03:10 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Xúc tiến thương mại... chủ yếu đi shopping

Thứ năm - 19/12/2013 05:51

“Cập nhật chính sách nước sở tại rất chậm. Xúc tiến thương mại tại chỗ không hiệu quả; nhiều tỉnh kéo đoàn nọ, đoàn kia ra nước ngoài, nhưng chủ yếu là đi shopping; đọc thuyết trình bài dài và phát sách; có đoàn  mang tiếng đi “xúc tiến thương mại” nhiều năm, nhưng không mang được dự án nào vào trong nước” – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đã không ngần ngại nói lên những bất cập của hoạt động xúc tiến thương mại hiện nay, tại Hội nghị tham tán thương mại 2013, do Bộ Công Thương tổ chức sáng 18.12 tại Hà Nội.




Đi chơi là chính

 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, chỉ với 9 tháng đầu năm đã có mấy chục đoàn doanh nghiệp của địa phương sang Nhật Bản. “Đi thì rất vất vả, kinh phí địa phương nào địa phương nấy lo, nhưng không có sự phối hợp với nhau nên mạnh tỉnh nào, tỉnh nấy xúc tiến đầu tư. Không  ít đoàn kéo sang, sau buổi thuyết trình dài dằng dặc những dự án, số liệu mời gọi đầu tư, phát sách xong là đi shopping, không quan tâm đến việc đối tác quan tâm gì đến dự án tỉnh nhà. Kết quả là chả “xúc tiến thương mại” được gì” - ông Trung cho biết.

 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng: Công tác xúc tiến các dự án FDI, ODA tới đây cần phải đổi mới. Nhiều đoàn trong nước sang, mang tiếng là xúc tiến thương mại nhưng không có chương trình cụ thể, không làm bài bản nên hiệu quả rất thấp. Yêu cầu các tham tán thương mại hỗ trợ về thị trường, về đối tác nhưng thông tin lại rất “hẻo”. Chẳng hạn lĩnh vực nông nghiệp, có đoàn khi sang đàm phán, chuẩn bị nội dung không có gì cả. Đối tác Nhật hỏi, muốn xuất khẩu nông sản; vào TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) có lợi thế gì, thì không nói được. Ngay cả tham tán thương mại cũng “bó tay” nếu như bản thân doanh nghiệp trong nước không chuẩn bị kỹ, chủ động đề xuất những lĩnh vực, ngành hàng nào VN có thế mạnh XK, yêu cầu bạn nhập khẩu. “Không ít trường hợp doanh nghiệp trong nước sau ký thỏa thuận, cam kết với phía bạn nhưng về không thực hiện. Vì thế, khi các đồng chí lãnh sự, tham tán gặp gỡ phía bạn, bạn hỏi mà không biết đằng nào trả lời” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xác nhận đây không phải là trường hợp hiếm gặp.

 
Thiếu sự phối hợp

 
Ở góc nhìn doanh nghiệp, TS Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) - cho rằng: Trong hội nhập thương mại quốc tế, có rất nhiều vấn đề DN cần tham vấn các thương vụ để có kế hoạch kinh doanh như tìm kiếm thị trường; tìm kiếm đối tác để mua bán, sáp nhập DN; trở thành DN vệ tinh để cung ứng linh phụ kiện hình thành chuỗi công nghiệp hỗ trợ, song sự kết nối là chưa nhiều. Hầu hết các DN đều “tự bơi”. Tuy nhiên, về phía các tham tán, việc giúp đỡ đôi khi  không phải muốn là được. Tham tán thương mại tại Campuchia Vũ Thịnh Cường cho rằng: “Đã có nhiều trường hợp DN VN buôn bán với nước ngoài bị lừa, mất tiền, mất hàng, tìm đến thương vụ để giải quyết hậu quả thì đã muộn. Nếu ngay từ đầu, DN liên lạc với thương vụ ở nước sở tại để tìm hiểu thông tin về đối tác thì đã có thể ngăn chặn được những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra”.  
 

Trưởng cơ quan thương vụ tại Nhật Bản - Tham tán công sứ Nguyễn Trung Dũng - ta thán: “Đừng mơ XK gạo vào Nhật. Tôi vừa nghe có thông tin, VN lấy thị trường Nhật Bản làm trọng tâm XK gạo. 5 năm vừa qua, VN chả XK được hạt gạo nào vào NB vì ta phải đấu thầu gạo, mà Chính phủ Nhật chỉ cho đấu thấu với những DN đủ điều kiện. Mỗi năm thị trường này tiêu thụ 8 triệu tấn, nhưng nhập khẩu chỉ 780.000 tấn thôi.
 

VN không có  cách  nào chen chân được. Dự kiến bắt đầu từ 1.1.2014, Nhật sẽ bỏ chính sách bảo hộ gạo để tham gia TPP, nhưng họ chuẩn bị rất kỹ trong khi Bộ NNPTNT của ta chưa có chuẩn bị gì!”. Cảnh báo này của tham tán Nguyễn Trung Dũng cũng gần với thực trạng kết nối thông tin dường như rất lỏng lẻo của các DN VN. Tại Hội nghị tham tán thương mại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian tới, nếu VN không có bước đột phá, đổi mới tư duy trong xúc tiến thương mại, kết nối giữa DN trong nước với các tham tán thương vụ - các “tai mắt” về thương mại của VN ở ngoài nước - thì những vụ việc “đau đầu” như cá tra, ba sa hay gạo XK vẫn còn mãi đeo đẳng.

Nguồn tin: Báo Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 162

Máy chủ tìm kiếm : 17

Khách viếng thăm : 145


Hôm nayHôm nay : 26831

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 924171

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44291856



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach