00:23 EDT Thứ ba, 19/03/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Chủ tịch Vinamit: ‘Có một cách hiểu khác về thực phẩm hữu cơ’

Thứ năm - 28/04/2016 03:04

Sự cân bằng hữu cơ ở đây là giữa người canh tác với người tiêu dùng. Người dùng phải thay đổi cảm thụ. Đừng bao giờ đòi hỏi thứ quá đẹp mà lại rẻ nữa. Còn xấu lại bán mắc!
 

“Chúng ta tiến đến nông nghiệp hữu cơ sẽ dễ hơn, chỉ cần dịch chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang là ổn  rồi”.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Vinamit nói vậy và cho rằng, nước Mỹ mà họ làm hữu cơ sẽ khó hơn Việt Nam.

Tại sao? Bởi vì nền nông nghiệp khoa học, hay nền nông nghiệp hoá học thì những nước phát triển lâu đời người ta đã đi tiên phong, nhất là Mỹ, Nhật.

Những nước này người ta dùng hoá học để phát triển đất nước, nhờ cái sáng tạo khoa học về hoá học để người ta phát triển nông nghiệp và các sản phẩm công nghiệp.

Cho nên ngày hôm nay, họ quay trở lại làm nông nghiệp hữu cơ chắc chắn sẽ khó hơn.

Còn Việt Nam cũng mới phát triển nông nghiệp hoá học từ sau giải phóng, tức khoảng hai mấy năm.

Còn rất nhiều vùng chúng ta chưa xài thuốc, phân hoá học nên chuyện chúng ta đi vào nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp sạch thì sẽ nhanh hơn nhiều.

– Nhưng thực trạng Việt Nam đất manh mún, da beo, có thể làm hữu cơ ở vùng này nhưng chung quanh bị ô nhiễm, nếu không tạo vùng đệm sẽ rất khó?

– Điều tiên quyết khi làm hữu cơ là phải chọn vùng đất có môi trường sạch. Nếu thực sự miếng đất nằm trong vùng đệm, nhưng cuối dòng nước thải thì xin thưa không làm được.

Cho nên, tốt nhất là phải kiểm soát môi trường. Chúng ta còn nhiều môi trường tốt lắm… Khi làm hữu cơ cần phải nhớ một triết lý, đó là triết lý cân bằng hữu cơ giữa con người với con người, với thiên nhiên, với động vật, khí hậu.

Phải có sự hài hoà giữa các yếu tố này.

– Sự cân bằng có thể mâu thuẫn với hiệu quả kinh tế và lợi nhuận? Giải quyết nó như thế nào?

– Chính xác, chính vì vậy mà cần có những phiên chợ nông sản sạch để kết nối. Làm sao cho người tiêu dùng hiểu được rằng hãy nhìn vào sản phẩm hữu cơ đi, ví dụ như trái xoài, mớ rau đâu có đẹp giống như bán ở chợ?

Họ phải thay đổi nhận thức, muốn biết có phải hữu cơ không thì phải bứt cọng rau đưa vào miệng ăn coi vị ngọt của nó. Phải cảm nhận được nó khác với vị đắng của cọng rau ở chợ như thế nào?

Sự cân bằng hữu cơ ở đây là giữa người canh tác với người tiêu dùng. Người dùng phải thay đổi cảm thụ. Đừng bao giờ đòi hỏi thứ quá đẹp mà lại rẻ nữa. Còn xấu lại bán mắc!

– Hiện tại có nhiều sản phẩm hữu cơ đưa ra thị trường lại bị ế. Tại sao?

– Lý do đầu tiên là chúng ta chưa truyền thông đầy đủ cho người dùng hiểu. Thứ hai là những nhà tổ chức, có uy tín đại diện cho nông dân, như các tổ chức phi chính phủ lại quá ít.

Sản phẩm hữu cơ mà để bán dọc đường thì ai tin, ai mua. Nông dân cũng không tự đem sản phẩm ra chợ bán được.

Như vậy phải có truyền thông, Chính phủ phải giúp nông dân mới kiểm soát được các thành phần làm không tốt len lỏi vô làm bậy.

Vì cứ có cái gì sinh lời là người ta lợi dụng và sinh lời mà bán mắc quá cũng phản tác dụng.

– Và, người dùng vẫn có suy nghĩ sản phẩm hữu cơ có giá cao nên khó tiếp cận?

– Sai! Hữu cơ chỉ là một tiêu chuẩn giống như ISO, HACCP, giống như GlobalGAP hay VietGAP… Chẳng qua khi chúng ta làm hữu cơ, có chứng nhận thì chỉ là đón nhận nhiều người đến với chúng ta.

Bình thường không ai đến với mình, nhưng khi có hữu cơ thì có nhiều người tới và chúng ta phải làm sao giữ được người ta. Muốn giữ được thì phải làm gì?

Phải là giá, là tiện ích, là chất lượng, là sự phục vụ. Nếu nói chỉ để bán được nhiều giá hơn là sai.

Chúng ta phải hiểu làm hữu cơ, thay vì phun thuốc diệt cỏ thì phải dùng tay để nhổ nên phải cộng thêm chi phí này vô.

Thay vì không phun thuốc bảo vệ thực vật mà dùng các chế phẩm sinh học như lấy cây tỏi, ớt, hành gì đó để phun lên cây thì cái đó tốn công hơn nên phải cộng thêm vào một xíu chi phí nữa.

Thử cộng hết các thứ đó vô đi, giá thành đội lên một lần là quá lắm rồi. Đừng suy nghĩ hữu cơ là cái gì đó quá đặc biệt mà nâng giá cao, bán mắc.

– Nếu nói vậy thì các đối tác, mắt xích liên quan đến sản phẩm hữu cơ mà chạy theo lợi nhuận sẽ không làm được?

– Đúng là như vậy, nếu ngày nay bán được giá cao, ngày mai lén lén bỏ miếng phân vô cơ vào cho nhanh, ra sản phẩm cho lẹ để bán, và nghĩ việc mình làm có tí tẹo thôi là sẽ thất bại.

Làm nông nghiệp hữu cơ không thể có ba từ: tình cảm, thông cảm, thoải mái. Nếu không nghiêm khắc với ba phạm trù này là thất bại liền.

Tôi cũng rất sợ đến một ngày nào đó, chúng ta làm nông nghiệp hữu cơ giống như làm VietGAP, khi đó không còn ai tin, ai mua nữa.

Chúng ta còn thoải mái, dễ dãi, không có trách nhiệm với người xung quanh thì sức khoẻ của chúng ta còn bị tổn hại.

– Một ông nông dân mà vừa phải có suy nghĩ làm nông nghiệp hữu cơ để thay đổi chất lượng sản phẩm, cân bằng sinh thái vừa phải để mưu sinh thì có ổn không?

– Thật ra chúng ta phải xác nhận một điều là lấy chứng nhận hữu cơ để làm gì. Nếu nói là để bán mắc hơn thì tôi cho rằng hơi sai. Khi anh có chứng nhận hữu cơ thì sẽ có nhiều người tìm đến anh.

Nhưng tìm đến anh thì anh có đón được họ không. Mười người đến mà đón được chín người là được rồi đó. Nhưng đón được một người thì coi chừng anh đã làm sai cái gì rồi đó.

Chúng ta làm hữu cơ thì nó là một chứng nhận để nói lên một triết lý, tương tác của chúng ta, giữa người canh tác và người tiêu dùng, giữa thiên nhiên với con người, động vật với thực vật… phải làm sao gặp nhau.

Chứng nhận hữu cơ giúp chúng ta đón nhận người dùng. Nếu hiểu được triết lý đó, hiểu sâu, hiểu rõ thì làm sẽ rất dễ.

Cảm ơn ông!

Đặng Hoàng thực hiện
Thế Giới Tiếp Thị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 270

Máy chủ tìm kiếm : 8

Khách viếng thăm : 262


Hôm nayHôm nay : 32529

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 930705

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 41830517



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach