19:56 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Khảo sát

Biến đổi gen: giải pháp cho nông nghiệp Việt Nam?

Chủ nhật - 30/10/2011 00:29
SGTT.VN - Theo ước tính của Liên hiệp quốc, năm 2050 cả thế giới sẽ có 9 tỉ người, thêm hơn 2 tỉ miệng ăn so với hiện nay. Đảm bảo lương thực nuôi sống từng đó con người là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của mỗi quốc gia. Nhiều nước chú tâm đến phát triển nông nghiệp, trong đó có Việt Nam đang xem xét việc áp dụng công nghệ sinh học nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có công nghệ biến đổi gen (GMO – genetically engineered organism).
Từ phòng thí nghiệm đến cánh đồng
Tại những nhà kính và phòng nghiên cứu hiện đại của công ty Pioneer thuộc tập đoàn DuPont (Mỹ) ở tiểu bang Iowa, các nhà khoa học và kỹ thuật viên của công ty này nghiên cứu các kỹ thuật lai ghép giống hiện đại, biến đổi gen của các giống cây hoa màu phổ biến nhất của ngành nông nghiệp Mỹ: cây bắp và cây đậu nành. Có thể mất rất nhiều tháng, nhiều năm, nhưng những công ty hàng đầu trong lĩnh vực sinh học như Pioneer đã thực hiện việc “bắn gen” để tạo ra những giống hoa màu có khả năng kháng dịch bệnh, sâu rầy hoặc chịu đựng được những điều kiện đất đai khô hạn thường thấy ở châu Phi. Các giống cây được lai ghép và các giống cây đã được biến đổi gen (GMO) được cho là góp phần tạo nên năng suất nông nghiệp rất cao ở Mỹ: theo ông Daniel E. Jacobi, phó chủ tịch Pioneer phụ trách các thị trường châu Á – Thái Bình Dương, châu Phi và châu Âu, nếu 1 hecta đất canh tác ở châu Phi chỉ cho năng suất khoảng 1,5 tấn bắp, thì ở Mỹ, năng suất lên đến 10 tấn! Yếu tố giống cây áp dụng công nghệ sinh học được cho là giúp năng suất tăng hơn 10% so với các loại giống thường. Bên cạnh đó, “công nghệ sinh học còn giúp người nông dân tiết kiệm được các chi phí khác như thuốc trừ sâu, phân bón…”, ông Jacobi nói. Pioneer là một trong ba công ty lớn nhất thế giới về công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, bên cạnh Monsanto và Sygenta AG. Pioneer cũng đang tìm cách giới thiệu các hạt giống biến đổi gen vào Việt Nam.
Công nghệ sinh học bắt đầu được nghiên cứu từ những năm 1980 và được áp dụng ở Mỹ vào giữa thập kỷ 1990, đang trở thành trào lưu lớn nhất trong nền nông nghiệp thế giới. Tính đến năm 2010, có 29 nước chấp nhận công nghệ GMO, đưa tổng số đất canh tác sử dụng công nghệ GMO lên hơn 150 triệu hecta trên toàn thế giới, chiếm khoảng 10% đất nông nghiệp toàn cầu. Những nước đứng đầu về áp dụng GMO là Mỹ, Brazil, Argentina… Trung Quốc và Ấn Độ mới đây đã áp dụng công nghệ này.
Pioneer, cùng những công ty khác, cũng đã có mặt tại Việt Nam. Bên cạnh việc giới thiệu các giống cây truyền thống và các giống lai (trong đó có giống lúa lai) Pioneer đang tìm cách giới thiệu giống bắp biến đổi gen thương hiệu Hexculex, có khả năng chịu dịch bệnh, vào Việt Nam. Ông Jacobi cho biết “đang hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra quyết định vào đầu năm 2012”.
Theo Pioneer, người nông dân Việt Nam rất hào hứng với công nghệ sinh học, nhưng việc có áp dụng hay không GMO còn là cả một cuộc tranh luận dài, từ tính an toàn đến chi phí, hiệu quả, cùng các khía cạnh về văn hoá và tôn giáo.
GMO: tốt hay xấu?
Vấn đề an toàn lương thực và việc áp dụng công nghệ sinh học được giới khoa học, các quốc gia và tổ chức quốc tế bàn luận sôi nổi tại nước Mỹ giữa tháng 10, nhân sự kiện hội nghị thượng đỉnh về lương thực diễn ra ở tiểu bang Iowa. Công nghệ sinh học được coi như lời giải cho vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, nhưng trước cửa Nhà Trắng ở Washington DC cuối tuần rồi, vẫn có những nhóm biểu tình phản đối việc áp dụng GMO trong nông nghiệp. Những người phản đối đưa ra nhiều lý do: GMO chưa được chứng minh là không có hại cho sức khoẻ con người, nó có thể tạo ra những thay đổi bất lợi cho môi sinh, rằng con người không thể thay Chúa trời làm đấng tạo hoá…
Điều mà thế giới có lẽ không chú ý, là từ lâu nhiều nước đã và đang sử dụng các sản phẩm nông nghiệp từ GMO mà không biết. Theo các giáo sư thuộc trung tâm nghiên cứu hạt giống của đại học Iowa, 81% bắp tiêu thụ trên toàn thế giới đến từ ba nước sử dụng GMO trong sản xuất bắp: Mỹ, Argentina, Brazil. 89% tổng sản lượng đậu nành toàn thế giới cũng đến từ những nước này. “Các nước châu Âu từ lâu đã tiêu thụ các sản phẩm GMO, mà có lẽ họ không biết” – tiến sĩ Adelaida Harries thuộc trường đại học Iowa nhận xét. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho rằng cho đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào để cho rằng các sản phẩm GMO có hại cho sức khoẻ con người. Cơ quan về thực phẩm và thuốc của Mỹ FDA bác bỏ việc dán nhãn các sản phẩm GMO vì cho rằng không có lý do gì phải phân biệt sản phẩm này. Tại Việt Nam, việc áp dụng công nghệ sinh học trong lai ghép giống cây trồng đã diễn ra từ lâu, và có thể không lâu nữa cho đến khi Việt Nam lựa chọn con đường mà nhiều quốc gia nông nghiệp khác đang chọn: cho phép sử dụng công nghệ biến đổi gen trong nông nghiệp.
Đất đai nông nghiệp của Việt Nam đang bị thu hẹp, trong khi năng suất nông nghiệp vẫn còn rất thấp: hơn 55% lực lượng lao động cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp, mà chỉ đóng góp được khoảng 15% tổng GDP. Chính phủ đang đặt mục tiêu đẩy năng suất nông nghiệp lên cao chiếm đến 17 – 18% của GDP. Liệu GMO có phải là lời giải?

Lan Anh (Từ IOWA, Mỹ)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 404

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 403


Hôm nayHôm nay : 74356

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 658667

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43170436



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach