22:07 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Sức khỏe

BỆNH MẮT LƯỜI (Amblyopia)

Thứ sáu - 09/03/2012 02:46
“Mắt lười” là gì?
 
“Mắt lười” (lazy eye, tên nôm na của bệnh “amblyopia”) là bệnh thị giác một bên hoặc cả hai bên mắt bị kém, dù có đeo kính cũng không khá hơn, nhưng khi khám, không thấy mắt có tổn thương gì cả. Mắt trông tốt nguyên, lẽ ra phải rõ mới phải, song khi nhìn thì đúng là không rõ. Mắt nó chỉ lười, không chịu làm việc.

Bệnh này không ít, cứ trong 100 người chúng ta, từ 1 đến 3 người (1-3%) có “mắt lười”. Tính ra như vậy, trong mỗi lớp học, trung bình có 1 em mang bệnh mắt lười.

Khổ cái, sự chữa trị bệnh mắt lười chỉ hiệu quả nhất khi các em còn nhỏ. Càng nhỏ, nếu khám phá sớm, sự trị liệu càng cho kết quả nhanh và tốt, bảo toàn được thị giác của mắt sau này. Sau 9-10 tuổi thì thường sự chữa trị không còn cho kết quả mấy.

Đổ tội tại mắt lười, rồi không chịu làm việc, quả thực cũng oan cho mắt. Đây đúng ra là bệnh của phần óc nằm phía sau đầu (occipital lobe of the brain), nơi có nhiệm vụ trông coi việc sắp xếp, lọc lựa các hình ảnh mắt chuyển về, giúp ta nhìn thấy được những hình ảnh tươi đẹp của cuộc đời bên ngoài.

“Nhìn thấy” là thành quả của sự phối hợp giữa nhiều bộ phận, trong đó có mắt.

Mắt ta giống một máy ảnh, thu nhận các hình ảnh sinh động của thế giới bên ngoài. Trong mắt có một màng lót đặc biệt nằm ở phía sau gọi là võng mạc (retina), hoạt động như phim của máy ảnh. Võng mạc nối liền với thần kinh thị giác (optic nerve). Các hình ảnh khi vào mắt, chiếu lên võng mạc. Võng mạc thu nhận hình ảnh, và thần kinh thị giác biến các hình ảnh thành những tín hiệu, rồi truyền những tín hiệu này về phần óc gọi là “occipital lobe” nằm phía sau đầu.

Người đời vẫn thường nói, có mắt mà không tròng, làm sao thấy. Ở đây, ngược lại, có mắt, có tròng đàng hoàng, mà không có phần óc phía sau đầu, thì cũng vậy thôi. Chỉ khác, mắt không tròng, khi khám, thấy rõ mắt không tròng, còn bệnh của phần óc nằm phía sau đầu khó khám phá, nên ngày trước khi chưa hiểu rõ cơ chế gây bệnh, người ta đổ tại mắt nó lười, nên nó chẳng chịu làm việc. Đáng lẽ, phải gọi là bệnh óc lười mới là đúng.

Ngay lúc chúng ta cất tiếng khóc chào đời, chúng ta đã có mắt, mũi, tay chân đầy đủ cả. Các bộ phận trong mắt, kể cả võng mạc (retina, màng ghi nhận hình ảnh nằm phía đằng sau mắt) đã phát triển toàn vẹn. Chỉ có phần óc phía sau đầu, quan trọng không kém mắt trong việc giúp chúng ta nhìn và thấy, là chưa phát triển hẳn. Chính những hình ảnh rõ ràng, sắc nét chiếu trên võng mạc, được biến thành những tín hiệu, truyền về phần óc này, giúp các tế bào của phần óc này dần dần nối kết chặt chẽ với nhau, khiến vùng này ngày càng trở thành tinh vi, sau sẽ sẵn sàng thi hành nhiệm vụ của nó. Nói cách khác, trong những năm đầu đời, chính những hình ảnh mà mắt phía trước thu nhận được một cách đầy đủ là yếu tố kích thích sự hình thành của phần óc phía sau đầu. Những kích thích này rất cần thiết, không có không xong. Nhờ nó, óc (phần phía sau đầu) phát triển rất mạnh trong vài năm đầu sau khi ta ra đời. Sau đó, sự phát triển của óc sẽ giảm dần và gần như ngừng lại hẳn vào lúc 6 tuổi. Như vậy, bệnh mắt lười cần được khám phá càng sớm càng tốt, và tất nhiên nên trước 6 tuổi, để sự trị liệu đạt được kết quả tối hảo, giúp cho mắt dùng tốt trăm phần trăm sau này. 

Người ta thấy rõ rằng, các động vật được nuôi trong bóng tối mãi, sau sẽ mù dù mắt chúng tốt nguyên, do hai mắt đều bị bệnh mắt lười cả. Ở người, ai muốn lớn lên trong bóng tối làm gì, và cũng chẳng bố mẹ nào nỡ nuôi con trong bóng tối, song có nhiều vấn đề đưa đến bệnh mắt lười tương tự như vậy.

Chẳng hạn:

- Những trường hợp mắt bị cườm bẩm sinh (congenital cataracts), hoặc giác mạc phía ngoài của mắt đục mờ (corneal opacification), khiến những hình ảnh và ánh sáng bên ngoài không lọt vào trong mắt được. Như vậy, sẽ thiếu những kích thích cần thiết để vùng óc phía sau đầu phát triển. Tình trạng này chẳng khác gì mắt bị “nuôi” trong bóng tối, sau sẽ mang bệnh “mắt lười do thiếu sự kích thích” (deprivation amblyopia).

-  Mắt lé (strabismus):

Khi lé, hai tròng mắt không cùng thẳng, ta sẽ nhìn một thành hai, nếu óc không khôn khéo phe lờ, coi như pha những tín hiệu từ con mắt bị lé, chỉ coi trọng những tín hiệu truyền tới từ con mắt tốt. Tức óc cố giúp ta nhìn thấy một hình ảnh rõ nét, một là một, chứ không nhìn một thành hai.

Nhưng óc khôn quá hóa dại, do sau một thời gian phe lờ những tín hiệu truyền đạt tới từ con mắt bên lé, óc tự hại mình, vì nó coi thường chính những tín hiệu giúp nó phát triển, nên nó trở thành chậm tiến, thiếu khả năng. Mai mốt, dù ta có chữa được bệnh lé thành công, nắn được cho tròng mắt thẳng lại, nhưng con mắt này trông vẫn không rõ, do phần óc sau đầu có nhiệm vụ phối hợp với nó nay đã trở thành biếng lười, không chịu làm việc. Bệnh mắt lười do bị lé này được gọi là “strabismic amblyopia”.

- Mắt cận mắt không:

Nhiều trường hợp một mắt cận thị, mắt kia còn tốt, trẻ vẫn xem thấy như thường, bằng mắt không cận, nên không than thở gì cả, vẫn vui, vẫn chơi, chả ai biết. Đây là một trong những trường hợp khó, vấn đề sẽ nặng dần theo thời gian, vì không ai để ý khám phá. Mắt bị cận không gửi được những hình ảnh sắc nét về phần óc phía sau đầu, khiến phần óc này không có những kích thích tối hảo để phát triển hết mức. Mắt bị cận sau vừa cận vừa lười.

Bệnh mắt lười do một mắt cận thị trong tuổi nhỏ để lâu không biết, không chữa được gọi “anisometropic amblyopia”.

- Hai mắt cùng cận:

Hai mắt cùng cận dễ khám phá hơn, vì trẻ kêu than, bảo đi học nhìn không thấy chữ viết trên bảng, đọc sách thấy nhòa, nên ta dễ khám phá hơn là một mắt bị cận, mắt kia tốt.

Hai mắt cùng cận nặng mà không chữa bằng cách cho trẻ đeo kính cận, hoặc contact lens, để có những hình ảnh rõ ràng chiếu trên võng mô, rồi được chuyển về phần óc phía sau đầu, sau cả hai mắt cũng sẽ bị lười, với cơ chế tương tự như của trường hợp mắt lười do cận một bên mắt. Chỉ cái tên y học là hơi khác: “isoametropic amblyopia”. (Biết cho vui thôi, bạn không cần phải ghi nhớ những tên bệnh xa lạ, dài dòng này, đã có các bác sĩ chịu khó nhớ hộ cho bạn).
 
Chữa trị
 
Bệnh mắt lười thường chữa được, nếu ta khám phá nó sớm. Tùy nguyên nhân gây bệnh, sự chữa trị sẽ khác biệt:

-  Mắt lười do bị lé (strabismic amblyopia):

Ta che mắt bên không lé lại, bắt mắt bên lé phải làm việc. Cho đến khi thị giác của mắt bên lé tốt trở lại, sẽ dùng giải phẫu để sửa chứng lé. 
- Mắt lười do một bên mắt bị cận (anisometropic amblyopia):

Ta che con mắt tốt, không bị cận lại, còn con mắt cận, bắt nó đeo kính hoặc contact lens, và... làm việc cho quen, không được lười.

- Mắt lười do hai bên mắt cùng cận (isoametropic amblyopia):

Thì bắt cả hai mắt cùng đeo kính hoặc contact lens cận, và cùng làm việc cho giỏi. Bao giờ cũng vậy, sự làm việc là phương thuốc tốt nhất để chữa bệnh lười. Bạn đồng ý?

Riêng những trường hợp mắt lười do bị cườm bẩm sinh, hoặc giác mạc phía ngoài của mắt mờ đục, sự chữa trị rất khó, và cần được khởi sự ngay trong vòng vài ngày sau khi em bé mới ra chào đời.

Trong bệnh mắt lười, việc khám phá sớm là quan trọng. Do thế, với các em bé bình thường, dù không có triệu chứng gì về mắt, lần khám mắt đầu tiên vẫn nên được thực hiện trước khi các em đi học, nếu có thể được, trong khoảng tuổi 3-4 tuổi, hoặc sớm hơn càng tốt. (Trong gia đình có người mang bệnh mắt lười, lé, hoặc mù bẩm sinh, các em cần được khám sớm hơn). Chờ cho đến khi em đến tuổi đi học mới khám mắt theo đòi hỏi của nhà trường không đủ, và sẽ là nguyên nhân gây buồn phiền cho rất nhiều vị phụ huynh của các em sau này.
 
BÁC SĨ TRƯƠNG VĨNH TOÀN
BÁC SĨ NGUYỄN VĂN ĐỨC   

Nguồn tin: yksg-khoa 75

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 187

Máy chủ tìm kiếm : 32

Khách viếng thăm : 155


Hôm nayHôm nay : 64883

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 916423

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44284108



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach