16:02 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Nông nghiệp Việt Nam sau 4 năm thực hiện cam kết WTO

Thứ tư - 26/10/2011 05:22
Sau 4 năm Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến nay là thời điểm cần nhìn nhận lại những tác động của việc gia nhập này đến nông nghiệp nước ta, từ đó góp phần tạo căn cứ cho việc điều chỉnh chính sách nông nghiệp phù hợp với lộ trình cam kết WTO và hạn chế những tác động nghịch của quá trình này.

Những tác động đối với ngành nông nghiệp sau 4 năm Việt Nam gia nhập WTO

Tác động đến tăng trưởng ngành

Tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp (SXNN) diễn ra với tỷ lệ từ 5% đến 6%/năm, giảm còn 3,5% vào năm 2009, tiếp đó tăng lên tới 4,7% năm 2010; tăng trưởng GDP của ngành thấp hơn và cũng thất thường, từ 3% đến 4%.

Sự thay đổi về tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trong 4 năm qua cho thấy, sau gia nhập WTO sản xuất nông nghiệp tăng giảm thất thường trong điều kiện những thay đổi trong nước theo các cam kết WTO chưa thật mạnh mẽ. Điều này phản ánh sự lệ thuộc mạnh của nông nghiệp Việt Nam vào thị trường thế giới trong điều kiện định hướng xuất khẩu sản phẩm nông sản đã mở rộng nhanh trong những năm vừa qua, đồng thời cho thấy tác động của gia nhập WTO đến nông nghiệp mang tính hai mặt, cả tích cực và tiêu cực.

Tác động đến xuất khẩu nông sản

Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã tăng khá mạnh trong 4 năm qua, đặc biệt ở những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nhưng chủ yếu là các sản phẩm gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, rau quả... trong khi sản phẩm chăn nuôi hầu như chưa xuất khẩu. Điều này phản ánh tác động thuận hay nghịch của gia nhập WTO phụ thuộc rất nhiều vào chính năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Chẳng hạn, giá trị xuất khẩu gạo năm 2009 (đạt gần 2,7 tỉ USD) đã tăng gấp đôi so với năm 2007, trong khi khối lượng xuất khẩu tăng gần 22%, năm 2010 còn đạt cao hơn là 3,2 tỉ USD. Kết quả này khẳng định gia nhập WTO đã tác động tích cực tới xuất khẩu gạo, cơ bản do giá gạo trên thị trường quốc tế tăng mạnh từ cuối năm 2007 và đầu năm 2008 và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tận dụng được cơ hội này(1). Còn xuất khẩu cà phê trong các năm 2006, 2007 và 2008 không thay đổi nhiều về giá trị và khối lượng, phản ánh việc gia nhập WTO đã ảnh hưởng không nhiều đến xuất khẩu sản phẩm này. Với thế mạnh của mình, sản phẩm cà phê vẫn trụ vững trên thị trường, nhưng không tăng hơn nữa cả về khối lượng và giá trị như lúa gạo. Tương tự, việc thực hiện các cam kết về giảm thuế nhập khẩu và tự do hóa thị trường cao su đã không ảnh hưởng xấu tới sản xuất và xuất khẩu cao su nguyên liệu của Việt Nam.

Tác động đến hoạt động sản xuất trong nước

Đối với hoạt động trồng trọt:

- Về diện tích, trong 4 năm qua diện tích các loại cây trồng có định hướng xuất khẩu hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trong nước đều tăng lên, như rau, quả, cây công nghiệp ngắn ngày tăng khoảng 2% - 4%/năm; cây công nghiệp lâu năm tăng 80 nghìn héc-ta trong 2 năm 2008 - 2009. Hình thành rõ rệt hơn các vùng sản xuất tập trung phù hợp với yêu cầu sinh học của các loại cây ăn quả, như vải, bưởi, sầu riêng, na, xoài, thanh long... và đã bước đầu ứng dụng công nghệ tiên tiến, thực hiện Việt GAP và global GAP...

- Về sản lượng, trong 4 năm qua, sản lượng các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt, như cà phê, cao su, chè, điều đã tăng nhanh.

- Những cây trồng có định hướng phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến nông sản thay thế nhập khẩu không tăng, thậm chí giảm. Đó là mía đường, bông thuộc, cây thức ăn cho gia súc... Những cây trồng này đã bị giảm cả về diện tích và sản lượng trong điều kiện Nhà nước đã duy trì các chính sách hỗ trợ mạnh.

Đối với chăn nuôi:

Nhóm sản phẩm chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, điều kiện thời tiết những năm qua và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao... Vì vậy, tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị SXNN chỉ tăng từ 24,5% (năm 2006) lên 30% (năm 2009); số đầu gia súc không tăng, gia cầm tăng, các sản phẩm trứng, sữa tăng nhẹ.
Đối với hoạt động dịch vụ nông nghiệp:

Tác động của việc gia nhập WTO đến hoạt động này là không đáng kể và bản thân hoạt động này có quy mô rất nhỏ, chưa tận dụng được những lợi thế từ việc gia nhập WTO.

Có thể nói rằng, hoạt động dịch vụ nông nghiệp đã và đang là điểm hạn chế của ngành nông nghiệp Việt Nam những năm qua, chưa thể hiện vai trò tích cực đối với trồng trọt và chăn nuôi, chưa góp phần tích cực vào quá trình nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp, mặc dù gia nhập WTO đã tạo ra những cơ hội lớn để gia tăng hoạt động dịch vụ trong toàn nền kinh tế.

Tác động mở rộng thị trường sản phẩm nông nghiệp

Mở rộng thị trường xuất khẩu:

Sau 4 năm gia nhập WTO ngành nông nghiệp Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu tăng 24%/năm, đạt 16.475 triệu USD vào năm 2008, tuy năm 2009 lại bị giảm.

Nhiều mặt hàng nông sản đã gia tăng thị phần và chiếm vị thế cao, như hạt điều, hạt tiêu chiếm vị trí thứ nhất, lúa gạo, cà phê đứng thứ hai, cao su đứng thứ tư, chè đứng thứ năm và thủy sản đứng thứ bảy trong nhóm các nước xuất khẩu những sản phẩm này. Năm 2009, đã có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD là gạo, cà phê, cao su, thủy sản, đồ gỗ (trong khi, năm 2005 chỉ có 3 mặt hàng là gạo, thủy sản và đồ gỗ).

Cán cân xuất nhập khẩu nông nghiệp những năm qua là dương, trong khi cán cân xuất nhập khẩu của toàn nền kinh tế là âm. Sản phẩm nông sản xuất khẩu không ngừng mở rộng về thị trường và chủng loại.

Mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước:

Thị trường nông sản nội địa đã và đang được mở rộng giữa các vùng, miền cả về số lượng, chủng loại và mẫu mã. Các doanh nghiệp thương mại nỗ lực đưa hàng hóa nông sản chế biến về tiêu thụ tại vùng nông thôn để kích cầu tiêu dùng và chiếm lĩnh thị trường nông thôn trong nước trước khi các công ty nước ngoài mở rộng hoạt động về nông thôn.

Những thay đổi về diện tích, sản lượng và giá trị nông nghiệp trong 4 năm qua phản ánh tác động của gia nhập WTO về cơ bản là tích cực, tạo cơ sở thực tiễn cho việc định hình một cơ cấu SXNN phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, phát huy cao nhất lợi thế tự nhiên của các vùng sinh thái, trên cơ sở đó có thể thiết kế các chính sách phát triển nông nghiệp phù hợp theo ngành sản phẩm và theo vùng sản xuất. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng cơ cấu SXNN hiện nay chưa ổn định, bộc lộ nhiều hạn chế.

Những hạn chế cơ bản của sản xuất nông nghiệp hiện nay

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp bất hợp lý.

Cơ cấu sản phẩm nông nghiệp chưa phù hợp với nhu cầu thị trường và với khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên đất và nước cho sản xuất. Tính phân tán cao. Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi còn thấp.

Chưa hình thành được các chuỗi giá trị nông sản mạnh và bền vững.

Các yếu tố khách quan và chủ quan đối với việc tạo dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản hàng hóa còn rất sơ khai, chưa hình thành đầy đủ; phổ biến tình trạng thiếu cơ chế liên kết hữu cơ giữa SXNN với chế biến, đóng gói và tiêu thụ các loại nông sản; chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng theo quy định tại Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ chưa đủ mạnh để tạo ra những liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh nông nghiệp.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước chưa tạo động lực đủ mạnh để khắc phục tình trạng yếu kém của SXNN hiện nay.

Cụ thể:

- Chính sách đất nông nghiệp chưa hướng tới củng cố các vùng SXNN tập trung, chưa thúc đẩy tạo ra các đơn vị sản xuất quy mô lớn;

- Chính sách hỗ trợ về thuế, cước vận chuyển, các loại phí chưa được áp dụng đầy đủ và chưa hấp dẫn các nhà đầu tư bỏ vốn vào kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

- Chính sách tín dụng ưu đãi về mức vốn vay, điều kiện cho vay, thời gian vay chưa linh hoạt để hỗ trợ đắc lực cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn(2);

- Chính sách đầu tư cũng chưa đủ lớn để tạo ra kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển SXNN hàng hóa quy mô lớn, nhất là kết cấu hạ tầng ở các vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp, cây ăn quả, các vùng chăn nuôi đại gia súc...

- Chính sách phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chậm triển khai, bị coi nhẹ làm cho nguồn nhân lực nông nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hiện đại, có tính hợp tác và tuân thủ nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo các cam kết của WTO;

- Chính sách khoa học và công nghệ nông nghiệp chưa đủ tầm tác động nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Nhiều ngành sản phẩm nông nghiệp như chè, dâu tằm, rau, quả, chăn nuôi gia cầm, lợn thiếu công nghệ có sức cạnh tranh về giống, quy trình canh tác, thu hoạch... làm hạn chế việc nâng cao giá trị gia tăng.

Những yếu kém khác

- Ngành công nghiệp chưa hướng vào phục vụ các nhu cầu về máy móc, trang thiết bị phù hợp, có năng suất lao động cao trong nông nghiệp. Phần lớn trang thiết bị sau thu hoạch, chế biến nông sản phải nhập khẩu với giá cao và không có dịch vụ hướng dẫn sử dụng, bảo hành, gây nhiều khó khăn cho người SXNN.

- Chưa hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng nông sản và vật tư nông nghiệp để tạo ra thị trường nông sản và vật tư nông nghiệp lành mạnh. Tình trạng tồn đọng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh cấm sử dụng trong nông sản hàng hóa và tình trạng vật tư nông nghiệp có hại, không có hướng dẫn sử dụng được nhập khẩu tự do đang tồn tại phổ biến, gây ra nhiều khó khăn, bức xúc đối với cả người SXNN và người tiêu dùng về tình trạng hàng giả, hàng kém phẩm chất, không bảo đảm yêu cầu về chất lượng và an toàn cho sức khỏe.

Những biến động bất lợi trên thị trường thế giới đối với nông nghiệp Việt Nam

- Tình hình kinh tế thế giới hiện nay không ổn định và những nguy cơ khủng hoảng, suy thoái chưa bị loại trừ triệt để sẽ tiếp tục gây ra những biến động bất lợi cho sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Với mức độ mở cửa cao của SXNN Việt Nam, bất kỳ biến động nào trên thị trường thế giới đều có thể ảnh hưởng nhanh và trực tiếp đến các hoạt động SXNN, nhất là các ngành có sản phẩm xuất khẩu.

- Xu hướng bảo hộ và thắt chặt các hàng rào phi thuế quan ở các nước nhập khẩu, như: chống bán phá giá, xây dựng hàng rào kỹ thuật ngày càng cao và tinh vi tại các thị trường có sức mua lớn cũng sẽ tiếp tục tác động mạnh đối với sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

- Giá nhiên liệu, vật tư "đầu vào" biến động theo hướng tăng mạnh sẽ tiếp tục gây tổn thất đối với SXNN vốn đã chịu rủi ro cao về thiên tai, dịch bệnh và lợi nhuận thấp.

- Việc gia nhập WTO trong điều kiện các yếu tố cơ bản của sản xuất trong nước như tài nguyên, nhân lực và vốn liếng còn rất phân tán và chưa được chuẩn bị kỹ càng đã và sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức to lớn hơn đối với nông nghiệp trong những năm tới. Đặc biệt, rất cần sự chuẩn bị cùng hợp tác, cố kết giữa nông dân với các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh nông nghiệp để cùng nhau vượt qua thách thức ngày càng lớn hơn trong hội nhập sâu rộng hơn, bởi vì, chính sách hỗ trợ của Chính phủ không thể giải quyết hết được những vấn đề của sản xuất nhỏ, phân tán trong nông nghiệp.

Tiếp tục điều chỉnh các chính sách, biện pháp đối với nông nghiệp những năm tới

Một số định hướng chính sách chung đối với nông nghiệp

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế nhập khẩu đúng lịch trình đi đôi với triển khai các biện pháp giúp người SXNN phòng ngừa rủi ro. Theo đó, cần đưa ra các biện pháp phòng ngừa tác động xấu khi các mức thuế nhập khẩu mới được áp dụng theo cam kết.

Thứ hai, chú trọng các biện pháp, chính sách mang mục tiêu dài hạn có tác động nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, hình thành các chuỗi giá trị nông sản mạnh tại các vùng SXNN tập trung.

Thứ ba, triển khai biện pháp thích hợp với điều kiện chủ quan của nông dân Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp vừa có tri thức tốt về kiến thức nông học, vừa có năng lực tốt về hợp tác, liên kết cùng nhau trong sản xuất và trong phối hợp với doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản, khép kín quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Thứ tư, thực hiện chiến lược nâng cao hiểu biết, năng lực và trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà nước về nông nghiệp ở các cấp, nhất là ở cấp huyện và cấp xã để bảo đảm đúng chức năng cung cấp dịch vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ nông dân, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác trên địa bàn, bảo đảm cho việc thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam và các chính sách của Nhà nước đối với nông nghiệp được triển khai đầy đủ và đúng tới các đối tượng thuộc diện điều chỉnh và hưởng lợi.

Định hướng chính sách nâng cao năng lực hội nhập WTO của các ngành sản phẩm nông nghiệp

Đối với các ngành sản phẩm trồng trọt, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Một là, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo nguyên tắc hiệu quả và đúng lợi thế cạnh tranh. Phát triển các ngành sản phẩm trồng trọt hàng hóa quy mô lớn và tập trung cao, áp dụng khoa học - công nghệ mới để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.

Hai là, tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cây trồng để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.

Ba là, hình thành các thể chế liên kết trong nội bộ từng chuỗi giá trị ngành sản phẩm trồng trọt theo từng vùng sản xuất tập trung. Chú trọng các chuỗi đang vận hành ở các vùng sản xuất sản phẩm xuất khẩu quan trọng như gạo, cà phê, cao su, chè, điều, rau quả.

Đối với ngành sản phẩm chăn nuôi:

Một là, cụ thể hóa các chính sách, biện pháp khuyến khích phát triển các trang trại và cơ sở chăn nuôi hàng hóa lợn, gia cầm theo phương pháp công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô lớn hơn và yêu cầu áp dụng triệt để các biện pháp an toàn dịch bệnh.

Hai là, áp dụng công nghệ tiên tiến trong tuyển chọn, lai tạo giống vật nuôi bản địa với giống nhập khẩu, bảo đảm tạo đàn gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng thịt cao.

Ba là, quy hoạch lại hệ thống chế biến thức ăn về gần các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, tạo thị trường thức ăn chăn nuôi phát triển, đáp ứng được về khối lượng và thời điểm theo nhu cầu của chăn nuôi; thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước bằng nguồn nguyên liệu tại chỗ, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng và không pha trộn các chất tăng trọng bị cấm; thiết lập hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm của các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, bảo đảm thức ăn cho gia súc, gia cầm đúng tiêu chuẩn nhà nước; bố trí đủ diện tích sản xuất cây nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, sử dụng các giống cỏ năng suất, chất lượng cao.

Bốn là, tăng cường năng lực hoạt động phòng và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm của hệ thống thú y cơ sở bảo đảm chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, hướng dẫn nông dân thực hiện an toàn gia súc, gia cầm.

Năm là, nâng cấp quy mô và chất lượng các cơ sở giết mổ, chế biến thịt gắn với chăn nuôi tập trung, có trang thiết bị hiện đại, đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sáu là, tăng cường kiểm tra nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, kiểm soát vận chuyển trong nước, kiên quyết xử lý các sản phẩm chăn nuôi vi phạm luật pháp.

Đối với hoạt động dịch vụ nông nghiệp:

Thứ nhất, Chính phủ ban hành các quy định điều chỉnh các hoạt động dịch vụ nông nghiệp theo đúng cơ chế thị trường có sự bảo đảm của bên cung ứng với bên sử dụng, ban hành các chế tài mạnh xử lý trường hợp vi phạm quy định đối với hoạt động dịch vụ nông nghiệp.

Thứ hai, tổ chức lại công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ nông nghiệp ở Trung ương và địa phương, bảo đảm quản lý hữu hiệu các hoạt động dịch vụ nông nghiệp.

Thứ ba, điều chỉnh một phần vốn ODA dành cho nông nghiệp, nông thôn để đầu tư vào các hạng mục hạ tầng cho hoạt động dịch vụ nông nghiệp.

Thứ tư, chú trọng xây dựng các hạng mục hạ tầng về kho tàng, bến bãi và cửa hàng, cơ sở phân phối hàng hóa, vật tư nông nghiệp trên địa bàn trồng trọt, chăn nuôi tập trung.

Thứ năm, thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ tập thể trong nông nghiệp, chú trọng vai trò các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp. Khuyến khích thành lập hiệp hội các nhà cung ứng máy và vật tư, tư liệu sản xuất nông nghiệp, hình thành các quy chế hợp đồng lành mạnh và hiệu quả trong hoạt động dịch vụ nông nghiệp./.

--------------------------------------------

(1) Giá gạo 10% tấm của Việt Nam tăng từ 305 USD/ tấn năm 2007 lên 590 USD /tấn trong 6 tháng đầu năm 2008 - tăng 94% (nguồn: Báo cáo thường niên nông nghiệp 2008 và triển vọng 2009 - Agroinfo)
(2) Các chính sách này hiện đang tranh cãi trong WTO, vì làm méo mó hoạt động thương mại quốc tế trong hệ thống các nước thành viên, nhưng Việt Nam vẫn được phép áp dụng

Chu Tiến QuangTS, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Nguồn tin: TCCS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 383

Máy chủ tìm kiếm : 8

Khách viếng thăm : 375


Hôm nayHôm nay : 74356

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 640817

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43152586



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach