18:28 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Làm ăn với Trung Quốc: Cần có tư duy phù hợp

Thứ hai - 03/10/2011 07:46
Trong ASEAN, sự ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt Nam là lớn nhất. Mỗi năm Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hàng chục tỷ USD và vẫn không ngừng tăng lên. Số doanh nghiệp Việt Nam thành công tại Trung Quốc là rất nhỏ, trong khi hàng Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Thực trạng này đòi hỏi Việt Nam phải có một sự thay đổi lớn, trước hết từ trong tư duy.
Description: http://www.bsa.org.vn/upload/2011.09.30/IMG_9383.JPG

Để hiểu hơn bức tranh toàn cảnh, từ đó hình dung ra những giải pháp cho Việt Nam trong làm ăn với Trung Quốc, chúng tôi xin giới thiệu phần trao đổi với ông Vũ Minh Khương (Tiến sĩ chính sách công, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, ĐH Harvard), người có nhiều năm theo sát và nghiên cứu về kinh tế Việt Nam.

Thưa ông, từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế công tác trong môi trường quốc tế, ông nhận xét thế nào về mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc?

Để có cái nhìn rõ ràng và chính xác hơn, tôi xin đặt Việt Nam vào nhóm ASEAN – 6, gồm các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, hiện chiếm 90% về thương mại của ASEAN và đem phân tích mối quan hệ về kinh tế với Trung Quốc.

Các số liệu nghiên cứu cho thấy, Trung Quốc hiện đóng góp trên 10% đến tăng trưởng thương mại của các nước ASEAN, nhờ sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Và sự ảnh hưởng này bị nghiêng về phía nhập khẩu từ Trung Quốc. Đó là bức tranh chung của mối quan hệ giữa ASEAN-6 và Trung Quốc.

Đi vào chi tiết thì trước hết, Việt Nam là một nước có độ hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đương đến 158% GDP. Con số này của thế giới chỉ là 48%, của Trung Quốc là 55%, trung bình ASEAN-6 là 125%, trong khi ta chỉ mới mở cửa từ năm 1986. Vì hội nhập sâu như vậy, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn từ bên ngoài. Đây là đặc trưng rất quan trọng của Việt Nam.
 
Trung Quốc là một nước lớn và đang phát triển mạnh, Vì vậy, nước nào cũng nhắm đến Trung Quốc, vạch chiến lược, lên kế hoạch để khai thác cho được thị trường này. Trong bối cảnh đó, rất ngạc nhiên là Việt Nam lại hơi lùi xa. Việt Nam lại cố gắng khai thác ở thị trường khác mà bỏ quên thị trường Trung Quốc nên tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu qua Trung Quốc có xu hướng giảm dần qua các năm, mất đi đến 4% trong giai đoạn 2000-2008, trái ngược với tất cả các nước trên thế giới, và kém nhất trong ASEAN-6. Trong khi đó, Việt Nam lại nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, dẫn đến nhập siêu lớn nhất, cả chục tỷ USD mỗi năm. Một con số quá lớn đối với một nền kinh tế còn rất nhỏ như Việt Nam.

Vì vậy, trong nhóm ASEAN-6 thì Việt Nam đang bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất, càng ngày càng xấu hơn, từ Trung Quốc trong quan hệ kinh tế và phát triển thương mại, dù Việt Nam có nhiều thuận lợi so với các nước khác.

Vậy Việt Nam cần phải làm gì để cải thiện thực trạng này?

Theo tôi, trước hết chúng ta phải thay đổi tư duy của chính mình. Sau đó, với tư duy mới, chúng ta phải xây dựng những chiến lược, ban hành những chính sách thích hợp, cả ngắn hạn và dài hạn, để không chỉ cải thiện quan hệ thương mại với Trung Quốc, mà còn phát triển Việt Nam nhanh và mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Theo tôi, một con người, một tổ chức, hay một quốc gia có thể nằm ở một trong ba trạng thái. Trạng thái thứ nhất, người ta gọi là lệ thuộc, trạng thái thứ hai gọi là độc lập, trạng thái thứ ba gọi là liên buộc.

Khi ta ở mức độ lệ thuộc, thì con người này, tổ chức này, quốc gia này tiềm năng đã nguy rồi. Khi anh đang lệ thuộc, thì anh luôn luôn lo lắng, nay sợ cái này, mai sợ cái kia, không thể quyết định được chuyện gì. Độc lập là mức độ trung bình, và Việt Nam đang ở giai đoạn này. Nhưng quan trọng hơn, muốn đi từ độc lập lên liên buộc, yếu tố quyết định xem ai thắng ai, và ai sẽ chói sáng hơn, là anh có thể tự vượt lên, khai phá được toàn bộ tiềm năng hay không. Muốn làm được thì Việt Nam cần phải có một số thay đổi về tư duy.

Thứ nhất là phải có tư duy cùng thắng. Không được nghĩ là mình thắng thì người khác phải thua, mà người khác thắng thì mình phải thắng. Trung Quốc phát triển thì mình mới có thể phát triển theo. Nếu họ rối loạn, kiệt quệ thì chúng ta sẽ điêu đứng.

Điều thứ hai mà người VN chúng ta yếu, chính là tư duy “cây thì là”, từ câu chuyện một cái cây không biết tên mình là gì, chạy lên hỏi trời. Ông trời đang nói “thì là …” thì cái cây tưởng mình tên “thì là”, chạy về ngay. Thường là mình biết một cái gì là làm ngay, chứ không chịu tìm hiểu tận gốc rễ, quy trình, nên những việc mình làm không bền vững và có quy mô lớn. Chúng ta không hiểu rõ Mỹ như thế nào, Trung Quốc như thế nào, cuối cùng chúng ta lại có những suy luận, lo lắng không đáng có và không chính xác.

Điểm thứ ba là phải có cái tư duy cộng hưởng. Cộng hưởng giữa DN này với DN kia trong một hiệp Hội, giữa Việt Nam với thế giới, với Trung Quốc. Trong bối cảnh hiện nay, muốn tiềm năng trỗi dậy, tạo ra một giá trị lớn, một bước đột phá, thì phải biết cộng hưởng.

Không có dân tộc nào lớn và đông dân hơn Trung Quốc, và lại là một thực thể rất phức tạp. Lịch sử của họ kéo dài nhiều nghìn năm, nên rất phức tạp và nhiều tầng nấc. Thêm nữa, Trung Quốc là một nước đang phát triển rất nhanh chóng, cho nên ngày mai lại khác hôm nay, ngày hôm nay khác ngày hôm qua. Điều này đòi hỏi chúng ta phải cập nhập thông tin đầy đủ, thấu đáo để hiểu về Trung Quốc, cộng hưởng với Trung Quốc.

Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của Trung Quốc là một “cơn sóng thần”, một thời cơ vô giá cho VN có được những bước đi khổng lồ trong vòng mấy thập kỷ tới. Cưỡi được cơn sóng thần này để tiến những bước thần tốc, hay bị chính con sóng này nhấn chìm, phụ thuộc vào việc chúng ta có tư duy đúng và có cách làm đúng hay không?

Còn về phía doanh nghiệp, ông thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang gặp bất lợi gì so với các doanh nghiệp Trung Quốc?

Nói chuyện với các doanh nghiệp Việt Nam, tôi thấy rằng trong tương quan làm ăn với Trung Quốc thì doanh nghiệp mình còn nhiều việc phải làm. Những khó khăn nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu vào Trung Quốc, trong làm ăn với đối tác Trung Quốc nói ra thì rất nhiều.

Trước hết là họ có độ sâu và độ nhạy hơn hẳn ta. Làm ăn với ai, họ cũng tìm hiểu kỹ về đối tác đó, tìm hiểu cả văn hóa của nước đó. Họ có chiến lược, bài bản rõ ràng. Còn khi họ thấy được thương hiệu của ta bán được trên thị trường đó thì họ đã đăng kí thương hiệu tại chính quyền của họ. Mình lại không biết, thì đến lúc mình chuẩn bị làm thương hiệu thì đã xong hết rồi.
 
Chúng ta lại dựa vào xúc cảm nhiều quá, trong khi khả năng phân tích, đánh giá chưa được tập trung hình thành và mài sắc. Nếu xúc cảm cứ hiện hữu trong đầu thì rất khó thành công lớn, nhiều khi quyết định này nọ trong kinh doanh chỉ là do thói quen chứ không do phải là do phân tích lợi hay hại gì.

Sau đó là sự hỗ trợ chính sách. Tôi rất thông cảm với các doanh nghiệp Việt Nam vì tôi đã trải qua rồi, môi trường vĩ mô như là những cái cầu cứ chông chênh như vậy, thì doanh nghiệp có làm gì thì cũng bị say sóng. Nhà nước thì chỉ cho những viên thuốc say sóng nên cũng không ăn thua. Trong kinh tế đối ngoại, Việt Nam phải có tổng tham mưu. Vì vậy vai trò của Nhà nước, của những hiệp hội là rất quan trọng, tập hợp và định hướng nguồn lực của các doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, chúng ta như là đàn kiến nhưng mỗi con lại tha đi một hướng, nên nguồn lực bị phân tán, không làm nên chuyện lớn được.

Thị trường Trung Quốc rất đa dạng, như có mấy chục nước trong đó chứ không phải chỉ có một, nên có mấy chục loại thị trường khác nhau. Các doanh nghiệp phải xác định  mình nằm ở mức độ nào, rồi hẵng quyết định làm ăn với Trung Quốc.

Có 5 câu hỏi mà doanh nghiệp cần phải trả lời khi muốn làm ăn với Trung Quốc. Một là Trung Quốc có nhu cầu lớn với sản phẩm của mình hay không, trong hiện tại và tương lai. Hai là bản thân mình có cảm thấy hứng thú với thị trường nay hay không, vì có rất nhiều thị trường khác chứ không phải chỉ cảm thấy hứng thú với tại Trung Quốc thôi. Tiếp theo là phải đánh giá được khả năng cạnh tranh của sản phẩm mình. Thứ tư là nguồn lực của mình có đủ hay không. Và cuối cùng là, mình sẽ chọn địa bàn nào, mặt trận nào trong thị trường rộng lớn và đa dạng như Trung Quốc.

Xin cám ơn ông !
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 279

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 277


Hôm nayHôm nay : 24024

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 574269

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43086038



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach