23:23 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Không sợ cấm biên, nếu...

Thứ sáu - 04/07/2014 05:51
“Việc xuất khẩu bằng con đường chính ngạch có thể gian nan và khó khăn lúc đầu, nhưng nếu vượt qua được thì sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững hơn cho các doanh nghiệp. Thời điểm này không còn sớm, nếu không muốn nói là đã khá trễ, để chúng ta thay đổi. Quan trọng nhất là qua những sự kiện gần đây chúng ta đã có cái nhìn rõ ràng và thống nhất quan điểm về lối ra cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc”, ông Nguyễn Lâm Viên, tổng giám đốc công ty CP Vinamit, chia sẻ như vậy khi trả lời phỏng vấn của Thế Giới Tiếp Thị.

 

Hàng hoá thông thương tại khu vực gần cửa khẩu Móng Cái. Ảnh: Lê Đức Duy

 

Thưa ông, gần đây, chuyện cấm biên xôn xao quá. Theo ông, đâu là những khó khăn, bấp bênh, thiệt thòi khi làm ăn tiểu ngạch?

 

Xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch qua biên giới Việt – Trung là cách làm ăn truyền thống giúp doanh nghiệp (DN) bán được hàng hoá một cách nhanh chóng, giảm chi phí, tiện thanh toán và linh hoạt về thuế do chính sách “hưng biên phú dân” được Chính phủ Trung Quốc thực hiện khoảng 15 năm trở lại đây, gần đây đã bộc lộ nhiều rủi ro.

 

Thứ nhất là phụ thuộc hoàn toàn vào độ thông thoáng của đường biên giới. Hễ “cấm biên”, hàng hoá không sao qua biên giới được vì lực lượng chấp pháp của Trung Quốc rất đông đảo và thực thi rất nghiêm. Đặc biệt khi Trung Quốc tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch như hiện nay thì rất khó khăn, chưa kể một số cửa khẩu có khả năng sẽ dừng một thời gian để họ chấn chỉnh lại việc giao thương.

 

Thứ hai là phụ thuộc vào các thương nhân hoạt động tại khu vực biên giới. Đây là những người có sự hiểu biết và khả năng để đưa hàng qua biên, đồng thời có đầu mối phân phối và tiêu thụ trong nội địa Trung Quốc. Họ thường tìm cách thao túng và khống chế các DN cung cấp hàng hoá, cũng không loại trừ khả năng họ thọc sâu vào để tác động đến tận nguồn sản xuất, tận người nông dân. Với bản chất con buôn, nhiều thương nhân trong số này luôn tìm mọi cách để tối đa hoá lợi nhuận, thường là chèn ép để có giá rẻ nhất.

 

Thứ ba, buôn bán tiểu ngạch thay đổi rất nhanh chóng theo mùa vụ, theo thời tiết, theo chính sách Trung Quốc thường thay đổi… Trung Quốc thường tăng hoặc giảm mức phí biên mậu từng mùa vụ. Ví dụ, tháng 3.2011, Trung Quốc dùng biện pháp hành chính chuyển một số loại trái cây thường nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh sang các cửa khẩu Na Hình – Kéo Ái (Bằng Tường), khiến các DN Việt Nam phải dồn xe về các cửa khẩu này, làm cho đường giao thông quá tải, hư hỏng.

 

Như vậy, có những khác biệt nào khiến làm ăn chính ngạch thì vững chắc, thưa ông?

 

Xuất khẩu chính ngạch là hướng đi tất yếu cho các DN nếu muốn tìm một con đường phát triển bền vững. Buôn bán chính ngạch có những ràng buộc chặt chẽ về hợp đồng thương mại, ít rủi ro, không phụ thuộc vào độ thông thoáng của đường biên giới. Để thực sự có chỗ đứng tại thị trường nước ngoài thì DN phải nắm được hệ thống phân phối và có kênh bán hàng đa dạng. Buôn bán tiểu ngạch thường tập trung vào các đầu mối quanh khu vực biên giới, do đó chỉ hoạt động được trên kênh bán hàng truyền thống (GT) và trong một phạm vi khá hạn chế. Qua tiểu ngạch hàng Việt Nam chủ yếu chỉ bán ở các tỉnh vùng Hoa Nam chứ khó vươn ra toàn thị trường rộng lớn này.

  

Với Vinamit, trước đây cũng tiểu ngạch là chủ yếu, nhưng để đưa được lượng lớn sản phẩm vào các hệ thống siêu thị lớn tại Trung Quốc như Walmart, Carrefour… thì chúng tôi đã phải tìm con đường chính ngạch và xúc tiến từ năm 2010, đến nay thì xuất khẩu chính ngạch đã ổn định.

 

Xuất khẩu chính ngạch cho phép nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu sử dụng những hình thức thanh toán hiện đại như thư tín dụng (L/C) để tăng hiệu quả kinh doanh. Nhà nhập khẩu có đủ uy tín có thể thanh toán trả chậm thông qua ngân hàng để tăng hiệu quả dòng tiền. Nhà xuất khẩu có thể thực hiện chiết khấu bộ chứng từ thanh toán để thu hồi vốn nhanh… DN Việt Nam phải hướng tới buôn bán chính ngạch với tất cả các thị trường xuất khẩu, không chỉ riêng thị trường Trung Quốc.

 

Nhưng vạn sự khởi đầu nan, chắc có nhiều khó khăn phải đương đầu khi chuyển qua làm chính ngạch?

 

Một số mặt hàng xuất khẩu chính ngạch phải chịu quota do nước nhập khẩu quy định. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, thuế giá trị gia tăng ở mức khá cao, từ 13 – 17%. Ngoài ra hàng hoá phải vượt qua hàng rào kỹ thuật, tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, và phải vượt qua hoạt động kiểm dịch ngày càng gắt gao hơn. Cùng mặt hàng nhưng bán chính ngạch chênh lệch giá gần 20% so với tiểu ngạch nên việc xuất khẩu chính ngạch gặp khó khăn. Điều này ngăn cản nông sản Việt Nam, ví dụ như gạo có thể xuất hiện tên tuổi (có thương hiệu) trên thị trường Trung Quốc. Thậm chí chất lượng gạo nói riêng và nông sản khác nói chung luôn thấp vì xuất qua đường biên mậu… dẫn tới định kiến sai lệch về nông sản Việt Nam: giá rẻ, chất lượng không ổn định. Hiện nay chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao chất lượng gạo Campuchia hơn so với Việt Nam.

 

Ông có thể nói một số “bí quyết” để thuận lợi hoá chuyện làm chính ngạch?

 

Để xuất khẩu chính ngạch bền vững, DN Việt Nam cần phải sâu sát hơn với thị trường. Nếu quy mô lớn thì có thể mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Trung Quốc. Quy mô nhỏ hơn thì cũng nên xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, các đối tác, nhà nhập khẩu, phân phối và hệ thống đại lý kinh doanh.

 

Một vấn đề hết sức quan trọng là xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Để gia nhập các kênh bán hàng hiện đại (MT), thì các giấy tờ hồ sơ công bố chất lượng, đăng ký thương hiệu là điều kiện tiên quyết. Đối với thị trường Trung Quốc thì thương hiệu Việt có những giá trị nhất định, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp. Các DN và thương nhân Trung Quốc rất nhạy bén, các sản phẩm và thương hiệu tiềm năng thường rơi vào tầm ngắm để họ chiếm đoạt quyền sở hữu. Các DN Việt Nam cần phải chú trọng bảo hộ thương hiệu cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

 

Khi phát triển thị trường nước ngoài, chúng tôi luôn tìm cách liên lạc và tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại. Đây là một kênh thông tin và trợ giúp quý giá dành cho các DN hoạt động trên “sân khách”.

 

Mong ông nêu những kiến nghị với Nhà nước và lời khuyên với các đồng nghiệp?

 

Là một DN chế biến nông sản, chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn về cơ chế, chính sách, giải pháp để giúp tiêu thụ nông sản.

 

Nhà nước có thể hỗ trợ về chính sách ưu đãi tín dụng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, có chính sách thuế linh hoạt hơn đặc biệt là cho DN bảo quản và chế biến sau thu hoạch.

 

Ngoài ra, Nhà nước cần tạo điều kiện hình thành các chuỗi liên kết, trung tâm phân phối với chủ trương nhất quán và các chính sách của Nhà nước, không thể phó mặc hay tự phát như thời gian qua. Chính việc hình thành các trung tâm phân phối giúp đẩy lùi dần việc thương nhân nước ngoài vào Việt Nam tự tung tự tác lập đại lý thu mua sản phẩm, làm lũng đoạn thị trường và gây ra sự bất ổn trong sản xuất.

 

Việc xuất khẩu bằng con đường chính ngạch có thể gian nan và khó khăn lúc đầu, nhưng nếu vượt qua được thì sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững hơn cho các DN Việt Nam. Thời điểm này không còn sớm, nếu không muốn nói là đã khá trễ, để chúng ta thay đổi. Quan trọng nhất là qua những sự kiện gần đây chúng ta đã có cái nhìn rõ ràng và thống nhất quan điểm về lối ra cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc.

 

Theo Lê Duy (báo Thế Giới Tiếp Thị)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 460


Hôm nayHôm nay : 74356

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 676864

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43188633



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach