20:18 EDT Thứ hai, 13/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015: Từ đâu và đến đâu ?

Thứ năm - 24/11/2011 23:51
Chiếm trên 96% số DN cả nước, các DNNVV đang đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo. Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 đang được xây dựng trong bối cảnh các DN gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ 9 tháng đầu năm 2011 đã có gần 49.000 DN rơi vào tình trạng phá sản, thua lỗ (chiếm gần 10% tổng số DN trên toàn quốc).
 
Đứng trước tình hình khó khăn của DNNVV, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều khu vực vẫn chưa tiếp cận được sự hỗ trợ này. Ông Tô Hoài Nam – Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV cho rằng, các DNNVV đang trông chờ vào một sự đột phá trong chiến lược phát triển.


Ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa
 
Hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, chính sách phát triển luôn là vấn đề cần phải cân đo, tính toán. Từ việc miễn, giảm, giãn thuế thu nhập DN đang được Chính phủ triển khai, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các chính sách này?
 
Trước tiên phải khẳng định, sự hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế thu nhập DN là cần thiết. Mọi chính sách hỗ trợ có thể được trong khả năng từ Chính phủ, bộ ngành lúc này đều rất quan trọng đối với DN, đặc biệt là DNNVV. Tất nhiên, sự hỗ trợ trên có thể trở nên không còn hiệu quả đối với các DN rơi vào tình trạng phá sản, ngừng hoạt động, ngừng đóng thuế. Tuy nhiên, với những DN sắp rơi vào tình trạng “nguy kịch” thì những hỗ trợ về miễn, giảm, giãn thuế giúp họ một nguồn lực đáng kể. Khó có chính sách hỗ trợ nào có thể giúp mọi đối tượng thoát khỏi khó khăn. Có khu vực DN được hưởng lợi nhiều từ chính sách hỗ trợ này thì lại khó tiếp cận chính sách hỗ trợ khác. Điều quan trọng là DN vừa phải biết tận dụng sự hỗ trợ một cách hiệu quả vừa phải có năng lực tự thân để vượt qua những giai đoạn khó khăn.
 
Dự thảo Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 đã đặt ra rất nhiều mục tiêu. Dưới góc độ là hiệp hội DN, ông có thể đưa ra những bình luận cơ bản về mục tiêu, số lượng DNNVV sẽ được thành lập mới, trong thời gian tới?
 
Muốn xây dựng kế hoạch phát triển, điều đầu tiên ban soạn thảo cần làm là xác định DNNVV đang đứng ở đâu, tình hình phát triển những năm qua ra sao? Tiếp đó, điểm đến mới của các DNNVV ở vị trí nào? Theo báo cáo của Ban soạn thảo, kết thúc giai đoạn 2006 - 2010, đã có khoảng 370 nghìn DNNVV được thành lập mới, tạo thêm khoảng 2,7 triệu chỗ làm mới. 7% tổng số DN này trực tiếp tham gia xuất khẩu. Quy mô vốn trung bình của một DN tăng từ ba tỉ đồng năm 2000 lên 17,6 tỉ đồng năm 2009, gấp gần sáu lần. Tài sản cố định và đầu tư dài hạn của DNNVV năm 2009 tăng gấp bốn lần so với năm 2000. Doanh thu thuần cũng tăng gấp sáu lần...

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là số lượng những DN đã phải phá sản, giải thể, hoặc ngừng hoạt động là bao nhiêu? Số lượng này vẫn còn xa thực tế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, nguyên nhân từ hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn quy trình phá sản, giải thể vẫn còn chưa bám sát thực tế. Còn DN đôi khi cũng ngại phải làm các thủ tục này, ngại cung cấp số liệu cho các cơ quan chức năng. Do đó, công tác thống kê khó có thể chính xác. Hệ lụy là các cơ quan khó nắm bắt được thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như khó khăn mà DN gặp phải, để có những kiến nghị hỗ trợ thích hợp.
 
Đối với mục tiêu giai đoạn 2011-2015 có thêm 450.000 DN được thành lập mới cũng cần phải xem xét và có những giải pháp thích hợp. Cần bổ sung hai giải pháp giúp đạt chỉ tiêu này. Thứ nhất là phải quan tâm hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN nhỏ. Tiếp đến, để DN phát triển về chất lượng thì phải tạo cơ chế chính sách sáp nhập, mua bán DN một cách thuận lợi. Qua đó, những DN có quy mô vừa, có năng lực về quản trị, năng lực tài chính, đất đai và công nghệ được thành lập, đáp ứng được các điều kiện cạnh tranh. Hai giải pháp trên thực hiện tốt sẽ góp phần huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, giải quyết được lực lượng lao động nông thôn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
 
Có nhiều giải pháp phải thực hiện đồng bộ, nhưng theo ông giải pháp nào mang tính đột phá trong các nhóm giải pháp của kế hoạch phát triển DNNVV 2011 – 2015?
 
Tôi đánh giá cao bốn nhóm giải pháp về đất đai, tài chính, đào tạo, thông tin thị trường. Trước tiên phải nói tới giải pháp hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng cho DNNVV. Tiếp đến là giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị cho các DNNVV. Cụ thể, sẽ đầu tư 400 tỷ đồng để đào tạo quản trị DN cho khoảng 640 nghìn lượt người từ các DNNVV. Giải pháp cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV và xúc tiến mở rộng thị trường cho DNNVV. Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp cho các DNNVV.
 
Nếu nhìn vào các đề mục giải pháp thì đây hoàn toàn là những giải pháp không mới. Tuy nhiên, cách tiếp cận và cách làm thì thể hiện tính đột phá. Ví dụ phát triển cụm liên kết, vấn đề liên kết các DN trong cụm và liên kết các cụm DN, khu công nghiệp mới là nội dung đáng chú ý. Vì chưa có mối liên kết giữa các DN, cụm DN, khu công nghiệp, sức mạnh của các DN vẫn bị hạn chế rất nhiều. Nếu chúng ta thực hiện đúng tiêu chí cụm liên kết như dự thảo, không chỉ năng lực của cụm DN, khu công nghiệp được phát huy mà năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng sẽ được nâng lên đáng kể.
 
Tuy nhiên, tôi cũng phải lưu ý, từ kế hoạch, giải pháp đến thực thi cũng là một quá trình. Phải thực hiện nghiêm túc những gì chúng ta đặt ra thì DNNVV mới thực sự vượt qua được thử thách to lớn trước mắt và vươn lên.
 
Xin cảm ơn ông!

                                        Mục tiêu phát triển DNNVV 2011 – 2015
 
Thành lập mới 450.000 DN (giai đoạn 2006-2010 khoảng 370.000 DN); tỷ lệ DNNVV trực tiếp tham gia xuất khẩu đạt từ 10-12% (hiện khoảng 7%); chiếm 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp khoảng 30% GDP, 35% tổng thu ngân sách nhà nước; và tạo thêm khoảng 4 triệu chỗ làm việc (2006-2010 là khoảng 2,7 triệu chỗ làm việc).
 
                                      8 nhóm giải pháp phát triển DNNVV:
 
- Hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của DN
- Hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng cho DNNVV
- Hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các DNNVV
- Phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị cho các DNNVV
- Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp cho các DNNVV
- Cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV và xúc tiến mở rộng thị trường cho DNNVV
- Xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển DNNVV
- Quản lý thực hiện Kế hoạch phát triển DNNVV
 



Bà Pham Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI:
 
Xem xét lại mô hình cụm liên kết
                  
Cụm công nghiệp, khu công nghiệp không chỉ được thành lập để giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất. Tại nhiều quốc gia, mô hình cụm công nghiệp được thành lâp một cách tự nhiên. Các DN trong cụm công nghiệp đều có mối liên kết cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhau. Từ cụm công nghiệp sẽ cung cấp ra thị trường những sản phẩm hoàn chỉnh.
 
Thực trạng, nhiều cụm công nghiệp, khu công nghiệp bị bỏ hoang đang khiến Bộ KH-ĐT đề xuất Chính phủ tạm ngừng cấp phép thành lập các cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Các địa phương cứ đua nhau thành lập các cụm công nghiệp, khu công nghiệp rồi mời gọi DN vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Cách làm này chưa hợp lý. Các cụm công nghiệp, khu công nghiệp cần hình thành nên dựa trên các mối liên kết về cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp được thành lập gần nhau cũng dựa trên nguyên tắc này. Đây mới thực sự là mô hình cụm liên kết.
 
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP HCM:
 
Cần có con số thực tế
 
Theo kế hoạch phát triển DNNVV 2011 - 2015 chỉ tiêu tăng 10-12% DNNVV tham gia xuất khẩu trực tiếp (hiện tại là 7%). Tiêu chí này liệu có mâu thuẫn với các chính sách hiện hành. Hện nay,   các chính sách mới ban hành đang có xu hướng giảm đầu mối xuất khẩu, tránh tản mạn, phân tán.
 
Ngoài ra, chỉ tiêu thành lập mới DN, cũng cần phải giảm xuống. Thực trạng TP HCM hiện nay đang có hơn 40% số DN trên cả nước đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ có khoảng 2/3 DN được thành lập ra làm ăn lành mạnh, còn 1/3 DN là hoạt động rất lôm côm. Nhiều khi việc đăng ký thành lập DN mới lại không mang ý nghĩa tích cực để đóng góp vào kinh tế xã hội. Số lượng DN đang thực sự hoạt động sản xuất kinh doanh thấp hơn rất nhiều con số báo cáo. 
 
Nhiều DN không chỉ là hoạt động kém hiệu quả mà còn được thành lập nên để gian lận thuế, mua bán hóa đơn. Một số khác thì đã ngừng sản xuất kinh doanh nhưng không làm được thủ tục giải thể, phá sản. Cục thuế không thể đáp ứng đủ cho việc làm thủ tục quyết toán thuế cho DN giải thể. Đây là tình trạng DN “chết” mà không “chôn” được. Vì thế, vấn đề hoàn thiện khung pháp lý để DN rút khỏi thị trường cũng cần được xem xét kỹ càng.
 
Bà Từ Thị Bích Lộc - Giám đốc Cty TNHH Mỹ Anh:
 
Cần cân đối các chính sách với DNNVV
 
Để tháo gỡ khó khăn cho DNNVV, Chính phủ đã ban hành chính sách miễn, giảm, giãn thuế thu nhập DNNVV. Tuy nhiên, tiền thuế đất lại nâng lên quá cao. Chỉ một lần nâng, DN của chúng tôi đã phải chịu tiền thuê đất tăng tới 17 lần. Rồi sau đó, nhà nước không hoàn thuế GTGT cho DN mà dùng khoản này khấu trừ ngay vào tiền thuê đất của DN.
 
Thêm vào đó, mức đóng phí bảo hiểm xã hội hiện nay đã quá cao, với tỷ lệ tới 28% lương. Hiện, 75% doanh thu của DN chúng tôi là dành cho chi lương. Chính vì vậy, hầu hết các DN đều phải làm sai luật. Luật yêu cầu trả phí bảo hiểm theo thu nhập nhưng trên thực tế, các DN chỉ đóng bảo hiểm tính theo lương tối thiểu, thấp hơn nhiều so với mức lương thực tế.
 
Ông Phạm Đình Hương - Trưởng phòng đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT Hòa Bình:
 
Thiên lệch ưu đãi DN lớn
 
Rất ít địa phương quan tâm thực sự tới các DNNVV. Thực tế, nhiều địa phương vùng sâu vùng xa, các DN lớn đóng góp tới 95% nguồn thu ngân sách từ DN. DNNVV năng lực tài chính yếu, ngân hàng cũng không giám cho vay, vì khó có khả năng thu hồi. DN lớn thì rất dễ dàng tiếp cận   vốn ngân hàng.
 
Đã vậy, trình độ quản trị của DN vùng sâu, vùng xa lại rất hạn chế. Do đó, DNNVV khó có khả năng đứng lên được. Mặc dù, số lượng DNNVV được thành lập đôi khí rất nhanh. Sở KH-ĐT cấp đăng ký kinh doanh không hết việc. Tuy nhiên, thành lập rồi không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả chiếm phần lớn. Quản trị DN đang là một nhu cầu cấp bách tại các vùng sâu, vùng xa.
 
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ KHCN:
 
Đổi mới công nghệ không chỉ hô hào
 
Chúng ta mới đánh giá về sự phát triển DNNVV ở mặt số lượng mà chưa nhìn rõ vấn đề chất lượng. Hiện nay, số lượng DN sản xuất chỉ chiếm khoảng 23-30%. Nếu xét về mặt đối mới công nghệ thì chỉ tính ở khu vực này. Bởi vậy, giải pháp hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong kế hoạch phát triển DNNVV cần làm rõ hơn tỉ trọng ngành, lĩnh vực để hướng giải pháp hỗ trợ cho khu vực tiềm năng.
 
Hỗ trợ đổi mới công nghệ cho DN có cái vướng nhất chính là vốn. Ví dụ: chúng ta chuyển giao công nghệ đông lạnh cũng mất 60 tỉ đồng. Quỹ hộ trợ phát triển công nghệ của chúng tới mới được thành lập cũng còn khá khiếm tốn, khoảng 50 triệu USD. Trong khi, ở Hàn Quốc, riêng chi   nhập khẩu công nghệ mới mỗi năm đã mất 1 tỉ USD và nhà nước chi một nửa. Các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia phát triển công nghệ cao đều đề cập nhóm DNNVV nhưng nguồn vốn thì không rõ ràng.
 

Bá Tú

Nguồn tin: Diễn Đàn Doanh Nghiệpghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 236

Máy chủ tìm kiếm : 28

Khách viếng thăm : 208


Hôm nayHôm nay : 44800

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 853592

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44221277



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach