04:33 EDT Thứ hai, 29/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Những thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trước hiệp định thương mại Asean 2015

Thứ tư - 21/09/2011 03:36
Liên quan đến hiệp định thương mại Asean 2015 và vấn đề Việt Nam đang nỗ lực để hội nhập kinh tế quốc tế, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan để làm sáng tỏ thêm bức tranh về các FTA (khu vực thương mại tự do) hiện nay mà Việt Nam đang tham gia cũng như các thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới.
 

PV: Xin bà có thể mô tả khát quát về bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thông qua các FTA  mà Việt Nam đang tham gia?

Bà Phạm Chi Lan: Hiện nay Việt Nam có tham gia 6 cam kết FTA với các tổ chức khác nhau, trong đó chủ yếu thông qua cơ chế giữa FTA Asean với một nước khác. (Việt Nam đóng vai trò là thành viên của Asean). Trong đó có: Hiệp định thương mại tự do Asean với Trung Quốc (ACFTA); Hiệp định thương mại tự do Asean – Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Asean – Nhật Bản (AJCEP); Hiệp định khu vực thương mại tự do Asean – Úc – Niu Di-lân (AANZFTA); Hiệp định thương mại hàng hóa Asean - Ấn Độ (AITIG) và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA).

Có thể nói, WTO là một khuôn khổ lớn đã được nhắc đến nhiều, nhưng FTA còn cao hơn WTO ở chỗ mức thuế cam kết giảm xuống rất nhiều, mức độ mở cửa thị trường cũng cao hơn nhiều. Thông thường, khi đề cập đến FTA, ngoài chuyện về thương mại hàng hóa, còn có thể đề cập đến các vấn đề khác như thương mại dịch vụ, đầu tư và các hình thức hợp tác kinh tế khác với nhau… Việt Nam đã có những bước phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế: đầu tiên là gia nhập Hiệp hội các nước  Asean, sau đó là AFTA – hiệp định mậu dịch tự do của Asean, bây giờ gọi là ATIGA, trong đó bao gồm cả thương mại và đầu tư. Đến năm 2015 là hình thành toàn bộ cộng đồng kinh tế Asean. Trong cộng đồng này mức giảm thuế rất sâu, về cơ bản là từ 0 -5% nhưng hầu hết là 0%. Những cam kết giảm thuế bắt đầu từ năm 2006 nhưng đến năm 2010 là thời điểm đẩy mạnh tiến trình giảm thuế xuống đến 0 để đến năm 2015 thì các mức thuế về cơ bản là 0%.
 
Hiện nay, vấn đề buôn lậu còn nhiều vì còn áp thuế, nhưng đến lúc không có thuế nữa thì không còn buôn lậu mà hàng hóa cứ việc đi vào. Trong khi thuế hạ như vậy thì lẽ ra phải chuẩn bị những công cụ khác ví dụ những yêu cầu về kiểm soát chất lượng, yêu cầu về kỹ thuật tối thiểu, kê khai nguồn gốc nhưng chúng ta gần như không có, nên không có cơ sở để trừng phạt hoặc thu hồi hàng hóa kém chất lượng. Ngược lại, các nước có quan hệ thương mại với chúng ta lại xây dựng được hàng rào phi thuế quan rất tốt như Trung Quốc chẳng hạn. Ví dụ đối với chuyện vải Lục Ngạn xuất sang Trung Quốc, tuy nước này rất thích vải nhưng khi nhập vải từ Việt Nam thì đều yêu cầu ghi rõ địa chỉ của người sản xuất ở vùng nào, vườn nào thật cụ thể. Việt Nam vẫn chưa có công cụ tương ứng như vậy đối với hàng Trung Quốc.

Điều đáng lo ngại nữa là khi 90% dòng thuế không còn nữa nhưng đồng thời chúng ta vẫn chưa làm được bất cứ điều gì để tạo nên những hàng rào phi thuế cần thiết, trước hết là để bảo vệ cho người tiêu dùng khỏi ăn phải những thứ độc hại. Không giống các nước khác như Mỹ, EU hay Nhật Bản đã có sẵn những hàng rào tiêu chuẩn rất rõ ràng và dễ dàng phạt thậm chí rất nặng nếu hàng hóa nhập vào nước họ không đáp ứng đúng yêu cầu. Trong khi Việt Nam không có công cụ thì sẽ rất khó cản được họ, thậm chí đến việc muốn lên án, lên tiếng cũng còn khó.

Dường như nhìn lại trong 6 cái FTA này thì chưa thấy mình tận dụng đươc cơ hội bao nhiêu vì cái đà tăng trưởng xuất khẩu của mình cơ bản vẫn là sang Hoa Kỳ, sang EU, sang Nhật Bản hơn là sang các nước có hiệp định FTA với Asean nhưng lại nhập khẩu dữ dội nhất từ các nước này.

PV: Việc ký kết thì cũng đã thực hiện rồi, vậy theo bà liệu có những biện pháp nào để khắc phục không? Chúng ta cần phải làm gì?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ chuyện hàng rào phi thuế quan là chuyện nhà nước phải làm vì thực sự thì rất cần có những chuẩn này để kiểm soát và chỉ có nhà nước mới có quyền đưa ra các chuẩn. Thêm nữa, cũng rất cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp của chúng ta. Và điều thứ ba cũng quan trọng không kém đó là vai trò của truyền thông. Hiện nay, trên các mặt báo đưa được những câu chuyện nóng đang xảy ra nhưng chưa phân tích được những tác hại dài hạn hơn để cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ nhất. Đặc biệt truyền thông phải đảm bảo việc cung cấp đầy đủ thông tin mà xã hội đang thực sự cần mang tính chất hướng dẫn chỉ đường để người ta thoát ra hơn là xa vào việc tuyên truyền cho các đường lối chính sách của nhà nước.
 
PV: Tính từ năm 2006 khi Việt Nam bắt đầu gia nhập FTA với các nước trong khu vực Asean (FTA đầu tiên và lâu nhất) thì có bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam  đã tận dụng được các cơ chế ưu đãi thuế quan?

Bà Phạm Chi Lan: Theo báo cáo của Bộ Thương mại thì hiện nay có khoảng 30% doanh nghiệp tận dụng được các cơ chế ưu đãi thuế quan trong các FTA. Nhưng trong đó, đa phần là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn bản thân các doanh nghiệp trong nước không tận dụng được mấy. Tình trạng này cũng giống các nước khác trong khu vực Asean.

PV: Tính ra thì đã có một số các mặt hàng đã có hàng rào kỹ thuật, nhưng có tính trạng là lúc bắt đầu có hiệu lực thì các doanh nghiệp phản ứng rầm rộ, thậm chí lợi dụng tăng giá với lý do là phải đầu tư thêm vốn để thực hiện các khâu kiểm tra kỹ thuật. Nhưng sau một thời gian thì “đâu lại vào đó”, hàng kém chất lượng vẫn nhan nhản còn những tiêu chuẩn lại mang tính đối phó là chủ yếu. Vậy tại sao mình đã có hàng rào kỹ thuật rồi nhưng vẫn không kiểm soát được thị trường như vậy, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Ở nước mình có hiện tượng vừa thiếu và vừa không nghiêm. Đối với những người giám sát thực hiện cũng không nghiêm túc trong việc thực hiện trách nhiệm giám sát của mình. Nếu giám sát đầy đủ, làm tới nơi tới chấn thì cũng có thể thực hiện được chứ. Hơn nữa tính tự giác của doanh nghiệp cũng không cao. Thực tế người ta không tự giác được đâu nếu như không có giám sát đàng hoàng hoặc không chịu một sự trừng phạt nào đó của thị trường hoặc pháp lý.

PV: Xin bà cho biết điều quan trọng trong việc xây dựng hàng rào phi thuế quan hiện nay trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập vào các FTA hiện nay?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ rằng các FTA mà Việt Nam đang tham gia hiện nay đang tạo ra áp lực ngày càng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và các ngành kinh tế của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là giai đoạn từ nay cho đến năm 2015, là mốc cuối cùng mà chúng ta thực hiện giảm thuế cho 90% dòng thuế xuống mức còn 0% với các nền kinh tế lớn xung quanh Việt Nam. Điều này gây lên áp lực cho các ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp trong nước.
 
Vì vậy, có lẽ công cụ quan trong số một hiện nay là tạo ra một môi trường kinh doanh tốt và động viên tối đa các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Trong vấn đề này, bản thân các doanh nghiệp cần phải nỗ lực trước tiên nhưng nhà nước cũng cần phải chú ý đến việc tạo môi trường kinh doanh và tạo điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
 
Một mặt khác cũng quan trọng không kém là xây dựng những hàng rào kỹ thuật cần thiết. Những hàng rào kỹ thuật này sẽ góp phần ngăn chặn những hàng có chất lượng kém từ bên ngoài vào. Họ được hưởng những bảo hộ, ưu đãi nào đó từ nước họ và do đó họ có thể tràn vào thị trường Việt Nam và cạnh tranh rất mạnh trên thị trường Việt Nam với một tư thế cạnh tranh không bình đẳng. Từ đó họ có thể giết một số ngành, một số doanh nghiệp Việt Nam.
 
Cũng có sự lo lắng cho rằng nếu nâng hàng rào kỹ thuật lên thì có thể các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không với được các hàng rào đó. Bởi vì một khi chúng ta đã tham gia WTO thì các hàng rào kỹ thuật được đưa ra là những hàng rào được áp dụng chung cho cả doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài.
 
Tôi nghĩ điều lo lắng này cũng không nên đặt lên cao. Bởi vì, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình vươn lên để cạnh tranh cũng phải tự mình nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng cảu sản phẩm, đạt được các điều kiện về tiêu chuẩn của sản phẩm để đáp ứng cho cả thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu ở nước ngoài. Vì vậy việc nâng cao những tiêu chuẩn về kỹ thuật là việc các doanh nghiệp thường xuyên phải làm.
 
Nhà nước cũng nên quan tâm nâng dần các hàng rào kỹ thuật đó lên để cho các doanh nghiệp trong nước phấn đấu và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong nước cũng như nân cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
 
Mặt khác thì phải có những hàng rào đó thì mới ngăn chặn được những sản phẩm xấu, chất lượng kém từ bên ngoài đang tràn vào Việt Nam rất dữ dội như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua. Nó vừa gây phương hại cho nền sản xuất và đồng thời nó cũng gây phương hại rất lớn cho người tiêu dùng Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam nhiều khi phải trả giá oan cho những sản phẩm mang tiếng là hàng ngoại nhưng lại mang đến rất nhiều nhân tố độc hại.
 
PV: Vậy thì đâu là điều mà bà lo ngoại nhất trong việc Việt Nam đang trong quá trình giảm thuế đối với các FTA Trung Quốc?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ vấn đề chính ở đây là câu chuyện về cạnh tranh. Và muốn cạnh tranh thì đối với các doanh nghiệp Việt Nam phải dựa vào cả hai mặt. Một mặt là bản thân các doanh nghiệp phải có nỗ lực, các hiệp hội doanh nghiệp trong cùng ngành hàng với nhau phải tăng cường sự liên kết để dấy lên một nỗ lực chung để nâng cao năng lực cạnh tranh của họ. Mặt khác cũng không kém phần quan trọng đối với các doanh nghiệp đó là môi trường kinh doanh của nước ta, và tất cả những điều kiện để cùng nhau nâng trình độ của nền kinh tế lên cao hơn. Ở đây các khía cạnh về kỹ thuật, về chuẩn mực hàng hóa cũng như về quản lý ở tầng doanh nghiệp hay ở mức vĩ mô đều quan trọng như nhau.

Nguồn tin: BSA (lược ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 507

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 503


Hôm nayHôm nay : 75174

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 704505

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43216274



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach