21:43 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Sữa Việt Nam cũng “hàng đầu thế giới”?: Người tiêu dùng đang chuyển dần sang sữa nội

Thứ năm - 09/07/2015 00:20
Ông Đỗ Thanh Tuấn, trưởng ban đối ngoại công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng, các sản phẩm sữa nội của Việt Nam hiện nay, về chất lượng không thua kém sữa ngoại. Ông Tuấn phân tích, thứ nhất là về trang thiết bị, với Vinamilk, hiện nay công ty có hai nhà máy sữa nước và sữa bột, khánh thành năm 2013, được đầu tư công nghệ hiện đại nhất thế giới. Còn về nguyên liệu, hầu hết đều có nguồn gốc từ Mỹ, Úc, New Zealand, đây là các quốc gia cung cấp nguyên liệu cho cả thế giới và các công ty sữa đa quốc gia cũng nhập nguyên liệu từ các nguồn này. Ngoài ra, Vinamilk còn kết hợp với các tập đoàn sản xuất vi chất bổ sung trong sữa có uy tín nhất trên thế giới để nhập nguyên liệu.



Dây chuyền sản xuất sữa của Vinamilk.
Ảnh: Đặng Hoàng
 
Rẻ không phải vì chất lượng thấp
 
Có những bà mẹ khoe rằng tôi mua được sữa chỉ bán ở thị trường nước A, nước B cho con tôi dùng. Thực ra, đó có thể là loại sữa được nghiên cứu trên trẻ em của nước họ, nên có thể không phù hợp với trẻ em Việt Nam. Công thức chế biến là do từng công ty nghiên cứu cho thể trạng người dùng ở mỗi nước.
 
Ở Việt Nam, công thức sữa được nghiên cứu cho từng thể trạng của trẻ em Việt Nam. Mỗi công ty có một công thức khác nhau và họ sẽ tìm ra một công thức tối ưu nhất trên cơ sơ nghiên cứu, đánh giá lâm sàng. Năm 2007, Vinamilk kết hợp với viện Dinh dưỡng quốc gia nghiên cứu lâm sàng trên 50.000 trẻ em tiến hành trong vòng năm năm, tìm ra được công thức tối ưu dành cho trẻ em Việt Nam. Sau khi có công thức, công ty còn phải kết hợp với các tập đoàn sản xuất vi chất hàng đầu thế giới để có những labo chuẩn đem về làm. Một nghiên cứu so sánh dùng sữa Vinamilk và một nhãn sữa ngoại hàng đầu cho thấy trẻ em dùng sữa Vinamilk tăng chiều cao nhiều hơn.
 
“Dĩ nhiên, chúng tôi không được phép công bố tên loại sữa ngoại này, vì như vậy là vi phạm luật cạnh tranh”, ông Tuấn nói.
 
Chúng tôi nhập nguyên liệu tốt, nhưng Vinamilk là đối tác lớn, ký hợp đồng mua nguyên liệu dài hạn (một năm), biết chọn thời điểm nhập nên có lợi thế về giá. Thứ hai là các doanh nghiệp Việt Nam không tốn quá nhiều các chi phí liên quan khác như những sản phẩm sữa nhập khẩu. Sản phẩm sữa Việt Nam, Nhà nước khống chế 10% chi phí tiếp thị quảng cáo. Còn sữa ngoại không bị khống chế nên họ có thể thoải mái chi cho hoạt động marketing. Vì vậy mới có chuyện một lon sữa ngoại nhập về có giá 100.000 đồng, nhưng bán ra lên tới 500.000 – 600.000 đồng.
 
Người tiêu dùng sẽ lựa chọn đúng
 
Phân khúc sữa bột cho trẻ em cạnh tranh rất khốc liệt. Mỗi năm, Việt Nam có thêm 1 triệu trẻ em ra đời, thị trường rất lớn nên những tập đoàn sữa tồn tại hàng trăm năm trên thế giới đều đã nhảy vào Việt Nam. Tâm lý chuộng sữa ngoại của người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn phổ biến.
 
Tuy nhiên, cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đang phát huy tác dụng. Những năm 2007 – 2008 thị phần sữa bột của Việt Nam chỉ chiếm 14 – 15%. Nhưng đến năm 2013, riêng thị phần sữa bột của Vinamilk đã chiếm khoảng 25%, và hiện nay là 30%. Điều này cho thấy, người tiêu dùng đang thay đổi trong lựa chọn mua sữa, dẫn đến sự tăng trưởng khá tốt của ngành sản xuất sữa bột của Việt Nam. Qua đây cũng chứng minh chất lượng sữa Việt Nam hoàn toàn không thua kém nước ngoài. Người tiêu dùng sẽ có trải nghiệm và thay đổi.   
                   
theo Đặng Hoàng (báo Thế Giới Tiếp Thị)
 
Vẫn có ý kiến khác
 
Đề cập đến sự chênh lệch quá lớn về giá giữa sữa nội và sữa ngoại, nhất là trong thị trường sữa bột dành cho trẻ em, một tổng giám đốc nhiều năm kinh nghiệm về marketing, xây dựng sản phẩm mới trong ngành sữa cho rằng: “Điều đó là hoàn toàn có cơ sở”.
 
Vị tổng giám đốc trên cho rằng, so sánh về công nghệ, sữa bột cho người lớn tuổi và sữa bột bổ sung cho trẻ em là vô cùng khác biệt. Khả năng đề kháng của cơ thể trẻ em trên hai tuổi là hoàn toàn bình thường, nên sữa dành cho trẻ em trên hai tuổi khác hẳn dưới hai tuổi, liên quan đến nhiều giai đoạn phức tạp: “Tôi đã đi một vòng xem công nghệ của họ mới thấy công phu lắm. Mọi người không hiểu về làm sữa. Ở Việt Nam đa số là sữa nhập từ nước ngoài về trộn, nhưng trước khi đưa về để trộn mới khó. Về công thức thì có vẻ hoàn toàn giống nhau, nhưng khi trộn chỉ cần vượt chuẩn một chút thôi sẽ gây ảnh hưởng đến trẻ em, nhất là những em khả năng đề kháng kém. Vi chất bổ quá nhiều cũng có hại. Sữa trẻ em nhìn dưới góc độ cảm quan thôi, nguyên tắc theo tiêu chuẩn châu Âu là tất cả phải hoà tan hết. Còn các loại sữa Việt Nam lắc hoài vẫn còn chưa tan”.
 
Phản biện ý kiến này, có doanh nghiệp sữa nội cho rằng, tan nhanh hay tan chậm chỉ là một chỉ tiêu về tiện nghi, nó có thể chẳng liên quan gì đến “sự béo bổ”. Hay chuyện trẻ em khi uống sữa ngoại rồi thì không thích uống sữa khác cũng chẳng liên quan gì đến “béo bổ”, bởi các hãng sữa ngoại đã cho thêm chất tạo hương vị vào. “Mặc dù các chất này được phép sử dụng, nhưng quan điểm của chúng tôi là không đưa chất tạo hương vị vào sản phẩm cho trẻ em”, đại diện một hãng sữa nội nói.
 
Ông Trần Bảo Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) nhấn mạnh: “Bất hợp lý duy nhất khiến giá sữa ngoại hiện nay ở Việt Nam không hợp lý chính là do các thương hiệu ăn lợi nhuận cao quá. Nhưng về kinh tế thị trường, khi người tiêu dùng chịu chấp nhận trả cao hơn để mua thương hiệu thì đó là do người tiêu dùng đánh giá giá trị thương hiệu cao hơn. Vì sao sữa bột của Nestlé giá tốt thế mà người tiêu dùng vẫn chọn mua Abbott, sau mỗi đợt tăng giá sản lượng lại tăng lên? Đó là do niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu, chưa kể những hãng sữa lớn đều mua bảo hiểm”. 
 
theo Kim Yến (báo Thế Giới Tiếp Thị)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 110

Máy chủ tìm kiếm : 16

Khách viếng thăm : 94


Hôm nayHôm nay : 64883

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 915570

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44283255



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach