia đầy đủ các định chế kinh tế toàn cầu và hẳn nhiên sẽ chịu tác động trực tiếp, tức thì từ mọi biến động của kinh tế thế giới.



Việc tham gia đầy đủ các định chế kinh tế toàn cầu, một mặt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy hoạt động kinh tế, song mặt khác, nền kinh tế sẽ phải thường xuyên chịu áp lực từ chu chuyển hàng hóa, tín dụng, vốn đầu tư quốc tế gắn với tình trạng bất ổn về giá cả hàng hóa, dịch vụ, khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới.

Năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO, tình hình kinh tế quốc tế và trong nước tương đối ổn định, do vậy, các chỉ số kinh tế của Việt Nam khá tích cực: GDP tăng 8,46%, CPI tăng 8,3%. Năm 2008, đã diễn ra hai trạng thái trái ngược khi trong 3 quý đầu năm, tình trạng lạm phát cao, nhưng những tháng cuối năm lại giảm phát do suy thoái kinh tế thế giới. 

Năm 2009 và 2010, bất ổn kinh tế toàn cầu tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế (năm 2009, GDP tăng 5,32%, CPI tăng 6,88%, trong khi năm 2010, con số tương ứng là 5,83% và 9,54%. Năm 2011, GDP tăng 5,89%, CPI tăng trên 18%).

Phải chăng vì hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, nên kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu? Hay vì nước ta chưa có được những dự báo tin cậy về sự biến động trên thị trường hàng hóa và tiền tệ thế giới, không chủ động đề ra cơ chế phòng tránh, đối phó rủi ro, chưa tận dụng hết cơ hội khi đã là thành viên WTO? Câu trả lời nằm ở vế thứ hai.

Một khi đã chấp nhận luật chơi toàn cầu thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để mỗi quốc gia vừa phát huy được lợi thế so sánh động, vừa chủ động đối phó rủi ro để bảo vệ lợi ích dân tộc trong một thế giới vừa hợp tác, vừa cạnh tranh.

Yếu tố quyết định trong cuộc chơi toàn cầu là năng lực cạnh tranh ở ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Những thành quả nổi bật của thương mại quốc tế trước hết là chất lượng, kiểu dáng, giá cả hàng hóa Việt Nam đã có sức cạnh tranh trên các thị trường chính là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Việc thu hút hàng năm trên 10 tỷ USD vốn FDI thực hiện chủ yếu nhờ môi trường đầu tư tại Việt Nam được cải thiện, hấp dẫn hơn với những nhà đầu tư lớn đầy tiềm năng.

Tuy vậy, tiến bộ là chưa đủ khi thị trường thế giới đang trong giai đoạn biến động khó lường, khi các quốc gia và doanh nghiệp hàng đầu thế giới thường xuyên thay đổi theo xu thế tiếp cận mô hình tối ưu, khi một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ tận dụng cơ hội từ suy thoái kinh tế của các nước công nghiệp phát triển để vươn lên thành những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, qua 5 năm là thành viên WTO, việc cải cách thể chế của Việt Nam theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư vẫn chưa khắc phục được nhược điểm thiếu tính hệ thống, thiếu minh bạch và thiếu ổn định. Năng lực cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và của quốc gia chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế là trở ngại lớn trong việc tiếp nhận các dự án FDI công nghệ cao, hiện tượng thiếu chuyên gia giỏi, nhà quản lý có năng lực đã trở thành phổ biến...

Là nước công nghiệp hóa sau, Việt Nam vừa phải khắc phục nhược điểm của tập quán kinh doanh, quản lý theo cơ chế cũ, vừa phải tiến cùng thời đại, nên nhiệm vụ trở nên nặng nề, phức tạp hơn, đòi hỏi phải đổi mới toàn diện thể chế kinh tế thị trường, cấu trúc bộ máy và cơ chế quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, thiết lập mối liên hệ có hiệu quả giữa Nhà nước với thị trường, khai thác và sử dụng tốt hơn mọi nguồn lực.

Dưới đây là một số dẫn chứng về năng lực cạnh tranh cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố từ hai công trình nghiên cứu.

Về môi trường kinh doanh của Việt Nam, báo cáo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tháng 12/2011 cho thấy, trong số 240 doanh nghiệp tham gia điều tra (80% doanh nghiệp trong nước, 20% doanh nghiệp FDI) có 35% doanh nghiệp đánh giá sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 61% về cải thiện thủ tục hành chính; 17,09% về tiếp cận đất đai; 20,94% về thủ tục thuế.

Tuy vậy, theo thang điểm 4 là tốt nhất, môi trường kinh doanh năm 2011 của Việt nam đạt mức trung bình 2,01 điểm, thấp hơn 2,52 điểm năm 2010. Trong 14 lĩnh vực cụ thể về môi trường kinh doanh, không có lĩnh vực nào đạt được điểm 3. Tiếp cận thông tin, luật pháp nhà nước đạt 2,7 điểm, hệ thống thuế và quản lý thuế đạt 2,41 điểm, chi phí kinh doanh đạt 2,42 điểm, xây dựng đạt 2,23 điểm (giảm so với 2,55 điểm năm 2010 và 2,64 điểm năm 2009). Quản lý kinh tế vĩ mô bao gồm chống lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá được xếp vào ba nhóm mà doanh nghiệp lo ngại nhất trong năm 2011.

Doanh nghiệp FDI đánh giá hai lĩnh vực xếp loại kém là quản lý kinh tế vĩ mô (đạt 1,9 điểm và tiếp cận ngoại tệ đạt 1,93 điểm). Cũng như những năm trước, doanh nghiệp FDI đánh giá môi trường kinh doanh bi quan hơn doanh nghiệp trong nước. Điều đó cũng dễ hiểu vì họ thường so sánh với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan...

Về năng lực cạnh tranh  cấp tỉnh, thành phố (PCI), năm 2010, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan Phát triển quốc gia Hoa Kỳ (USAID) đã điều tra 7.300 doanh nghiệp đối với 9 chỉ số PCI.  
Một kết luận đáng quan tâm là chất lượng điều hành kinh tế của cấp tỉnh dường như ít được cải thiện khi chỉ có 3 địa phương là Đà Nẵng (69,77 điểm), Lào Cai (67,95 điểm) và Đồng Tháp (67,22 điểm) được xếp hạng rất tốt, giảm 3 địa phương so với 2009. Có 9 địa phương được xếp hạng tốt (2009 là 10), 5 tương đối thấp (2009 là 4).

Mặc dù tư liệu điều tra chọn mẫu chỉ có giá trị tham khảo, nhưng cũng phản ánh khá rõ nét năng lực cạnh tranh quốc gia và địa phương của nước ta. Thực trạng đó đang đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp hữu hiệu để cải thiện trong những năm sắp tới.

Năng lực cạnh tranh hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam tuy đã được nâng cao, nhưng về trung và dài hạn đang đòi hỏi hình thành chiến lược sản phẩm của từng loại hàng hóa thích ứng với thị trường, công nghệ để mỗi năm tăng thêm số thương hiệu Việt Nam có tín nhiệm trên thế giới. Muốn làm được điều đó, trước hết cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu & phát triển để tạo được những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chiếm được thị phần ngày càng tăng hoặc tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

ra, cần coi trọng hơn công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp, đất nước, con người Việt Nam ở nước ngoài nhất là ở Mỹ, EU và Nhật Bản. Các hiệp hội ngành nghề cần đảm nhận và được Nhà nước tạo điều kiện về chính sách, cơ chế, quyền hạn trong việc tổ chức hợp tác, phân công doanh nghiệp từng ngành hàng để tránh và chấm dứt tình trạng cạnh tranh nội bộ trong mua, bán hàng, đồng thời phối hợp hành động trên từng thị trường với từng đối tác. 

Việc giao nhiệm vụ cho đại diện ngoại giao ở nước ngoài chỉ đạo phối hợp hoạt động ngoại giao - kinh tế sẽ tăng hợp lực giữa các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam ở từng quốc gia.

Việc tiếp tục thực hiện lộ trình mở cửa thị trường theo cam kết WTO cần được đặt trong bối cảnh Việt Nam cùng các nước ASEAN đẩy nhanh việc hợp tác trong khung khổ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), tiến tới thị trường thống nhất của 10 quốc gia theo hướng Cộng đồng Kinh tế ASEAN,  Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản…, cũng như các hiệp định song phương giữa Việt Nam với một số nước theo hướng tự do hoá thương mại.

Giai đoạn 2011- 2015, các quan hệ đa phương và song phương giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế và các quốc gia đan xen nhau, đa dạng, phức tạp hơn, đòi hỏi phải thống nhất nhận thức, hành động trên cơ sở tư duy phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để đưa đất nước tiến cùng thời đại, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trong ASEAN, ở châu Á cũng như trên thế giới.

Do đó, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Chương trình Hành động của Chính phủ ngày 27/2/2007, cần xây dựng Chương trình Hành động của Chính phủ về Hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2012- 2015 để hướng dẫn các ngành, các cấp thống nhất hành động, nhằm chủ động trong việc tham gia các FTA song phương và đa phương, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế.

Theo GS -TSKH Nguyễn Mại

Nguồn tin: Báo Đầu tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 129

Máy chủ tìm kiếm : 9

Khách viếng thăm : 120


Hôm nayHôm nay : 38092

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 825749

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44193434



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach