14:02 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Vẫn chưa được “kinh doanh tự do”

Thứ năm - 09/07/2015 01:00
Luật Doanh nghiệp – DN mới (*) thay thế cho luật DN 2005 đã được hoan nghênh thời gian qua vì nhiều điểm mới như mở rộng quyền kinh doanh, sự tự chủ cho doanh nghiệp, giảm bớt các thủ tục hành chính... Tuy nhiên, có vẻ như một số kỳ vọng vẫn chưa thành hiện thực.



Ảnh minh họa: Internet
 
1. Trước hết, xin điểm lại một số điểm mới đáng chú ý của luật DN mới
 
• Giấy chứng nhận đăng ký (CNĐK) DN: theo điều 29 luật DN mới, giấy CNĐKDN có thể tồn tại dưới hình thức văn bản hoặc bản điện tử (online). Trong văn bản giấy sẽ không ghi nội dung ngành nghề kinh doanh. Một số nội dung đăng ký thay đổi giấy CNĐKDN sẽ chỉ gửi thông báo cho sở kế hoạch và đầu tư sở tại, mà không cần phải đăng ký lại. Đặc biệt, theo điều 33 luật mới, sau khi ĐKDN, thay đổi nội dung ĐKDN thì DN bắt buộc phải đăng ký công bố thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN.
 
• Người đại diện pháp luật: theo điều 13 luật mới, DN có thể có nhiều hơn một đại diện pháp luật, trong một số trường hợp, toà án có thể chỉ định người đại diện pháp luật của DN trong quá trình tố tụng. Đây cũng là cách tiếp cận hoàn toàn mới so với truyền thống từ trước tới đây.
 
• Về vốn điều lệ của DN: luật mới cung cấp các nguyên tắc để xác định, đăng ký vốn góp để loại bỏ các trường hợp đăng ký vốn ảo. Đặc biệt, lần đầu tiên, luật cho phép công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần được đăng ký giảm vốn điều lệ.
 
• Về con dấu DN: đây là một nội dung khá mới mẻ, mang lại cách tiếp cận mới, thay đổi các quan niệm trước đây về con dấu. Theo điều 44, DN hoàn toàn được quyết định việc có sử dụng con dấu hay không, và quyết định về số lượng, hình thức con dấu. Nếu DN mới thành lập chọn sử dụng con dấu để chứng thực các giao dịch của mình, thì phải có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để công bố công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN.
 
Ngoài ra, còn một số điểm mới khác như: quy định về đại hội cổ đông, “định nghĩa” lại DN nhà nước là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (trong khi đó, luật cũ chỉ quy định nắm từ 51% trở lên); chính thức quy định việc dùng mã số thuế làm mã số DN...
 
2. Thực tế áp dụng sau ngày 1.7.2015
 
Hiện nay, Chính phủ vẫn chưa thông qua các nghị định, thông tư liên quan để hướng dẫn luật DN 2014. Do đó, để đảm bảo thực hiện luật DN mới đúng thời hạn hiệu lực, bộ Kế hoạch và đầu tư đã có công văn hoả tốc số 4211/BKHĐT-ĐKKD ngày 26.6.2015 để hướng dẫn một số quy định về ĐKDN. Theo đó, bộ mẫu ĐKDN, thay đổi đăng ký nội dung DN được bộ cung cấp. Tạm thời một số nội dung đăng ký vẫn dựa trên quy định tại nghị định số 43/2010/NĐ-CP.
 
Theo hướng dẫn, DN nào đã được cấp giấy CNĐKDN trước 1.7.2015 thì không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký chuyển đổi. Việc chuyển đổi sẽ được thực hiện trong quá trình đăng ký thay đổi nội dung ĐKDN có liên quan.
 
Mặc dù giấy CNĐKDN mới không có nội dung ngành nghề đăng ký kinh doanh, thế nhưng DN vẫn phải hoạt động theo nội dung ngành nghề đăng ký trước đó. Thậm chí, DN đăng ký thành lập sau 1.7.2015, văn bản đề nghị thành lập vẫn phải có nội dung đăng ký ngành nghề kinh doanh. Theo lý giải của cơ quan đăng ký, thì để biết một DN được phép hoạt động những ngành nghề nào, cá nhân, tổ chức có thể truy cập vào Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia www.dangkykinhdoanh.gov.vn để tra cứu thông tin về DN đó, hoặc có thể xin trích lục nội dung thông tin của DN tại các sở kế hoạch và đầu tư sở tại.
 
Kể từ 1.7.2015, trừ những đăng ký có thể làm thay đổi nội dung ghi trên trên giấy CNĐKDN mới, thì khi thay đổi bất kỳ nội dung đăng ký doanh nghiệp, DN không cần phải nộp lại giấy CNĐKDN, các thông tin thay đổi nếu được cơ quan đăng ký chấp thuận sẽ được cập nhật trên Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia, trong trường hợp từ chối, cơ quan đăng ký sẽ có văn bản trả lời chính thức cho DN.
 
Như vậy, luật DN mới đã được chính thức áp dụng, tuy nhiên nội dung quan trọng nhất là về ngành nghề kinh doanh đã không được hiểu rằng, DN được kinh doanh bất cứ ngành nghề mà pháp luật không cấm, hoặc hạn chế theo tinh thần của nhà làm luật. Bởi, để làm được điều này, Nhà nước cần ban hành một quy định cụ thể về danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.
 
Nhìn chung, luật mới có nhiều thay đổi về “chất”, bắt buộc dẫn đến việc huỷ bỏ, thay đổi, điều chỉnh những nội dung pháp luật khác tại các ngành luật, bộ luật có liên quan. Song, điều đáng tiếc là tinh thần “kinh doanh bất cứ thứ gì mà luật không cấm” vẫn chưa thể thành hiện thực, ít ra là trong thời gian hiện nay. Sớm hy vọng, Nhà nước sẽ có các quyết sách, hành lang pháp lý mới để đảm bảo việc thực hiện triệt để tinh thần nêu trên trong thời gian một vài năm tới, phù hợp với xu thế chung của quốc tế.     

 
Cổng thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh


Từ nay, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh, địa chỉ www.dangkykinhdoanh.gov.vn, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao dịch của doanh nghiệp. Khi tiến hành bất kỳ giao dịch với doanh nghiệp bất kỳ, cá nhân, tổ chức có thể tìm kiếm thông tin cụ thể về những ngành nghề mà doanh nghiệp đó đã đăng ký kinh doanh, điều lệ, vốn đăng ký, những người đại diện pháp luật... để từ đó, có các quyết định chính xác trong việc ký hợp đồng thương mại, hợp tác kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần...
 
 
theo Luật sư Hồ Hữu Hoành
(báo Thế Giới Tiếp Thị)

(*) Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2015

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 105

Máy chủ tìm kiếm : 8

Khách viếng thăm : 97


Hôm nayHôm nay : 42112

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 941176

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44308861



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach