13:05 EDT Thứ hai, 29/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Văn hóa Tết và tâm niệm “thuyền lên, nước lên” trong năm Rồng

Thứ sáu - 27/01/2012 04:32
Nhìn bằng con mắt thực tế, kinh tế năm tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tôi luôn tâm niệm “Thuyền lên, nước lên”, mỗi cá nhân là một nhân tố của xã hội, các nhân tố tốt sẽ giúp xã hội tiến lên.


 
Chúng tôi gặp được bà Phạm Chi Lan trong không khí bận rộn cuối năm của những ngày giáp Tết. Câu chuyện về Tết cổ truyền cùng những phong tục tập quán truyền thống trong cuộc sống hiện đại như sợi dây vô hình đưa người phụ nữ Hà thành trở về những năm tháng Hà Nội xưa…

Chào bà, nhân dịp Tết nguyên đán sắp đến gần, nói chuyện Tết cùng độc giả của CafeBiz, bà có thể chia sẻ quan điểm của mình về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền trong cuộc sống hiện nay?

Bạn cũng biết đấy, từ xưa đến nay, ngày Tết có ý nghĩa quan trọng và là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt.
Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, ngày Tết là thời điểm người ta nghỉ ngơi, là dịp để hưởng thụ thành quả cả một năm lao động. Người xưa nói, “đói giỗ cha, no ba ngày tết”, nên mới có cụm từ “ăn Tết” là vậy.

Với cuộc sống bận rộn ngày nay, khi áp lực lớn từ công việc trong cả một năm dài, thì Tết là lúc để mọi người tạm ngừng tất cả lại, để nghỉ ngơi và quan tâm nhiều hơn đến gia đình. Tết bây giờ cũng không còn quá nặng về ăn uống nữa, mà dần trở thành dịp đi chơi, du lịch và dành thời gian cho gia đình, người thân và trở về với quê hương. Ít nhất trong một năm, đây còn là dịp những người xa quê nối lại sợi dây tình cảm về với gia đình, với quê hương.

Nhịp sống thay đổi dẫn đến nhiều sự khác biệt giữa Tết cổ truyền xưa và nay. Vậy sự thay đổi này có ảnh hưởng lớn đến việc gìn giữ truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ hay không, thưa bà?

Đúng là Tết xưa và nay có nhiều sự khác biệt, không chỉ Tết mà còn ở văn hóa, nhưng đó là điều tất yếu bởi cuộc sống luôn vận động và thay đổi. Quan trọng là mỗi người chúng ta ý thức được rằng việc gìn giữ trong gia đình chính là cách giáo dục cho thế hệ sau hiểu được ý nghĩa của những gì thuộc về truyền thống.
Ở gia đình riêng của mình, Tết xưa và nay có đổi thay nhiều không, thưa bà?

Tết xưa trong tôi là hình ảnh chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên của các bà các mẹ, là ký ức sum họp gia đình, cả nhà quây quần bên mâm cỗ chiều 30 tết.
Tôi còn nhớ khi mới lên 7, lên 8, tôi đã được đưa vào bếp xem các bà, các mẹ dạy cách chuẩn bị bữa cơm cúng gia tiên điển hình. Mâm cơm cúng truyền thống của gia đình bao giờ cũng đủ 4 bát, 8 đĩa. Số 4 và số 8 được các cụ dạy rằng là những số đẹp để dâng lên tổ tiên, nhớ về nguồn cội, cầu mong một năm mới an lành.

Sau này, dù mâm cỗ cúng gia tiên chiều 30 được chuẩn bị đơn giản hơn, nhưng vẫn phải do tự tay con cháu trong nhà chuẩn bị. Điều quan trọng là tự tay mình làm cơm, nhớ lại ngày xưa, kể lại và chỉ bảo cho con, cho cháu. Tôi có 3 đứa cháu gái, trẻ con bây giờ không vào bếp sớm như thế hệ trước nhưng mình có thể bảo ban chúng từ những điều nhỏ về văn hóa Tết.

Nói về Văn hóa tết, bà thích nét văn hóa truyền thống nào nhất?

Tôi thích bữa cúng gia tiên cuối năm, tự tay mình nấu, con cháu dâng lên tổ tiên, nhớ về truyền thống gia đình, để tạ tội và hứa những gì sẽ làm trong năm tới.
Tôi cũng thường đi lễ chùa đầu năm vào ngày mùng 1 Tết, cầu an lành cho gia đình, cầu cho quốc thái dân an.

Là người phụ nữ truyền thống mang dấu ấn của Hà Nội xưa, thích tự tay mình chuẩn bị cỗ cúng, hiện gia đình bà còn giữ đủ 4 bát 8 đĩa trong mâm cơm cúng gia tiên như xưa không?

Hiện nay, gia đình lớn của tôi vẫn giữ đủ 4 bát, 8 đĩa, còn gia đình nhỏ thì chuẩn bị đơn giản hơn. Cuộc sống bây giờ cũng đầy đủ nên việc chuẩn bị cũng dễ dàng. Bánh chưng có thể đặt ở hàng, nhưng các món truyền thống như cá kho, dưa, trứng muối…tôi vẫn tự tay chuẩn bị. Chúng tôi vẫn dành thời gian nấu bữa cơm tất niên cúng gia tiên và sum họp gia đình chiều 30 Tết.

Bà có nghĩ khi kinh tế phát triển, cuộc sống trở nên xô bồ và bận rộn, cái Tết dường như giảm bớt ý nghĩa vốn có, thời gian dành cho Tết thì ngày càng ít đi?

Tôi cho rằng, Tết là thời gian cần thiết cho mọi người tạm dừng lại công việc căng thẳng của một năm để quan tâm đến gia đình, người thân. Vậy thì ngày tết trong đời sống bận rộn càng trở nên đáng quý. Như vậy không nhất thiết cuộc sống tăng tốc, phát triển thì Tết bị thu ngắn, thâm chí, Tết ngày nay dường như còn kéo dài hơn trước với nhiều lễ hội và chương trình văn hóa sau Tết.

Có lẽ, xã hội Việt Nam ta đang trải qua những năm đầu của kinh tế thị trường, sự giao thoa và chuyển tiếp văn hóa đang diễn ra khá mạnh nên có phần nào “xô bồ” như bạn nói, chứ không phải vấn đề về phát triển kinh tế.

Vậy theo bà, đâu là lời giải cho bài toán cân đối và hài hòa hai vấn đề: tiếp thu văn hóa mới và gìn giữ những giá trị truyền thống?

Nền tảng gia đình là quan trọng hàng đầu. Văn minh nhân loại và giá trị truyền thống của ông cha đều là những tinh hoa đáng để học, gìn giữ và phát huy. Với một nền tảng gia đình tốt, tấm gương từ những người lớn trong gia đình sẽ giáo dục thế hệ trẻ trưởng thành.

Cũng không thể phủ nhận rằng, xã hội ngày nay có phần phức tạp hơn và ảnh hưởng nhiều hơn đến giới trẻ, trong khi thời gian dành cho gia đình giảm xuống, khiến việc giáo dục từ gia đình trở nên khó khăn hơn.

Nhìn lại một năm qua, với tư cách là một chuyên gia kinh tế, bà nhận định như thế nào về sự ảnh hưởng của kinh tế đến mức chi tiêu của xã hội ở Tết Nhâm Thìn năm nay?

Năm 2011 là một năm khó khăn của kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng. Lãi suất cao, doanh nghiệp khó khăn, kinh tế suy giảm là bức tranh kinh tế của năm qua. Với mức lạm phát cao, người dân cũng phải thắt lưng buộc bụng, chi tiêu hạn chế hơn. Các doanh nghiệp cũng không còn thưởng Tết mạnh tay như những năm trước cho người lao động.

Bỏ lại sau lưng một năm đầy khó khăn để nhìn về phía trước, trong năm mới - năm Nhâm Thìn, bà trăn trở điều gì và mong muốn điều gì nhất?

Nhìn bằng con mắt thực tế, kinh tế năm tới vẫn còn đó những khó khăn và thách thức đang chờ chúng ta. Tôi luôn tâm niệm “Thuyền lên, nước lên”. Mỗi cá nhân là một nhân tố của xã hội, các nhân tố tốt sẽ giúp xã hội tốt lên, nhất là đối với những người có trách nhiệm. Bởi vậy, thay vì chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, mọi người hãy nghĩ nhiều hơn cho xã hội, làm nhiều điều hơn cho xã hội, cho đất nước.

Năm Thìn sắp đến, với hình ảnh Rồng bay lên, tôi mong rằng cuộc sống của người dân sẽ tốt lên, kinh tế đất nước sẽ vượt qua khó khăn và là điểm tựa cho sự phát triển trong những giai đoạn tiếp theo.

Xin cảm ơn Bà về cuộc trò chuyện này. Xin được chúc Bà và gia đình một năm mới, sức khỏe, hạnh phúc và may mắn!

 

Khánh Linh - Kỳ Anh (thực hiện)

Nguồn tin: TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 458


Hôm nayHôm nay : 124634

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 754440

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43266209



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach